TSMC tăng đầu tư vào Mỹ
Nikkei Asia đưa tin, công ty đến từ Đài Loan (Trung Quốc) sẽ tăng hơn gấp 3 lần khoản đầu tư vào Mỹ, đưa con số này lên 40 tỷ USD. Đồng thời, công ty này dự kiến đưa công nghệ sản xuất chip tiên tiến nhất thế giới đến Mỹ vào năm 2026. Động thái này xảy ra sau khi Mỹ lên kế hoạch thúc đẩy ngành công nghiệp chất bán dẫn.
Taiwan Semiconductor Manufacturing Co. (TSMC), nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới của Đài Loan đã công bố hồi đầu tuần trước rằng, họ sẽ tăng đầu tư vào bang Arizona (Mỹ) lên 40 tỷ USD từ mức ban đầu là 12 tỷ USD. Tại đây, TSMC có kế hoạch xây dựng thêm một nhà máy sản xuất, hiện đại hơn nhà máy đầu tiên.
Thông báo được đưa ra trước buổi lễ lắp đặt thiết bị tại nhà máy đầu tiên hồi đầu tuần trước, với sự tham dự của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhiều giám đốc điều hành các công ty công nghệ.
Nhà máy thứ 2 sẽ bắt đầu hoạt động vào năm 2026 và sẽ là nhà máy đầu tiên ở Mỹ sản xuất chip 3nm - loại chip tiên tiến nhất tính đến thời điểm này, một quan chức Nhà Trắng cho biết. Cùng với việc mở rộng nhà máy, TSMC sẽ tăng lực lượng lao động tại Arizona lên 4.500 nhân viên, từ kế hoạch ban đầu là 1.600 nhân viên, công ty này cho hay.
Về kích thước của con chip, kích thước càng nhỏ, con chip càng mạnh. Những con chip này đóng vai trò quan trọng đối với mọi thiết bị từ điện thoại thông minh, xe tự lái cho tới siêu máy tính và công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Nhà máy đầu tiên của TSMC dự kiến bắt đầu đi vào sản xuất năm 2024, sẽ sản xuất chip 4nm cho bộ xử lý của iPhone 14 Pro. Khi nhà máy này và cơ sở sản xuất chip 3nm đi vào hoạt động hết công suất, tổng sản lượng của TSMC ở Arizona sẽ là 60.000 tấm wafer mỗi tháng, gấp 3 lần so với kế hoạch ban đầu là 20.000 tấm.
"Sau khi hoàn thành quá trình xây dựng, TSMC Arizona sẽ là cơ sở sản xuất chất bán dẫn 'xanh' nhất ở Mỹ và sản xuất ra bộ xử lý chất bán dẫn tiên tiến nhất cả nước," Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết trong một tuyên bố đưa ra hồi đầu tuần trước: "Chúng tôi rất biết ơn vì sự hợp tác đã đưa chúng tôi tới đây và có cơ hội làm việc với các đối tác tại Mỹ để mở ra nền móng cho sự đổi mới chất bán dẫn."
Apple và các nhà sản xuất chip AMD và Nvidia sẽ là một trong những khách hàng đầu tiên mua chip từ nhà máy Arizona của TSMC.
Giám đốc điều hành của Nvidia, Jensen Huang cho biết trong một tuyên bố rằng việc TSMC đầu tư vào Mỹ là một bước đột phá và là bước phát triển mang tính "thay đổi cuộc chơi cho ngành."
Quyết tâm của Mỹ
Nikkei nhận định, việc Tổng thống Mỹ Joe Biden tham dự buổi lễ lắp đặt thiết bị nhấn mạnh tầm quan trọng của TSMC đối với tham vọng về ngành chip của Washington.
Phát biểu tại sự kiện, ông Biden cho biết, Mỹ từng chiếm hơn 30% sản lượng chip toàn cầu.
"Nhưng sau đó, vài chuyện đã xảy ra. Ngành sản xuất của Mỹ - xương sống của nền kinh tế của chúng ta - bắt đầu bị đào thải. Các công ty chuyển việc làm ra nước ngoài. Ngày nay, chúng ta chỉ sản xuất khoảng 10% số lượng chip của thế giới, mặc dù chúng ta dẫn đầu thế giới về việc nghiên cứu và thiết kế công nghệ chip mới. Không ai nói rằng Mỹ không thể dẫn đầu thế giới một lần nữa về việc sản xuất chip. Và chúng ta đang chứng minh rằng chúng ta có thể."
Chủ tịch TSMC Mark Liu cho biết rằng, nhà máy có tiềm năng tạo ra doanh thu 10 tỷ USD mỗi năm và các con chip được sản xuất ở nhà máy này có thể giúp chế tạo được các sản phẩm điện tử tiên tiến trị giá 40 tỷ USD/năm.
Thông báo của TSMC được đưa ra khi Washington đang nỗ lực thúc đẩy sản xuất chất bán dẫn quan trọng trong nước. Ngoài tầm quan trọng về kinh tế, chip còn được coi là mặt hàng thiết yếu đối với an ninh quốc gia. Căng thẳng chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc Đại lục xoay quanh vấn đề Đài Loan đã khiến Washington đẩy nhanh hơn nữa nỗ lực đa dạng hóa sản xuất chip của mình.
Hầu hết các con chip tiên tiến nhất thế giới đều đang được sản xuất tại châu Á bởi TSMC (Đài Loan) và Samsung Electronics của Hàn Quốc. Mỹ đang hy vọng thay đổi điều này bằng cách cung cấp các ưu đãi cho các công ty xây dựng năng lực sản xuất chip trên đất Mỹ. Vào tháng 7, các nhà lập pháp Mỹ đã thông qua gói Đạo luật Khoa học và CHIPS trị giá 52,7 tỷ đô la để thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn trong nước.
Ngoài các kế hoạch đầu tư mở rộng của TSMC, Samsung đang xây dựng một nhà máy trị giá 17 tỷ USD ở Texas, trong khi nhà sản xuất chip hàng đầu của Mỹ Intel đang chi ít nhất 40 tỷ USD để xây dựng các nhà máy chip ở Arizona và Ohio.