Vừa qua, một số hình ảnh và video cho thấy các hàng rào, xe bồn chở dầu và container chặn ngang cây cầu Tienditas nằm giữa hai nước Venezuela-Colombia đã được lan truyền nhanh chóng trên các mạng xã hội và truyền thông quốc tế, cùng lời cáo buộc rằng chính quyền Tổng thống Nicolás Maduro và quân đội Venezuela chặn đường chở hàng viện trợ nhân đạo.
Đặc biệt, thông tin này được công bố trong bối cảnh bất ổn chính trị tại Venezuela ngày càng leo thang kể từ sau khi lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó tự phong làm Tổng thống lâm thời, khiến chính quyền Tổng thống Maduro càng phải chịu thêm nhiều chỉ trích.
Thậm chí, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo còn sử dụng hình ảnh trên để "tố cáo" chính quyền ông Maduro và kêu gọi thêm sự ủng hộ dành cho Tổng thống lâm thời tự xưng Guaidó:
Nội dung dòng tweet: "Người dân Venezuela hiện đang rất cần viện trợ nhân đạo. Mỹ và nhiều quốc gia khác đang cố gắng giúp đỡ họ, nhưng quân đội Venezuela dưới sự chỉ đạo của Maduro đang chặn đường cứu trợ bằng xe tải và xe chở hàng..."
Tuy nhiên, mới đây các báo Nga RT và Sputnik lại công bố một thông tin khác: Chiếc cầu trong ảnh chưa hề được đưa vào sử dụng.
Một số nhà báo và nhà quan sát độc lập đã chỉ ra rằng thực chất những hàng rào sắt trên cây cầu Tienditas được dựng lên ở phía Colombia, chứ không phải ở phía Venezuela.
Hơn nữa, mặc dù có thể chính quyền ông Maduro đã đưa các container và xe bồn chở dầu tới địa điểm này, nhưng việc các hàng rào trông có vẻ rỉ sét cho thấy việc cây cầu bị chặn có thể đã xảy ra từ trước đó khá lâu.
Nguồn: Blogger Justin Emery/Medium.
Quả thật, theo hình ảnh được Google lưu lại từ năm 2017, thì hàng rào này không phải là thứ mới xuất hiện tại đây.
Ảnh chụp màn hình.
Cầu quốc tế Tienditas được xây dựng bắc qua sông Tachira, với mục đích kết nối thành phố Cúcuta của Colombia tới thành phố Ureña của Venezuela.
Theo truyền thông địa phương, việc xây dựng cây cầu này đã hoàn thành vào đầu năm 2016. Tuy nhiên, vào thời điểm đó, giữa Bogotá và Caracas lại xảy ra tranh cãi về vấn đề biên giới do tình trạng hơn 4 triệu người Venezuela nhập cư vào Colombia để chạy trốn khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế và xã hội trong nước.
Dẫn lời các phóng viên địa phương, hãng tin Sputnik cũng xác nhận thông tin này.
Ngoài cây cầu Tienditas, trong khu vực này còn có hai cây cầu khác làm nhiệm vụ kết nối Colombia và Venezuela, đó là cầu Simón Bolívar và cầu Francisco de Paula Santander.
Theo RT, mặc dù lực lượng biên phòng Venezuela tại hai cây cầu trên không cho phép các xe chở hàng viện trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đi vào từ phía Colombia, nhưng các phương tiện giao thông khác của hai nước vẫn được lưu thông bình thường.
Đòn "tâm lý chiến" của Mỹ
Adam Johnson, một nhà phân tích thuộc tổ chức phê phán truyền thông FAIR có trụ sở tại New York, Mỹ, cho rằng việc chính phủ Mỹ và hầu hết các báo chí phương Tây đăng tải thông tin chính quyền ông Maduro "chặn" một cây cầu chưa từng được đưa vào hoạt động cho thấy đây rõ ràng là chiêu PR "bẩn" của Washington nhằm vào chính quyền hợp hiến của Venezuela.
Gần đây, chính quyền Tổng thống Trump đang ra sức kêu gọi và thuyết phục người dân và đặc biệt là lực lượng quân đội Venezuela "quay lưng" lại với Tổng thống Maduro và ủng hộ Tổng thống lâm thời tự xưng Guaidó.
Chẳng hạn, cố vấn an ninh quốc gia John Bolton đã nhiều lần tung "đòn tâm lý", ví dụ như hành động vô ý cố tình để lộ tờ ghi chú với dòng chữ "5.000 binh sĩ [Mỹ] tới Colombia", tới những phát ngôn gây sốc như việc tiết lộ các quan chức cấp cao Venezuela đã tham gia đàm phán với ông Guaidó.
Cùng lúc đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng ra sức khẳng định sự công nhận của Mỹ đối với lãnh đạo đối lập Guaidó, đồng thời thuyết phục người dân Mỹ và các đồng minh của Mỹ về điều này. Tuy vậy, sau 3 tuần căng thẳng leo thang, Tổng thống Maduro vẫn tiếp tục đứng vững với sự ủng hộ của lực lượng quân đội Venezuela.