Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hàng Châu ngày 4-5/9 tới, Chủ nhiệm Ủy ban đối ngoại của Quốc hội Trung Quốc, cựu Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc, bà Phó Oánh đã có bài xã luận đánh giá tình trạng hợp tác và mâu thuẫn giữa Mỹ-Trung, đăng trên tờ Tin tức tham khảo (Trung Quốc) ngày 31/8.
Bà Phó cũng là chuyên gia nghiên cứu chiến lược hàng đầu thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc (CASS).
Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại G20 là lần hội ngộ thứ 8 giữa hai nguyên thủ, kể từ khi ông Tập lên nắm quyền năm 2013, cũng là cuộc gặp cuối cùng của lãnh đạo Trung Quốc với ông Obama trên cương vị tổng thống.
Bà Phó Oánh đặt vấn đề trong bài xã luận hôm 31/8: Mỹ và Trung Quốc đối đầu nhau ở biển Đông vì điều gì? Song phương có thể tìm một con đường dung hòa hay không?
Theo bà này, cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình diễn ra giữa tình hình khu vực "nhiều sóng gió" sau phán quyết vụ kiện biển Đông của Tòa trọng tài thường trực (PCA), đồng thời chỉ trích "nhân tố Mỹ" đã khiến cục diện biển Đông gia tăng bất ổn.
Hai nước đối diện với những vấn đề mới trong ứng xử. Mỹ thiếu kinh nghiệm xử lý quan hệ với nước lớn dạng "không thù không bạn" như Trung Quốc, trong khi Bắc Kinh chưa từng trải nghiệm mối quan hệ với một cường quốc khác trong vai trò một nước lớn.
Bà Phó viết: "Biển Đông rất rộng lớn, bất cứ quốc gia nào cũng khó lòng hoàn toàn kiểm soát độc quyền."
Bà cảnh cáo Washington "nếu có ý đồ thiết lập phạm vi thế lực độc quyền thì kết quả chỉ có thể là đối đầu địa chính trị, thậm chí dẫn đến 'binh đao gặp mặt'".
Nhà ngoại giao Trung Quốc tin rằng biện pháp khả thi để giải quyết vấn đề biển Đông là sự dung hòa, cùng tồn tại giữa các sức mạnh, lợi ích và quy tắc mà các bên thỏa thuận với nhau.
Tuy nhiên, bà này trắng trợn xuyên tạc: "Trung Quốc là quốc gia duyên hải lớn nhất ở biển Đông và có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa (thuộc chủ quyền không tranh cãi của Việt Nam-PV), vì vậy cần có những quyền và lợi ích hợp lý trên biển và Mỹ nên tôn trọng."
"Nỗ lực giải quyết mâu thuẫn một cách hòa bình của Trung Quốc và các láng giềng không nên bị (Mỹ) gây nhiễu," Phó Oánh cảnh báo.
Bà Phó Oánh (phải) tiếp cựu Tổng thống Philippines Fidel Ramos, đặc phái viên của Tổng thống Rodrigo Duterte, tại Bắc Kinh hồi giữa tháng 8, trong nỗ lực mở đường cho đối thoại giữa hai nước. (Ảnh: SCMP)
Trong khi đó, truyền thông Mỹ đa phần đánh giá hơn 1 tháng vừa qua là khoảng thời gian "ê chề" nhất với Trung Quốc và coi phán quyết PCA là "một thất bại ngoại giao nặng nề" của nước này dưới thời ông Tập Cận Bình.
Tạp chí National Interest gọi đây là "một tháng tàn nhẫn trong ký ức của lãnh đạo Trung Quốc", còn tờ The New York Times thì nói thẳng đây là lần đầu chính phủ Trung Quốc nhận "trát" của cơ quan tư pháp quốc tế.
Chuyên gia cấp cao của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), bà Bonnie Glaser nhận định Trung Quốc sẽ không ngồi yên sau khi "mất hết thể hiện".
Kết quả cuộc gặp Obama-Tập Cận Bình, cũng như mức độ vấn đề biển Đông được đề cập tại G20 đến đâu, sẽ quyết định hành động tiếp theo của Bắc Kinh.