1. Đánh bại Lào 6-0, U22 Việt Nam có chiến thắng thứ hai liên tiếp để giành trọn 6 điểm tuyệt đối đồng thời duy trì thành tích ghi 6 bàn thắng mỗi trận. Quả là quá nhiều "lộc" cho U22 Việt Nam trong hành trình chinh phục giấc mơ vàng SEA Games đã khắc khoải gần 30 năm từ ngày hội nhập.
Thế nhưng, điều HLV Park Hang-seo quan tâm nhất lại không phải là những số 6 rực rỡ kể trên mà là con số 1 lọt thỏm và trơ trọi trên bảng tỷ số trận thắng U22 Lào. Một bàn thua ở phút 60 khi đã dẫn trước 4 bàn thì có thể xem là "quà tri ân" nước bạn theo cách nhìn hài hước và dễ dãi. Song, với nhà cầm quân người Hàn, bàn thua ấy thật sự nhức nhối.
Bằng chứng là trong buổi họp báo sau trận, ông Park chia sẻ: "Chúng tôi đã thua một bàn ở cột hai (cột xa). Chúng tôi đã tập luyện rất kỹ những tình huống như thế này, chẳng hiểu sao vẫn mắc lỗi và dẫn đến bàn thua. Sau khi ở đây về, tôi sẽ phải điều nghiên nghiêm túc cùng các học trò về bàn thua này".
SEA Games suy cho cùng chỉ là Đông Nam Á vận hội, dưới một bậc so với Á vận hội (Asiad) và dưới một bậc nữa so với Thế vận hội (Olympic). Mà các giải vận hội như thế này, bóng đá chỉ là một trong những môn thể thao thi đấu, bất quá cũng tính thêm 1 tấm HCV và bóng đá nam cũng chỉ dành cho lứa trẻ nên không phải là trận địa để các cường quốc phô diễn. Vậy, phải chăng ông Park đang quá nghiêm khắc với các học trò?!
2. Câu trả lời là không! Nhất thiết không! Bởi một lẽ đã đề cập từ đầu bài viết, chúng ta đã chờ đợi quá lâu để đổi màu tấm huy chương môn bóng đá nam SEA Games. Từ thế hệ Hồng Sơn đến lứa Văn Quyến, từ thế hệ Công Vinh đến lứa Thành Lương, Văn Quyết và ngay cả lứa Công Phương hay Quang Hải đều nếm trải những chiến bại cay đắng tại SEA Games.
Đó là một nỗi ám ảnh thực sự đối với người hâm mộ bóng đá Việt và chỉ có chinh phục nó, chúng ta mới toàn tâm toàn ý tính tới những mục tiêu xa xôi và thiết thực hơn. Ông Park đang vì ý chí và khát cao của người Việt mà gánh vác thêm cả trọng trách dẫn dắt đội U22 dự SEA Games, dù nhiệm vụ của ông tại ĐTQG cũng đã quá nặng nề.
Vòng bảng SEA Games 2019: U22 Việt Nam 6-1 U22 Lào
Và nếu tấm huy chương vàng là nỗi ám ảnh của người Việt thì bàn thua trong trận gặp Lào là nỗi ám ảnh của ông Park. Đơn giản, đó lại là bóng chết. Dưới thời HLV Park Hang-seo, các cấp đội tuyển Việt Nam đã tổ chức được một hàng phòng ngự 3 người kín kẽ và ăn ý. Từ tấn công biên, phối hợp trung lộ cho đến phản công, hàng thủ "made by Park Hang-seo" đều xử lý ổn thỏa.
Duy chỉ có các tình huống bóng chết là điểm yếu cố hữu của thầy trò Park Hang-seo. AFF Cup 2018, Việt Nam để lọt lưới 4 bàn thì 3 bàn từ tình huống cố định. Đến Asian Cup 2019, 5 trong 7 bàn thua của đoàn quân áo đỏ cũng xuất phát từ bóng chết.
Và bàn thua trong trận gặp U22 Lào, cũng là bóng chết. Một pha bóng tưởng chừng đơn giản nhưng hàng thủ áo đỏ đã để cầu thủ đối phương đã có cơ hội để thoải mái đánh đầu ở ngay sát cầu môn. Ông Park không bực mới là chuyện lạ!
3. Một bàn thua trước U22 Lào không có gì quá nghiêm trọng, vì U22 Việt Nam đủ sức ghi 6 bàn vào lưới đội bóng này. Nhưng một bàn thua trước U22 Thái Lan hay U22 Indonesia, chưa ai biết điều gì sẽ xảy ra. Thế nên, sự cẩn trọng là điều đặc biệt cần thiết, nhất là trong bối cảnh hàng thủ không còn là điểm tựa của các chiến binh sao vàng.
Nếu như hai năm qua, hàng thủ luôn là chỗ dựa vững chắc cho các cấp ĐTVN dưới sự chỉ đạo của ông Park thì kỳ SEA Games 30 này, hàng thủ U22 Việt Nam lại không có những lựa chọn tốt nhất. Tiêu biểu là trường hợp vắng mặt của Đình Trọng. Những gương mặt như Đức Chiến hay Ngọc Bảo đã chứng minh khả năng ở giải quốc nội nhưng trên đấu trường quốc tế vẫn cần thời gian kiểm chứng.
Và đối với U22 Việt Nam, cuộc chơi bây giờ mới bắt đầu. Hai chiến thắng trước U22 Lào và U22 Brunei suy cho cùng chỉ là khởi động, bởi U22 Thái Lan hay U22 Indonesia rồi cũng sẽ thắng đậm hai đối thủ này. Đơn cử người Thái đã thắng U22 Brunei 7-0, ghi nhiều hơn U22 Việt Nam 1 bàn. Vì thế, đối đầu trực tiếp vẫn là yếu tố quan trọng nhất.
Và muốn vượt qua U22 Indonesia, hay xa hơn là hiện thực giấc mơ vàng khoắc khoải, điều thầy trò Park Hang-seo phải để ý đến đầu tiên là giải quyết điểm yếu cố hữu từ các tình huống cố định. Phạm lỗi không cần thiết ở khu vực nhạy cảm hay phối hợp thiếu ăn ý là điều cần tránh để không bị "tử thần" bóng chết vẫy gọi.