Truyền thông Nga: Ông Putin tạo hiệu ứng như ‘bom nổ’, 48 giờ quyết định số phận của phương Tây

Nhật Minh |

Theo Tsargrad TV, Moscow vừa tung ra "cú đấm" mạnh mẽ khiến phương Tây không ngờ tới. Toàn bộ những gì diễn ra được xem là "điều gì đó rất phi thường".

Theo Kênh truyền hình Tsargrad TV (Nga), một trong những sự kiện chính trong tuần qua là chuyến thăm và làm việc của Tổng thống Nga Vladimir Putin tới các nước Trung Đông – UAE, Saudi Arabia. Tiếp đó tại Moscow, ông Putin đã tiếp Tổng thống Iran Ebrahim Raisi và có cuộc trò chuyện với Thái tử Oman Ziyazin bin Haitham Al Said.

Theo Tsargrad TV, những động thái của ông Putin mang lại hiệu ứng như bom nổ, khiến phương Tây không biết phải nói gì.

"Moscow tạo được tiếng vang mạnh mẽ ở Trung Đông, trong khi thế giới do Mỹ dẫn đầu đang rạn nứt" - Tsargrad TV viết.

Truyền thông Nga: Ông Putin tạo hiệu ứng như ‘bom nổ’, 48 giờ quyết định số phận của phương Tây - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman tại Riyadh hôm 6/12. Ảnh: Reuters

Điều phi thường

Cuộc đàm phán với ông Raisi ở Moscow đã khép lại một loạt cuộc gặp mà Tổng thống Putin đã tiến hành trong vòng 48 giờ với các nhà lãnh đạo Trung Đông. Tsargrad TV gọi đây là "48 giờ quyết định số phận của phương Tây".

"Những gì diễn ra là điều gì đó rất phi thường" – Nhà báo và nhà sử học người Nga Sergei Latyshev nhận định.

Đầu tiên, nhà lãnh đạo Nga có chuyến thăm nhanh tới thủ đô Abu Dhabi (UAE) và Riyadh (Saudi Arabia). Tại đây, sau khi được đón tiếp theo nghi thức hoàng gia, ông Putin đã tiến hành các cuộc thảo luận và đàm phán với Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan, cùng Thái tử Ả Rập Saudi Mohammed bin Salman Al Saud.

Sau đó, bên lề diễn đàn VTB "Tiếng gọi nước Nga", ông Putin đã có cuộc trò chuyện với Thái tử, kiêm Bộ trưởng Bộ Thanh niên, Văn hóa và Thể thao Oman Ziyazin bin Haitham Al Said.

Ông Latyshev nhận định, những điều trên là minh chứng rõ ràng cho thấy phương Tây không thể cô lập Nga.

"Bản thân ông Putin đã minh họa một cách rất đơn giản và rõ ràng về sự thất bại của phương Tây trong việc cô lập chúng ta (Nga).

Trước mắt cả thế giới, Moscow đang tạo ra một mô hình mới, trong đó, sự cạnh tranh công bằng của tất cả những phía tham gia hoạt động kinh tế sẽ chiếm ưu thế, chứ không tuân theo mệnh lệnh của nước giữ vai trò bá chủ" – Ông Latyshev nêu quan điểm.

Truyền thông Nga: Ông Putin tạo hiệu ứng như ‘bom nổ’, 48 giờ quyết định số phận của phương Tây - Ảnh 2.

Tổng thống Putin trước hội đàm với người đồng cấp UAE Mohammed bin Zayed Al Nahyan tại Abu Dhabi ngày 6/12. Ảnh: Reuters

Vì sao UAE và Saudi Arabia cần Nga? 

"Tại sao những người đồng cấp Ả Rập và Iran lại muốn hợp tác với Nga và Tổng thống Putin, chưa kể tới các quốc gia khác?" – Ông Latyshev cho biết nhiều người đang đặt ra câu hỏi này.

Theo nhà báo, đáp án rất rõ ràng, Moscow đang dẫn đầu một làn sóng thách thức sự bá chủ của phương Tây. Trong gần 2 năm nay, Mỹ đã dần mất đi sức mạnh dẫn đầu, trong khi các nước Ả Rập muốn thúc đẩy sự độc lập phát triển.

Để tồn tại trong thời kỳ chuyển đổi từ trật tự thế giới cũ sang trật tự thế giới mới, nhất thiết phải có một quốc gia đảm đương được trọng trách là "tàu phá băng", và các quốc gia tin tưởng rằng Nga rất phù hợp với vai trò này.

Góc nhìn của phương Tây

Cùng bàn về câu hỏi trên, theo website phân tích The Strategist của Viện Chính sách Chiến lược Australia, các quốc gia Ả Rập đang ngày càng bất bình với việc Mỹ không can thiệp đủ để ngăn chặn cuộc chiến ở Gaza.

Bên cạnh đó, mặc dù mong muốn tái cân bằng quan hệ với Washington dưới thời Tổng thống Joe Biden nhưng các nhà lãnh đạo Ả Rập nhận thấy ông Biden không dễ tiếp thu ý kiến như người tiền nhiệm.

Trong khi đó, để giúp mở rộng mối quan hệ với các nước Ả Rập trước ảnh hưởng truyền thông của Mỹ trong khu vực, ông Putin đã khéo léo lặp lại quan điểm của Liên đoàn Ả Rập và Tổ chức Hợp tác Hồi giáo (đại diện cho 57 quốc gia Hồi giáo) khi kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza, và thành lập một nhà nước Palestine có chủ quyền độc lập.

Truyền thông Nga: Ông Putin tạo hiệu ứng như ‘bom nổ’, 48 giờ quyết định số phận của phương Tây - Ảnh 3.

Tổng thống UAE bin Zayed Al Nahyan (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Jeddah, Arab Saudi tháng 7/2022. Ảnh: AFP

Một diễn biến khác là giá dầu sụt giảm. Kể từ tháng 7, liên minh các quốc gia sản xuất dầu Ả Rập và Nga – được gọi là OPEC Plus, đã nỗ lực đẩy giá dầu thô lên khoảng 100 USD/thùng. Saudi Arabia và Nga đã đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực này khi cắt giảm sản lượng dầu của họ xuống lần lượt 1 triệu và 600.000 thùng/ngày.

Như ông Putin, Tổng thống UAE Mohammad bin Zaid và nhà lãnh đạo Saudi Arabia Mohammad bin Salman rất quan tâm tới việc hợp tác trong OPEC Plus để duy trì mức sản xuất dầu tương xứng với giá cao hơn.

Hai nước này cũng mong muốn thông qua chuyến thăm của ông Putin để gửi thông điệp mạnh mẽ về sự thất vọng đối với Washington trong cách xử lý cuộc khủng hoảng Gaza.

Tuy nhiên, trái với nhận định của truyền thông Nga, The Strategist cho rằng, những nỗ lực của ông Putin nhằm kéo UAE và Saudi Arabia về phía Nga khó mang lại kết quả.

Giống như nhiều đối tác Ả Rập trong khu vực, chính phủ UAE và Saudi Arabia có mối quan hệ tài chính, công nghệ, kinh tế, thương mại, đầu tư và an ninh với Mỹ. Hiện Moscow "không có khả năng thay thế đáng tin cậy" trong các vai trò này.

Bên cạnh đó, bất chấp sự không hài lòng, Abu Dhabi và Riyadh cho đến nay vẫn chưa đưa ra bất cứ biểu hiện thực tế nào về sự bất mãn của họ với Washington.

UAE không làm gì để ảnh hưởng tới việc bình thường hóa quan hệ với Israel và Saudi Arabia, mà chỉ đơn giản là hoãn các động thái hướng tới sự công nhận chính thức đối với Israel.

"Điều đó không có nghĩa là họ sẵn sàng dùng nước Nga để làm chệch hướng áp lực của Washington đối với các vấn đề nhân quyền hoặc xu hướng chống Israel" – The Strategist kết luận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại