Nhiều năm trở lại đây, mạng xã hội tại Việt Nam ngày càng phát triển và thu hút số lượng người tham gia cực lớn. Cùng với những lợi ích mà nó mang lại là những hệ luỵ nguy hiểm mà không phải ai cũng đề phòng được.
Còn nhớ một số phong trào nguy hiểm nổi lên trong giới trẻ và mạng xã hội đã góp phần lan rộng, đưa những cái nhìn có phần tiêu cực đến đông đảo mọi người.
Đó là các trào lưu như nhảy cầu, khoe tự tử… tự bản thân người tham gia gặp bế tắc, stress trong cuộc sống mà không thể giải toả, họ tự tìm đến các biện pháp được cho là giúp thúc đẩy tinh thần nhưng không ngờ chính là làm hại bản thân.
Một thời gian dài, nhiều học sinh, sinh viên đã bị kéo theo trào lưu quái gở này dẫn đến những kết quả nguy hiểm, thậm chí là tính mạng của bản thân.
Trào lưu rạch tay từng lan rộng trên mạng xã hội
Một trào lưu khác có tên rooftopping (chụp ảnh tự sướng tại những nơi có độ cao và nguy hiểm như nóc nhà chọc trời, đỉnh tháp, ống khói… mà không có bất kỳ phương tiện bảo hộ nào)… cũng một thời "làm mưa làm gió" trong cộng đồng mạng.
Những người tham gia thử thách này sẽ có những hành vi nguy hiểm như đứng trên mép của sân thượng, nhào lộn trên nóc nhà,… mà nếu chỉ một chút sơ sẩy là có thể mất mạng.
Biết là nguy hiểm nhưng nhiều người vẫn thích thú, chứng minh bản thân và sống ảo với người khác. Thậm chí, một số người trẻ khi bị lâm vào bế tắc, khủng hoảng trong cuộc sống, đã dễ dàng lựa chọn cách giải quyết bằng việc tìm đến cái chết.
Điều này giúp lý giải việc xuất hiện các "diễn đàn tự tử" trên mạng, theo đó, người muốn tự tử tìm đến với nhau để được "chết tập thể".
Trào lưu rooftopping (chụp ảnh tự sướng tại những nơi có độ cao và nguy hiểm)
Trào lưu này từng "làm mưa làm gió" trên mạng xã hội
Chưa dừng lại, một trào lưu khác được đánh giá có mức độ nguy hại lớn, một thời từng được cảnh báo trên rất nhiều phương tiện truyền thông vì đã gây ra cái chết cho không ít người. Đó là Thử thách cá voi xanh (Blue Whale Challenge) xuất hiện trên Youtube.
Khi tham gia, người chơi được yêu cầu trong vòng 50 ngày phải thực hiện hàng loạt thử thách từ dễ đến khó, như: vẽ hình cá voi, trao đổi thông tin về cá voi xanh, xem phim kinh dị một mình, đi ra nghĩa trang một mình lúc nửa đêm, leo lên nóc nhà, dùng vật sắc nhọn như dao hoặc kéo tạo hình cá voi xanh trên cơ thể…
Đến ngày thứ 50, người chơi sẽ buộc phải tự kết liễu đời mình, lấy "cảm hứng" từ việc những con cá voi xanh lao lên bãi biển tự sát.
Khi đó người chơi sẽ được công nhận là người chiến thắng. Nếu không thực hiện yêu cầu, họ bị đe dọa phải trả giá bằng an toàn của bản thân, gia đình.
Thử thách cá voi xanh (Blue Whale Challenge) đã gây ra cái chết cho không ít người
Thử thách cá voi xanh là trò chơi được tạo ra bởi P. Budeikin (Bu-đêi-kin), một người Nga, sinh năm 1996, có lối sống khép kín và khá dị biệt.
Chỉ đến khi mức độ nguy hiểm ngà càng lan rộng thì nhiều phụ huynh mới bàng hoàng phát hiện và cảnh báo con em mình cũng như nhiều người tham gia mạng xã hội.
Thử thách cá voi xanh yêu cầu người chơi thực hiện hàng loạt thử thách từ dễ đến khó trong 50 ngày
Mới đây nhất, một kênh phim hoạt hình với thử thách tự sát cũng đang gây hoang mang trong cộng đồng mạng, đặc biệt là với những trẻ em thích xem phim hoạt hình.
Cụ thể, các trang mạng xã hội đưa ra cảnh báo: clip phim Peppa chứa nội dung kinh dị, xúi giục trẻ em tự sát.
Momo-hình ảnh kinh dị gây ám ảnh 1 thời xuất hiện ẩn bên trong các video hoạt hình nổi tiếng dành cho trẻ em như Fortnite, Peppa Pig. Thậm chí, một số bậc phụ huynh phát hiện Momo còn hiển thị trên ứng dụng xem video an toàn cho trẻ em YouTube Kids.
Ở đoạn giữa nội dung phim hoạt hình Peppa Pig, hình ảnh Momo xuất hiện và yêu cầu chú heo này tự sát. Những cảnh kinh dị này chỉ xuất hiện thoáng qua trong video vì vậy rất khó để các bậc cha mẹ và cả YouTube phát hiện.
Clip phim hoạt hình chứa nội dung kinh dị, xúi giục trẻ em tự sát
Trong trò chơi, một người phụ nữ đầu người mình gà với mái tóc đen, làn da nhợt nhạt, mắt lồi sẽ hướng dẫn người dùng cách tự làm hại bản thân. Hiện vẫn chưa thể xác định rõ chính xác nguồn gốc của "trò chơi tự sát" Momo, ai là người đứng sau trò chơi được lan truyền này.
Tính đến thời điểm hiện tại, "trò chơi tự sát" Momo đã xuất hiện tại nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm các nước Châu Âu, Mỹ, khu vực châu Mỹ Latinh. Điều khó hiểu là tại sao những trò chơi dẫn đến cái chết cho con người lại thu hút số đông như vậy.
Đối với các thử thách như cá voi xanh hay rooftopping thu hút đa phần giới trẻ, những người mang tâm lý ưa mạo hiểm, khám phá, tìm đến những trào lưu như một sự giải toả căng thẳng và stress trong cuộc sống.
Còn với trò chơi tự sát nhắm vào bộ phận trẻ em chưa hiểu biết nhiều, chỉ đơn giản là làm theo, bắt chước gây nên những hậu quả khôn lường mà chính chúng không biết. Với những trường hợp này, cần sự lưu tâm của các bậc phụ huynh để không xảy ra tình huống đáng tiếc với con em mình.