Trung tướng Đặng Kinh: Ông Đỗ Mười là nhà quân sự xuất sắc!

PV |

"Thành tích của tôi đạt được là nhờ có sự chỉ đạo rất đúng đắn của ông Mười. Ông ấy gan dạ lắm" - Trung tướng Đặng Kinh nói về người mà ông coi như anh cả.

Báo điện tử Trí thức trẻ xin trích đăng nguyên văn bài viết "Một nhà quân sự xuất sắc" do tác giả Diệu Ân ghi trong cuốn sách "Đồng chí Đỗ Mười - Dấu ấn qua những chặng đường lịch sử" của NXB Chính trị quốc gia - Sự thật.

Bài viết ghi lại những chia sẻ của Trung tướng Đặng Kinh - Nguyên Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam về ông Đỗ Mười khi ông giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Khu Tả Ngạn:

Năm 195l, ông Mười là Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Khu Tả Ngạn. Tôi là Tỉnh đội trưởng tỉnh Kiến An (sau này tỉnh Kiến An nhập về Hải Phòng). Năm 1952, ông Mười về thành lập Khu Tả Ngạn và chỉ huy Mặt trận đường 5.

Khi ông về Khu Tả Ngạn tình hình hết sức khó khăn, phức tạp bởi vì cả 5 tỉnh đồng bằng (Hải Phòng, Kiến An, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình) đều bị tạm chiếm. Toàn bộ khu vực này, địch liên tục tổ chức các trận càn rất lớn. Cơ sở cách mạng bị phá vỡ nhiều, bà con hoang mang.

Bọn thực dân Pháp lập các khu Công giáo có vũ trang, quân đội của chúng đóng từ xã đến tỉnh. Mỗi xã, mỗi huyện đều có tháp canh để cảnh giới. Bọn chúng được trang bị vũ khí hiện đại, có pháo cỡ l0 ly, đại liên, trung liên, tiểu liên. Chúng rất chủ quan coi như đã đủ lực lượng làm chủ, khống chế đồng bằng Bắc Bộ, một vựa lúa lớn, tiềm năng về người và của lớn.

Địch mở chiến dịch Hòa Bình nên vùng đồng bằng bị trống. Chủ trương của ta là đánh vào sau lưng địch. Sư đoàn 320 do ông Văn Tiến Dũng làm Sư trưởng đã về chi viện cho Khu Tả Ngạn.

Ông Đỗ Mười đã chỉ đạo: Phân tán bộ đội tỉnh xuống cơ sở để "bám đất, bám dân". Tôi nhớ, có lần ông đã trực tiếp hỏi tôi: "Cậu là Tỉnh đội trưởng Kiến An, tôi đưa bộ đội về cậu làm cách nào?".

Tôi nói: "Tôi làm được, tôi bố trí tiểu đội đưa về thôn, xã sẽ có trung đội. Tôi phân tán hai đại đội về cho hai huyện Tiên Lãng và Vĩnh Bảo, giữ lại một đại đội tập trung".

Bọn địch dồn quân lên Hòa Bình cắt đường liên lạc giữa Việt Bắc với Khu III, Khu IV. Địch bị trống ở đồng bằng, nên chúng ta sẵn sàng đón thời cơ, phối hợp với bộ đội chủ lực (các sư đoàn 320, 308, 304) để mở chiến dịch lớn đánh đồng bằng.

Toàn bộ Khu Tả Ngạn, toàn dân, toàn quân cùng nhau đứng lên phá tề ngụy, lập chính quyền cách mạng, thành lập chính quyền dân chủ nhân dân của ta.

Tháng l-1952, ta mở đợt tấn công vào hai huyện Vĩnh Bảo và Tiên Lãng thành công; diệt 61 cụm của ngụy, lập được chính quyền dân chủ nhân dân. Ta mở được khu căn cứ du kích ở hai huyện này. Ngày 5-2-1952, quân chủ lực phối hợp với bộ đội địa phương mở trận phục kích đánh tan tiểu đoàn 22BGB của ngụy. Tên thiếu tá Phan Trọng Vinh tự tử.

Các sư đoàn chủ lực mở nhiều đợt tấn công liên tục ở Hưng Yên, Thái Bình, đánh tan bộ máy chính quyền ngụy, lập chính quyền cách mạng nhưng theo hình thức xôi đỗ "đêm ta, ngày địch". Nhờ có những cuộc thắng lớn nên quân ta được trang bị thêm vũ khí.

Bọn địch bị thất bại ở Hòa Bình, chúng rút về hậu phương càn quét và đánh Sư đoàn 320. Lực lượng của chúng rất mạnh, có 6 binh đoàn lính chủ lực của Pháp, nhưng chúng không khôi phục được chính quyền như cũ.

Tháng 7-1952, Trung ương triệu tập họp, Bác Hồ đến dự. Bác Hồ chỉ thị: Lấy ít đánh nhiều; lấy yếu thắng mạnh; đánh bất ngờ.

Sau hội nghị đó trở về, ông Đỗ Mười chỉ đạo mở rộng chiến trường đánh trên đường 5 và đánh liên tục, đánh thật mạnh.

Ông Đỗ Mười giao nhiệm vụ cho tôi: "Chúng ta quyết định đánh vào Kiến An. Đây là căn cứ rất quan trọng của Pháp, có kho bom, kho đạn, kho xe. Cậu chuẩn bị kế hoạch, báo cáo lại với tôi rồi mới được đánh".

Tôi chuẩn bị phương án chiến đấu rất tỉ mỉ rồi mới báo cáo ông Mười. Sau khi xem xong, ông đồng ý và cho phép đánh tan thị xã Kiến An và đánh Sở dầu, đốt hết nhiên liệu.

Trung tướng Đặng Kinh: Ông Đỗ Mười là nhà quân sự xuất sắc! - Ảnh 1.

Trung tướng Đặng Kinh trong một lần ôn lại kỷ niệm kỷ niệm chiến trường cùng các cán bộ Ban CHQS huyện Hải An (Ảnh: Báo Quân khu 3 online).

Đêm 21-4-1953, chúng tôi đánh vào thị xã Kiến An, với lực lượng của ta 300 quân đánh tan 2.000 quân của địch. Ta có 20 người, mỗi người đánh 3 kho đạn (mỗi kho dùng 1 lít xăng và 1 cân bộc phá), trong một đêm ta đánh được 60 kho đạn.

Chúng tôi đánh thẳng vào thị xã Kiến An, bắt sống Bộ chỉ huy địch - có một thiếu tá, hai đại úy và Tỉnh trưởng Kiến An tên là Trịnh Như Tiết. Đây là trận đánh điển hình nhất, diệt Bộ chỉ huy địch, thu được 1,4 triệu tiền Đông Dương.

Qua trận thắng này, ông Đỗ Mười đã đề nghị cấp trên tặng cho tôi Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất (1953). Tôi rất phấn khởi vì liên tục chiến đấu từ năm 1941 đến năm 1943 mới được nhận huân chương cao quý này.

Trong buổi trao huân chương, ông Đỗ Mười đã đánh giá: "Đây là trận thắng lớn, cả nước chưa từng có".

Đợt tấn công thứ hai là đốt kho xăng Hải Phòng. Kho xăng rộng 6 ha, có 20 bồn xăng, mỗi bồn xăng đường kính 20 mét, cao 16 mét.

Khi tôi đề nghị đánh kho xăng, ông Đỗ Mười căn dặn: "Trận đánh này ta phải hành quân xa 25 km, cách xa vùng du kích, nên phải tổ chức nơi ăn chốn ở thật chu đáo, phải cho quân ém trước một hôm rồi mới đánh. Đánh xong rút ra một địa điểm khác và ở lại một đêm. Phải tìm cơ sở trung kiên nhất".

Giữa tháng 6-1953, chúng tôi hành quân, mang 16 quả bộc phá mỗi quả nặng 10 kg, vượt sông Văn Úc từ Tiên Lãng sang An Lão, sau vượt sông Lạch Tray vào xã Quốc Tuấn trú quân. Hôm sau, chúng tôi đánh sang xã Đặng Cương. Kết quả là sau 15 phút đốt cháy 147 triệu lít xăng và 500 xe cơ giới. Ta hy sinh một đồng chí. Tôi về báo cáo kết quả với ông Mười.

Khi nghe tôi báo cáo xong, ông Mười phấn khởi, vỗ tay vào đùi nói to:

"Đây là cái tát vào mặt Tướng Nava. Từ nay bọn chúng sẽ hạn chế càn quét, vì chúng không có xăng dầu. Đây là kho xăng lớn nhất của chúng, chúc mừng chiến thắng của các cậu".

Lại nói về trận đánh sân bay Cát Bi. Khi tôi trình bày kế hoạch đưa 130 chiến sĩ vào đánh sân bay, ông Mười có vẻ phân vân:

"Ta chỉ có 130, nếu địch đối phó thì làm thế nào?" Tôi trả lời: "Thà tôi bị hy sinh, nhưng đánh được trận này giúp chủ lực giành thắng lợi ở Điện Bên Phủ tôi sẵn sàng".

Ông Mười nói: "Tôi sẽ điều thêm Trung đoàn 50 bảo vệ, hỗ trợ".

Khi chuẩn bị đánh, ông gọi tôi căn dặn: "Cậu không được chủ quan, phải đánh nhỏ ăn chắc". Tôi hỏi "Yêu cầu đánh bao nhiêu cái?". Ông nói: "Đánh 50 cái máy bay".

Tôi có vẻ hơi tiếc.

Ông Mười dặn: "Ta chịu khó "năng nhặt, chặt bị", nếu cần ta đánh tiếp. Cậu cứ tính thành tích cho anh em để khen thưởng, cứ diệt được 1 máy bay tương đương diệt được 1 trung đội Âu - Phi. Nếu diệt được 50 máy bay là 5 tiểu đoàn".

Đêm ngày 7-3-1954, bộ đội ta đánh sân bay Cát Bi, dùng 32 người phá 59 máy bay. Bác Hồ nghe báo công đã tặng ngay cho 32 chiến sĩ mỗi người một Huân chương Chiến sĩ hạng Nhất. Riêng tôi được Bác Hồ tặng Huân chương Quân công hạng Hai. Lúc đó được nhận huân chương này rất hiếm.

Nhưng thành tích của tôi đạt được là nhờ có sự chỉ đạo rất đúng đắn của ông Mười. Ông ấy gan dạ lắm. Tôi biết trận càn ở tỉnh Thái Bình rất ghê gớm, ta thiệt hại nặng, anh Thịnh, Khu ủy viên, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình bị hy sinh, du kích đã giải vòng vây cho ông Mười.

Trung tướng Đặng Kinh: Ông Đỗ Mười là nhà quân sự xuất sắc! - Ảnh 3.

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười khi làm Bí thư Thành ủy - Chủ tịch Ủy ban Quân chính Thành phố Hải Phòng sau thời gian nằm vùng hoạt động ở quân khu Tả ngạn. Ảnh tư liệu.

Ông Mười là nhà quân sự xuất sắc, một cán bộ trung kiên của Đảng. Khi ông Mười ở Khu Tả Ngạn được gọi là anh Ngạn. Nhân dân Khu Tả Ngạn, đặc biệt nhân dân Hải Phòng rất quý ông Mười.

Tôi coi ông Mười như người anh cả, tôi chưa bao giờ bị ông phê bình. Trong thời gian tôi đi học ở nước ngoài 5 năm, ông làm Bộ trưởng Bộ Nội thương, khi về Hải Phòng công tác, ông rất quan tâm đến vợ con tôi. Không bao giờ tôi quên được ông Đỗ Mười.

Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại