Trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2, có nhiều suy đoán ngày một gia tăng cho rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể cố gắng thuyết phục Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un cam kết phi hạt nhân hóa bằng cách trao cho ông Kim thứ mà nhà lãnh đạo này muốn hơn bất kỳ thứ gì khác. Đó là tuyên bố hòa bình và chấm dứt chiến tranh Triều Tiên.
Về mặt kỹ thuật, Bán đảo Triều Tiên hiện vẫn còn trong tình trạng chiến tranh sau khi chiến tranh Triều Tiên 1950-1953 mới chỉ kết thúc bằng thỏa thuận ngừng bắn, không có hiệp ước hòa bình. Các bên ký kết thỏa thuận ngừng bắn bao gồm lực lượng Liên Hợp Quốc do Mỹ đứng đầu (tham chiến cùng quân đội Hàn Quốc) và Triều Tiên cùng Trung Quốc.
Một tuyên bố hòa bình có thể làm nên lịch sử. Hơn sáu thập kỷ sau khi cuộc chiến về cơ bản đã kết thúc thì có một tuyên bố như vậy dường như là lẽ thường. Nhưng nếu không được thực hiện thông qua các bước đi cẩn thận, nó có thể gây ra một loạt các vấn đề mới cho Washington.
Sau Thế chiến II, Bán đảo Triều Tiên bị chia cắt tại vĩ tuyến 38. Cuộc xung đột trên Bán đảo Triều Tiên, về mặt kỹ thuật là cuộc chiến dài nhất của Mỹ.
Triều Tiên – nơi tất cả các thành phố lớn và hầu hết cơ sở hạ tầng bị máy bay Mỹ ném bom phá hủy trong chiến tranh, đã đổ lỗi cho sự thù địch không nguôi của Washington trong suốt 70 năm qua khiến họ phải phát triển vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa để tự vệ.
Ở chiều ngược lại, Mỹ vẫn duy trì sự hiện diện quân sự rộng rãi ở Hàn Quốc để chống lại những gì mà họ tuyên bố là ý định của Triều Tiên tấn công Hàn Quốc. Mỹ cũng thực hiện một chính sách lâu dài, tẩy chay Triều Tiên và ủng hộ các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào nước này.
Mong muốn từ lâu
Có được một hiệp ước hòa bình chính thức đã luôn là mong muốn của các nhà lãnh đạo Triều Tiên, bắt đầu từ thời ông nội của Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un, ông Kim Il Sung (Kim Nhật Thành). Bởi lẽ, hiệp ước hòa bình sẽ mang lại sự công nhận của quốc tế, có thể ít nhất là dẫn tới việc nới lỏng các lệnh trừng phạt thương mại và giúp làm giảm số quân Mỹ đồn trú ở Hàn Quốc.
Nếu các bước đi được thực hiện đúng, nó sẽ giúp thúc đẩy danh tiếng của ông Kim Jong Un trong và ngoài nước. Sau những bước tiến trong việc phát triển công nghệ tên lửa và hạt nhân, Triều Tiên đã tuyên bố với thế giới rằng họ đang cố gắng chuyển các nguồn lực khan hiếm ra khỏi lĩnh vực quốc phòng để có thể tăng mức sống của người dân, hiện đại hóa nền kinh tế, đặc biệt nhấn mạnh vào khoa học, công nghệ.
Ở chiều ngược lại, Mỹ cũng phát đi những tín hiệu tích cực khi Tổng thống Trump nói ông sẽ chào đón một Triều Tiên tập trung hơn vào tăng trưởng thương mại và kinh tế. Sự ổn định trên Bán đảo Triều Tiên được cho là cũng tốt cho cả nền kinh tế Hàn Quốc và có lẽ là cả với Nhật Bản.
Sau Hội nghị Thượng đỉnh đầu tiên với ông Kim Jong Un tại Singapore tháng 6/2018, ông Trump tuyên bố mối đe dọa hạt nhân đã không còn. Sau rất nhiều chỉ trích, Tổng thống Trump không đề cập đến khái niệm “phi hạt nhân hóa” trong thông điệp liên bang đọc trước Quốc hội Mỹ hồi đầu tháng này. Thay vào đó, ông gọi nỗ lực của mình là “cú hích lịch sử vì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên” và nhấn mạnh rằng ông Kim Jong Un đã nghiêm túc thực hiện cam kết không tiến hành bất kỳ vụ thử hạt nhân hay tên lửa nào kể từ sau cuộc gặp với ông ở Singapore, thả những người Mỹ bị bắt giữ và trao trả hài cốt lính Mỹ chết trong chiến tranh Triều Tiên.
Khó nhưng vẫn lạc quan
Stephen Biegun, đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên trong một bài phát biểu gần đây đã nhấn mạnh rằng, điều kiện tiên quyết cho hòa bình đó là Washington muốn biết “đầy đủ về toàn bộ chương trình tên lửa của Bình Nhưỡng”, để các chuyên gia tiếp cận và giám sát các khu vực quan trọng và cuối cùng là “loại bỏ và phá hủy các khu dự trữ vật liệu phân hạch, vũ khí, tên lửa, bệ phóng và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác”.
Câu hỏi đặt ra là liệu ông Trump sẽ nêu ra các yêu cầu tương tự với ông Kim hay lựa chọn một tuyên bố hòa bình tại Hội nghị Thượng đỉnh lần 2 sắp tới ở Hà Nội? Tổng thống Trump có thể đơn phương tuyên bố chấm dứt chiến tranh Triều Tiên nhưng ông không thể tự mình ký kết một hiệp ước hòa bình thực sự.
Trung Quốc và có thể là đại diện của Bộ Tư lệnh Liên Hợp Quốc sẽ phải tham gia ký kết. Hàn Quốc đương nhiên cũng muốn có mặt và Thượng viện Mỹ cũng sẽ phải có vai trò, đó là phê chuẩn Hiệp ước này (nếu có).
Trở lại năm 1993, chính quyền Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có thỏa thuận “để đạt được hòa bình và an ninh trên Bán đảo Triều Tiên không có hạt nhân”. Một năm sau đó, hai bên tuyên bố sẽ giảm các rào cản thương mại và đầu tư, mở văn phòng liên lạc ở thủ đô của nhau và tiến tới nâng cấp quan hệ song phương lên cấp Đại sứ. Nhưng đến năm 2002, quan hệ giữa hai nước lại xấu đi dưới thời Tổng thống George W. Bush và năm 2006, Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên.
Bài học ở đây là gì? Dù có bất kỳ tuyên bố lớn nào được đưa ra thì việc giải quyết vấn đề Triều Tiên chắc chắn sẽ không chỉ dừng lại ở một cuộc gặp cụ thể và hai bên chắc chắn sẽ còn rất nhiều việc phải làm để hướng tới mục tiêu chung, vì hòa bình, an ninh, ổn định trong khu vực cũng như trên thế giới. Nhưng nói gì thì nói, một tuyên bố hòa bình ở Hà Nội sắp tới vẫn sẽ là một sự khởi đầu mới, mở ra cánh cửa hòa giải đối với Mỹ và Triều Tiên./.