Ngày 22-6-2017, chị Đặng Hoàng Anh trú tại phường Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) bỗng nhận được một cú điện thoại lạ. Người gọi tự xưng là cán bộ của tổng đài VNPT và cho biết, thuê bao gia đình chị sử dụng đang nợ hơn 30 triệu đồng tiền cước.
Mới nghe đến đó, chị Hoàng Anh đã phản đối gay gắt vì quá vô lý. Tuy nhiên, đáp lại nỗi bức xúc của chị, vị cán bộ VNPT kia lại nghiêm giọng cho biết, chính vì số tiền nợ quá cao nên VNTP đã mời Công an và Viện kiểm sát vào cuộc.
Kết quả điều tra sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy, họ có cơ sở để nghi ngờ số tiền nợ cước này có liên quan với một số ổ nhóm buôn ma túy hoặc rửa tiền. Ngay sau đó, vị cán bộ nọ chuyển máy để chị nói chuyện với một “sỹ quan công an”.
Và chỉ sau 5 phút nói chuyện thì chị Hoàng Anh đã rụng rời chân tay khi được biết, chị sẽ được Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM triệu tập vào để lấy lời khai nhằm làm rõ những tình tiết liên quan đến một vụ án ma túy cực kỳ nghiêm trọng.
“Ma trận” của những tên lừa đảo “cao tay”
Trước khi cúp máy, vị “cán bộ công an” cũng cho biết, do chuyên án đang trong quá trình điều tra, yêu cầu chị tuyệt đối giữ bí mật. Bất kỳ thông tin nào chị để lộ ra sẽ bị xử lý nghiêm theo pháp luật. Giấy triệu tập của Công an TP.HCM cũng sẽ được gửi tới gia đình trong 1-2 ngày tới, yêu cầu chị nghiêm túc chấp hành.
Vốn chưa bao giờ làm điều gì sai trái phải dính dáng tới công an nên những lời nói như kết tội kia khiến chị Hoàng Anh rơi vào trạng thái hoảng loạn, cuống quýt hỏi lại xem có cách nào để chị có thể khai báo với công an mà không phải bay vào TP.HCM hay không?
Lúc này, người xưng là công an yêu cầu chị kê khai toàn bộ số tài khoản ngân hàng, đồng thời phải rút toàn bộ số tiền trong đó chuyển qua tài khoản của cơ quan điều tra để giám định và xác minh nguồn gốc. “Nếu đây là số tiền minh bạch thì Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM sẽ trả lại cho người dân trong vòng 1 tuần” vị cán bộ công an nói.
Quá lo sợ cho sự an toàn của các thành viên gia đình và cũng tin tưởng ở cách ăn nói đầy bản lĩnh của người “đại diện cơ quan công an”, ngay sau khi chấm dứt cuộc nói chuyện, chị Hoàng Anh vội vàng ra ngân hàng chuyển toàn bộ số tiền 800 triệu đồng vào tài khoản mà anh ta cung cấp.
Tuy nhiên, sau một tuần sống trong phấp phỏng, lo sợ, chị Hoàng Anh đã liên lạc lại thì số điện thoại nọ đã hoàn toàn mất liên lạc.
Ngay sau khi nắm được câu chuyện của chị Hoàng Anh, Phòng cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao (CATP Hà Nội) đã lập tức xác định đó là hành vi lừa đảo.
Qua dấu vết xác minh từ ngân hàng, các trinh sát Đội 2 nắm được chủ của 2 tài khoản được chị Hoàng Anh chuyển tiền mang tên Lê Đăng Long (Ngân hàng MB chi nhánh Nghĩa Tân) và Trương Công Dũng (Ngân hàng Agribank chi nhánh Quảng Trị).
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, các chiến sỹ nhanh chóng tìm ra đối tượng này đang ở khách sạn Phương Đông trên phố Dương Quảng Hàm (Cầu Giấy, Hà Nội).
Khi công an ập tới khách sạn, một nhóm thanh niên xăm trổ gồm 12 đối tượng, trong đó có Lê Đăng Long đã được mời về trụ sở làm rõ. Long khai, kẻ cầm đầu cả nhóm là Trần Anh Tôn (SN 1990, trú tại Trấn Yến, Yên Bái).
Khoảng tháng 3-2017, Tôn từ Yên Bái về Hà Nội lang thang và đến tháng 6-2017 thì “chập” với cả nhóm thuê phòng khách sạn ở cùng. Để có tiền ăn tiêu, chính Tôn đã móc nối với một băng nhóm khác dùng điện thoại giả danh công an gọi tới đe dọa những người phụ nữ để lừa đảo, ép bị hại nộp tiền vào các tài khoản do chúng lập ra.
Sau khi bị hại tưởng thật và nộp tiền, Tôn sẽ chỉ đạo đàn em đi rút và được băng nhóm kia cho hưởng 10% giá trị số tiền lừa đảo được. Để có tài khoản, Tôn chỉ đạo Nguyễn Văn Sơn (SN 1990, trú tại Nho Quan, Ninh Bình), Phùng Văn Nam (SN 1995, trú tại Quốc Oai, Hà Nội) cùng với Long đi mở tài khoản ngân hàng.
Tổng cộng Long đã mở được 4 tài khoản bằng CMT giả và thực hiện trót lọt vụ lừa đảo chị Hoàng Anh. Ở vụ này, cả nhóm đã được trả công 80 triệu đồng. Cũng tại CQĐT, ổ nhóm do Tôn, Long cầm đầu đã khai ra một vụ tương tự khi chúng dùng cùng thủ đoạn để lừa chị Nguyễn Thu Hoài ở Hà Tây chiếm đoạt 400 triệu đồng.
Ổ nhóm giả danh công an lừa đảo qua điện thoại bị bắt giữ tại khách sạn
Tóm gọn siêu lừa trên Facebook
Đó chỉ là một trong số rất nhiều vụ tội phạm lợi dụng công nghệ cao để gây án mà lực lượng cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao CATP Hà Nội bóc dỡ trong thời gian qua. Nghe thì rất đơn giản, nhưng ít ai hiểu được để chứng minh, làm rõ hành vi của đối tượng thì các trinh sát đã vất vả như thế nào, nhất là trong thời buổi công nghệ phát triển như vũ bão hiện nay.
Thượng tá Hà Thị Hằng Phó phòng Phòng cảnh sát PCTP sử dụng công nghệ cao cho biết, loại tội phạm sử dụng công nghệ cao có nhiều chiêu trò cực kỳ tinh vi, thậm chí hình thành những đường dây, ổ nhóm liên kết chặt chẽ với nhau hoạt động xuyên quốc gia.
Đó là chưa kể đến các hình thức phạm tội khác như phát tán virus, mã độc tấn công chiếm quyền điều khiển website, lấy cắp dữ liệu cá nhân, doanh nghiệp hoặc thâm nhập vào hệ thống thông tin điện thoại để vô hiệu hóa thiết bị, sau đó đòi tiền chuộc.
Có những đối tượng lại tấn công vào cổng thông tin của các cơ quan Nhà nước, tạo lập, sử dụng các blog, facebook mạo danh các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để xuyên tạc, chia rẽ nội bộ, gây tâm lý hoài nghi trong nhân dân. Chúng cũng lợi dụng các vấn đề mất ANTT trên từng địa bàn để đăng tải clip cùng các bình luận quy chụp, sai sự thật để kích động, gây rối.
Trong lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều đối tượng lợi dụng để hoạt động kinh doanh đa cấp trá hình, huy động vốn trái phép nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người tham gia hay dùng mạng Internet để buôn hàng lậu, hàng cấm, hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ.
Tinh vi hơn, có nhóm lại tạo lập tài khoản email gần giống với email đối tác của các doanh nghiệp hoạt động thương mại điện tử để gửi thư yêu cầu chuyển tiền theo hợp đồng nhưng thay đổi tài khoản thụ hưởng nhằm chiếm đoạt tài sản.
Trong lĩnh vực tài chính ngân hàng thì chúng làm giả, đánh cắp thông tin thẻ tín dụng của người nước ngoài để rút tiền, đặt vé máy bay, khách sạn, mua hàng trực tuyến có giá trị cao. Có những đối tượng lại điều hành website kinh doanh tiền điện tử trái phép để rửa tiền, cá độ, cờ bạc hoặc huy động vốn trái phép dưới hình thức kêu gọi đầu tư.
Chính vì vậy, để ngăn chặn và triệt phá được những đối tượng này, các trinh sát của đơn vị với nền tảng kiến thức sẵn có về công nghệ, đã liên tục cập nhật, làm mới chính mình; đồng thời làm tốt công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện các vấn đề nổi cộm, các lĩnh vực, địa bàn có dấu hiệu phạm tội sử dụng công nghệ cao, phương thức thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm để triển khai các kế hoạch phòng chống hiệu quả.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng chủ động nhiều biện pháp nghiệp vụ nhằm nhận diện các hình thức phạm tội mới để có đối sách cho từng trường hợp.
Link gốc: Tại đây