Tháng 6/2016, Tổng thống Nga Putin sẽ có chuyến thăm Trung Quốc. Trước thềm chuyến thăm, báo Độc lập (Nga) đã phỏng vấn ông Lý Vĩnh Toàn, giám đốc Viện Nga, Đông Âu và Trung Á thuộc Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc.
Trả lời câu hỏi có nhiều chuyên gia Nga, trước áp lực của Mỹ lên Nga và Trung Quốc đang kêu gọi tăng mức độ hợp tác giữa 2 nước lên mức "liên minh", ông Lý Vĩnh Toàn cho rằng:
"Những người muốn như vậy, là không nhiều ở Nga cũng như Trung Quốc. Để thiết lập Liên minh, cần phải có nhiều điều kiện.
Phải có chung một kẻ thù, có chung một ý thức hệ, sẵn sàng "hy sinh" một số thứ liên quan đến chủ quyền. Hiện nay, nước Nga hậu Xô viết có thể thành lập Liên minh với nhiều quốc gia khác, nhưng đã được đâu. Đó là do những nguyên nhân như tôi đã đề cập".
Chuyên gia Trung Quốc này cũng nói rõ việc Nga tuyên bố xoay trục về phía Đông, nhưng trên thực tế, Nga là một nước châu Âu và "giới tinh hoa" của Nga đang hướng sang phía Tây, chứ không phải sang phía Đông.
Việc Nga tuyên bố xoay sang hướng Đông chỉ là cách nói về việc Nga đang cân bằng lại đường lối đối ngoại trước những áp lực từ phương Tây.
Thật ra Nga cũng có lợi trong việc này, như trên thị trường năng lượng chẳng hạn. Nhờ hợp tác với Trung Quốc, mà Nga có thể đa dạng hóa nguồn xuất khẩu năng lượng.
Nhà nghiên cứu Lý Vĩnh Toàn. Ảnh: CSSN.cn
Báo Độc lập hỏi:
"Hiện quan hệ Trung Quốc với Mỹ và Nhật Bản đang căng thẳng do tình hình biển Đông. Trong vấn đề này, Moskva không thể hiện thái độ rõ ràng. Bắc Kinh có hài lòng với quan điểm đó không, và có muốn Nga lên tiếng ủng hộ Trung Quốc?"
Ông Lý Vĩnh Toàn trả lời:
"Với tôi thì quan điểm của Nga thế là được rồi. Nga là đối tác chiến lược của Trung Quốc, và quá hiểu bản chất của vấn đề. Không cần điều gì thêm nữa. Nước Nga biết cần thể hiện quan điểm và ủng hộ Trung Quốc như thế nào".
Báo Độc lập:
"Tại thời gian kỷ niệm 70 năm chiến thắng phát xít Đức (5/2015), Nga và Trung Quốc đã thỏa thuận về việc xây dựng Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa, gắn kết với Liên minh kinh tế Á-Âu.
Khi đó đã xuất hiện niềm hy vọng là Trung Quốc sẽ giúp Nga hồi phục được nền kinh tế. Một năm đã trôi qua, nhưng mọi việc không như thế. Tại sao Trung Quốc lại không muốn rót đầu tư vào Nga?"
Ông Lý Vĩnh Toàn:
"Thứ nhất, văn kiện ký ngày 8/5/2015 (giữa Putin và Tập Cận Bình) là văn kiện có tính chiến lược. Để áp dụng nó vào thực tế, cần phải làm rất nhiều việc. Điều quan trọng, là cấu trúc nền kinh tế Nga và các nước trong Liên minh kinh tế Á-Âu là như nhau, nên chẳng bổ trợ được gì cho nhau.
Mặc dù còn có nhiều khó khăn, nhưng tất cả phụ thuộc vào ý chí chính trị. Và phụ thuộc nữa, là vào việc Nga có tạo các điều kiện thuận lợi cho đầu tư hay không. Bởi chính các nhà đầu tư Nga cũng đầu tư khá ít ỏi vào nền kinh tế Nga".
Trả lời câu hỏi vì sao Trung Quốc đầu tư vào Kazakhstan nhiều hơn là vào Nga, chuyên gia Trung Quốc cho biết hiện 2 nước này có quan hệ khá tốt. Hai nước đã ký với nhau 52 dự án, trên thực tế đã triển khai 1/3 trong số này.
Trung Quốc đang đầu tư nhiều hơn vào Kazakhstan so với Nga. Ảnh: Reuters
Tổng thống Kazakhstan Nazarbaev đã triển khai chiến lược mang tên "Con đường sáng", với nội dung rất giống với Vành đai kinh tế con đường tơ lụa. Kazakhstan có mong muốn trở thành cầu nối giữa châu Âu và châu Á.
Báo Độc lập hỏi vì sao các dự án Trung Quốc hợp tác với Nga hiện vẫn chưa được thực hiện, mà cứ "thảo luận" mãi. Ông Lý Vĩnh Toàn thừa nhận đó đang là "một vấn đề".
"Điều quan trọng nhất, là sự tin cậy chính trị. Mức độ đến đâu, thì sự hợp tác đến đó. Mức độ tin cậy lẫn nhau (giữa Trung Quốc và Nga) là khá cao. Nhưng nó chưa đủ cao để thực hiện các dự án lớn.
Ví dụ như ở Viễn Đông của Nga đang có sự lo ngại về sự bành trướng của Trung Quốc, người ta có nhắc đến mối nguy hiểm Trung Quốc. Tôi nghĩ rằng, nếu như Nga lo lắng về điều này, thì không thể tạo điều kiện cho đầu tư.
Về phía chúng tôi cũng có những khó khăn. Chúng tôi không thể kiểm soát chặt chẽ quá trình di cư bất hợp pháp (sang Nga). Nhưng tất cả những vấn đề này có thể giải quyết".