Truy thu thuế Grab, Uber: Có thể sẽ phải cưỡng chế!

Hoàng Phạm |

Những ngày qua, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến việc ngành Thuế TP Hồ Chí Minh truy thu thuế 66,68 tỷ đồng đối với Uber. Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho hay, đã quá thời hạn để nộp nhưng Cục Thuế TP Hồ Chí Minh mới nhận được 13,3 tỷ đồng từ Công ty Uber B.V.

Theo đó, khoản tiền 13,3 tỷ đồng này chỉ là đóng thuế nhà thầu. Trong khi các khoản thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ thay tài xế vẫn chưa được doanh nghiệp này đóng.

Về biện pháp cưỡng chế, Cục Thuế cho biết sẽ phối hợp với các ngân hàng để nắm tài khoản của Uber B.V. Cụ thể, Uber B.V chuyển tiền thu được từ việc chia sẻ doanh thu với tài xế tại Việt Nam ra nước ngoài thế nào, thông qua ngân hàng nào, để tính biện pháp cưỡng chế.

Cơ quan thuế TP Hồ Chí Minh vẫn sẽ thực hiện tính tiền chậm nộp đối với phần thuế còn lại.

Truy thu thuế Grab, Uber: Có thể sẽ phải cưỡng chế! - Ảnh 1.

Gian nan truy thu thuế Grab, Uber.

Trước đó, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế và truy thu với số tiền hơn 66,68 tỷ đồng đối với Công ty TNHH Uber B.V.

Trong số 66,68 tỷ đồng mà Uber B.V phải nộp, có 26,3 tỷ tiền thuế VAT khấu trừ nộp thay; 14,6 tỷ tiền thuế thu nhập cá nhân khấu trừ nộp thay; 10,5 tỷ tiền thuế thu nhập cá nhân FDI; 4,9 tỷ tiền chậm nộp; 10,3 tỷ tiền phạt vì kê khai sai.

Ngày 13-12, Cục Thuế TP Hồ Chí Minh đã có thông báo yêu cầu công ty này phải nộp số thuế trên trong thời hạn 10 ngày. Nếu quá thời hạn, Cục sẽ tiến hành các biện pháp cưỡng chế theo quy định, đồng thời thông tin trên các phương tiện truyền thông.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết, Grab hoạt động kinh doanh ở Việt Nam từ tháng 2-2014, có vốn pháp định 20 tỉ đồng nhưng đến nay đã lỗ lũy kế 938,2 tỷ đồng.

Và theo số liệu báo cáo của Grab, tổng doanh thu của doanh nghiệp này trong năm 2014, 2015 và 2016 là 1.755 tỷ đồng. Số thuế mà Grab đã kê khai và nộp là hơn 9,6 tỷ đồng.

Cục Thuế TP Hồ Chí Minh cho biết đã thanh tra việc chấp hành thuế của Grab trong 3 năm qua. Kết quả, doanh nghiệp này đã bị xử lý 2,961 tỷ đồng, trong đó tiền thuế bị truy thu là 2,286 tỷ đồng và đã nộp đầy đủ.

Còn đối với Uber, tổng doanh thu các năm 2014, 2015, 2016 và 6 tháng đầu năm 2017 của Uber là 2.706 tỷ đồng, số thuế đã nộp là 76,877 tỷ đồng. Do Uber B.V là doanh nghiệp nước ngoài nên chỉ phải nộp 5% thuế trên tổng doanh thu từ 20% đã phân chia với các lái xe.

Ngay sau khi nhận thông tin nộp thuế, Uber B.V đã gửi văn bản đến Cục Thuế TP Hồ Chí Minh khẳng định sẽ cân đối tài chính để nộp khoản thuế bị truy thu trong tuần nhận được thông báo.

Tuy nhiên, Uber B.V cho hay sẽ tiếp tục khiếu nại và cân nhắc việc khởi kiện cơ quan thuế ra tòa. Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chính thức về việc truy thu thuế của Uber B.V, trong đó khẳng định Uber B.V không được miễn thuế theo hiệp định chống đánh thuế hai lần ký giữa Việt Nam và Hà Lan vì có cơ sở thường trú tại Việt Nam (là các lái xe).

Đơn vị này cũng phải có trách nhiệm truy thu các khoản thuế của các lái xe mà đơn vị này chưa thực hiện khấu trừ thuế. Về phía đại diện Uber Việt Nam - công ty đại diện cho Uber B.V, cho rằng, sau khi nhận được Công văn của Bộ Tài chính vào tháng 8-2016, công ty này đã tiến hành để thực thi đúng nội dung công văn cung cấp.

Trước đó, Bộ GTVT yêu cầu các Sở chỉ đạo thanh tra giao thông phối hợp với Công an, cơ quan thuế đẩy mạnh công tác kiểm tra, xử lý vi phạm với xe hợp đồng dưới chín chỗ, đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định.

Các Sở GTVT cũng được Bộ GTVT hướng dẫn các đơn vị vận tải triển khai thực hiện đề án thí điểm đã được phê duyệt, cung cấp danh sách phương tiện dưới 9 chỗ đã được cấp phù hiệu xe hợp đồng cho cơ quan thuế để tăng cường kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ thuế.

Và mới đây thì Bộ GTVT đã có văn bản cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và UBND tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Khánh Hoà, TP Hồ Chí Minh tăng cường công tác quản lý và triển khai ứng dụng khoa học công nghệ trong hỗ trợ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Bộ GTVT cũng trả lời về việc thống nhất về bản chất và tên gọi của loại hình dịch vụ Grab, Uber tại Việt Nam. Theo đó, bản chất của thí điểm này là thay hợp đồng giấy bằng ứng dụng hợp đồng điện tử cho xe kinh doanh vận tải khách theo hợp đồng loại dưới 9 chỗ, không phải là loại hình kinh doanh vận tải khách bằng taxi.

Tuy nhiên, đây là vấn đề mới phát sinh trong quản lý, Bộ GTVT sẽ tiếp tục nghiên cứu để đưa vào nội dung quy định tại Nghị định thay thế Nghị định 86/NĐ-CP cho phù hợp thực tiễn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại