Kim Jong Un nối bước cha sang Nga đàm phán
Hội nghị thượng đỉnh Nga – Triều dự kiến sẽ được tổ chức vào ngày 24~25/4 tới đây. Như vậy sau cố lãnh đạo Kim Jong Il, Tổng thống Putin sẽ tiếp tục gặp mặt và đàm phán với Chủ tịch Kim Jong Un – người kế thừa vai trò lãnh đạo tối cao từ ông Kim Jong Il.
Trước đây, trong nhiệm kì của mình, ông Kim Jong Il đã tổ chức tổng cộng bốn cuộc hội đàm với Nga và ba trong số đó là với ông Putin.
Tháng 7/2000, Tổng thống Putin lần đầu đến thăm Bình Nhưỡng và đã tổ chức hội đàm với Chủ tịch Triều Tiên bấy giờ là ông Kim Jong Il, không lâu sau đó vào tháng 8/2000, Chủ tịch Kim Jong Il đáp đến Moscow, tham dự thượng đỉnh lần hai với Tổng thống Putin.
Tiếp đó vào tháng 8/2002, hội đàm song phương lần ba giữa Chủ tịch Kim Jong Il và người đồng cấp Putin đã diễn ra tại Vladivostok. 9 năm sau, vào tháng 9/2011 cũng là lần cuối cùng ông Kim Jong Il đến thăm Nga và hội đàm lần thứ tư với Tổng thống Nga khi đó là ông Dmitry Medvedev, không phải ông Putin. Vào thời điểm đó, ông Putin đang giữ chức Thủ tướng Nga.
Nếu tính từ thời điểm ông Putin trở lại nắm quyền vào năm 2012, thì đây là lần đầu tiên sau 17 năm kể từ năm 2002 Tổng thống Putin tổ chức hội đàm với Triều Tiên tại Vladivostok.
Có ý kiến cho rằng, việc ông Kim Jong Un tham dự hội đàm cấp cao lần này với Tổng thống Putin chính là đang đi theo "con đường của cha mình".
Ông Kim Jong Un bắt đầu chuyến thăm Nga. Ảnh: Reuters
Tình hình cấp bách sau thượng đỉnh Mỹ Triều lần 2
Trong lịch trình rời khỏi Bình Nhưỡng trong 5 ngày 4 đêm bằng chuyến tàu đặc biệt, ngoài việc tổ chức thượng đỉnh Nga-Triều vào ngày thứ 3 của chuyến thăm, ông Kim Jong Un còn ghé thăm các cơ sở quân sự, khu nghỉ dưỡng và nhà máy công nghiệp, bao gồm nhà máy sản xuất máy bay chiến đấu thuộc tập đoàn Sukhoi và Quân khu phía Đông.
Tờ JoongAng Ilbo (Hàn Quốc) cho biết, sau các biện pháp cải thiện quản lí kinh tế được gọi là "Biện pháp 7.1" - được ban hành vào ngày 7/1/2002 - thì thông qua chuyến đi này, có vẻ như ông Kim Jong Un muốn tìm hiểu tình hình kinh tế của Nga.
Tờ này dự đoán, do nhu cầu cấp bách sau thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai, nhiều khả năng Chủ tịch Kim Jong Un sẽ dành nhiều thời gian cho các cuộc đàm phán với Tổng thống Putin hơn là các chuyến thăm.
Tại hội nghị thượng đỉnh Nga-Triều lần này, giới quan sát cho rằng các cuộc hội đàm sẽ được tiến hành xung quanh một số vấn đề về trợ cấp điện, kết nối đường ống dẫn khí và tuyến tàu hỏa giữa Nga và Triều Tiên.
Các dự án này đã được thảo luận trong hội nghị thượng đỉnh giữa cố Chủ tịch Kim Jong Il và Tổng thống Putin vào năm năm 2002; đặc biệt sau khi ông Putin trở lại nắm quyền thì các vấn đề này cũng được xem là điều cần phải thương lượng lần nữa.
Theo ông Jang Se Ho – Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược an ninh quốc gia Hàn Quốc: "Vấn đề về liên kết đường ống dẫn khí giữa Nga và Triều Tiên đã được ông Kim Jong Il và ông Putin thảo luận và đến thượng đỉnh Nga Triều năm 2011 thì được thông qua".
Chuyên gia Hàn Quốc cho rằng: "Dù đường ống này không thể nối lại lập tức vì các lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên nhưng với tiền đề nới lỏng lệnh cấm vận thì hai nhà lãnh đạo có thể sẽ tiếp tục trao đổi vấn đề này".
Bên cạnh đó, ông Jang Se Ho nhận định, Nga sẽ phải đau đầu về món quà dành tặng cho Triều Tiên khi hội nghị thượng đỉnh giữa hai bên được tổ chức lại sau 8 năm, đồng thời nhấn mạnh, theo nghị quyết trừng phạt liên quan đến vấn đề người lao động Triều Tiên sẽ về nước vào cuối năm nay, hai nhà lãnh đạo có thể sẽ tìm ra các phương án đảm bảo nơi cư trú cho người lao động Triều Tiên.