TT Putin lệnh rút quân, "lửa bùng lên" ở Kavkaz: Nga cảnh cáo Armenia đưa quân phương Tây chiếm lĩnh căn cứ

Tùng Chi |

Nga đã phát cảnh báo tới Armenia ngay sau khi vừa xác nhận rút hàng nghìn binh sĩ thuộc lực lượng gìn giữ hòa bình ra khỏi Nagorno-Karabakh.

Nga: Armenia "thổi bùng ngọn lửa" ở Kavkaz

Theo tờ Izvesita, trong cuộc họp báo ngày 18/4, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nhấn mạnh, phương Tây đã trao cho Armenia vai trò của một công cụ "thổi bùng ngọn lửa" ở Kavkaz (hay Caucasus).

"Armenia chỉ được trao vai trò là một công cụ mà Mỹ và EU muốn lợi dụng để thổi bùng lên ngọn lửa lớn. Đây là điều mà Mỹ và toàn thể phương Tây đã học được cách làm", bà Zakharova nói.

Theo nhà ngoại giao Nga, các nước phương Tây đang hướng tới mục tiêu phá vỡ mối quan hệ giữa Nga-Armenia trong lĩnh vực an ninh - kinh tế, đồng thời làm suy yếu các cơ chế hợp tác 2 lĩnh vực này trong khuôn khổ tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) và Liên minh Kinh tế Á-Âu (EAEU).

TT Putin lệnh rút quân,

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc Mỹ và EU lợi dụng Armenia làm công cụ "thổi bùng ngọn lửa ở Kavkaz". Ảnh: Gazeta.ru

Izvestia lưu ý rằng, một ngày trước khi diễn ra cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao Nga, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov đã lên tiếng xác nhận Nga chính thức rút lực lượng gìn giữ hòa bình ra khỏi Nagorno-Karabakh. 

Theo tờ Vedomosti (Nga), việc này đã được đích thân Tổng thống Nga Vladimir Putin cùng Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev thảo luận và đi đến nhất trí.

Năm 2020, sau cuộc chiến tranh giữa Armenia và Azerbaijan nhằm giành quyền kiểm soát vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh, gần 2.000 lính Nga đã được triển khai tới khu vực này với vai trò gìn giữ hòa bình. Theo kế hoạch ban đầu, nhiệm vụ của họ sẽ kéo dài tới năm 2025.

Hãng tin Reuters cho biết, quyết định rút lực lượng "trước thời hạn" của Nga được đưa ra trong bối cảnh Moscow đang phải đối mặt với áp lực lớn trong khu vực.

Armenia đã thể hiện quan điểm chống Nga khi tuyên bố đình chỉ hiệp ước tập thể với Moscow, thúc đẩy hội nhập chặt chẽ hơn với Liên minh châu Âu (EU), đồng thời yêu cầu lực lượng biên phòng Nga rút khỏi sân bay quốc tế Zvartnot ở thủ đô Yerevan.

Hình ảnh lực lượng Nga bắt đầu rút khỏi Karabakh. Nguồn: Zvezdanews

Moscow cảnh cáo kế hoạch của Armenia

Cũng trong cuộc họp báo ngày 18/4, bà Zakharova đã đề cập tới thông tin gần đây cho biết, Armenia đã đạt được các thỏa thuận quân sự - chính trị với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) tại cuộc họp ở Brussels hôm 5/4.

Ngay từ cuối tháng 3, Ngoại trưởng Armenia Ararat Mirzoyan đã gọi Mỹ và châu Âu là đối tác chủ lực của Yerevan. Tới ngày 4/4, Trưởng phái đoàn EU tại Armenia - Đại sứ Vasilis Maragos cho biết, Liên minh châu Âu có ý định hỗ trợ Armenia vũ khí phi sát thương.

Một ngày sau (5/4), sau cuộc họp 3 bên, gồm EU, Mỹ và Armenia tại Brussels, người đứng đầu Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen thông báo, EU sẽ cung cấp khoản tài trợ trị giá 270 triệu euro cho Armenia trong hơn 4 năm.

Phản ứng trước cuộc họp này, Bộ Ngoại giao Nga gọi đó là nỗ lực của phương Tây nhằm kéo Nam Kavkaz vào một cuộc đối đầu chính trị.

TT Putin lệnh rút quân,

Thủ tướng Nikol Pashinyan cùng các quan chức cấp cao của Mỹ và EU tại cuộc hợp ở Brussels ngày 5/4. Ảnh: Topcor.ru

Bà Zakharova cho biết, Nga đang đợi Yerevan "có phản ứng minh bạch và lên tiếng phủ nhận các thông tin về thỏa thuận đạt được với Mỹ-EU". Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Nga cảnh báo Armenia có thể sẽ tiến hành kế hoạch buộc lực lượng Nga rút khỏi lãnh thổ nước này, sau đó để lực lượng phương Tây triển khai tại các căn cứ mà Nga vốn đóng quân.

"Moscow sẽ không ngạc nhiên nếu tại cuộc họp đó, Armenia bị áp cho kế hoạch thay thế các căn cứ và lực lượng biên phòng Nga bằng lực lượng phương Tây", bà Zakharova nói.

"Chúng tôi mong đợi phản ứng rõ ràng từ chính quyền Armenia trước thông tin về kế hoạch buộc lực lượng Nga ra khỏi Armenia, được cho là đã thống nhất giữa Yerevan, Brussels và Washington trong cuộc họp 5/4.

Trước đó, Yerevan đã công khai đảm bảo rằng việc phát triển quan hệ với các nước phương Tây không nhằm mục đích chống lại nước thứ 3", nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh.

Bình luận về các động thái của Armenia, nhà khoa học chính trị Nga Alexander Krylov cho rằng, Yerevan đang cố gắng đạt được sự đảm bảo an ninh từ phương Tây. Trong trường hợp đó, đối với Yerevan, sự hiện diện của quân đội Nga "không còn cần thiết, và thậm chí trở thành mối đe dọa an ninh".

"Nếu quân đội Nga rút khỏi Armenia và những đảm bảo mà phương Tây đưa ra có hiệu quả thì sẽ không có mối nguy hiểm nào cho Armenia. Tuy nhiên, nếu mọi thứ chỉ giới hạn ở lời nói, thì chúng ta có thể dự đoán trước sự tiến triển của những sự kiện hết sức bi kịch, Azerbaijan sẽ có cơ hội hành động", ông Krylov nhận định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại