Khả năng thống nhất bằng phương thức hòa bình đã giảm?
Vào ngày 25/8, tờ United Daily News (Đài Loan) đưa tin, chính trị gia Đài Loan La Trí Cường mới đây tiết lộ bảng thống kê về "dữ liệu mất an ninh ở eo biển Đài Loan" do Tổ chức Khủng hoảng quốc tế (ICG) khảo sát.
Theo đó, trong nhiệm kỳ 8 năm của ông Trần Thủy Biển, khảo sát của tổ chức này đã 4 lần chứng nhận eo biển Đài Loan "không an toàn", trong nhiệm kỳ 4 năm vừa qua của bà Thái Anh Văn cũng đã 4 lần được chứng nhận "không an toàn", trong khi những năm ông Mã Anh Cửu nắm quyền, số lần được chứng nhận là 0 lần.
Tờ China Times (Đài Loan) dẫn số liệu từ một cuộc thăm dò do Quỹ Dư luận Đài Loan công bố ngày 24/8 cho thấy, 41% số người được hỏi lo lắng về một cuộc chiến tranh giữa hai bên eo biển nhưng 58% còn lại không tỏ ra lo lắng. Về quan điểm của ông Mã Anh Cửu cho rằng "trận chiến đầu tiên cũng là trận chiến cuối cùng", 34% số người được phỏng vấn tán thành và 58% phản đối.
Đài Loan diễn tập quân sự. Ảnh: Taiwannews
Theo Thời báo Hoàn cầu (Trung Quốc), cựu Phó trưởng Thư ký Quốc dâng đảng (Đài Loan) Thái Chính Nguyên tán thành với quan điểm trận "chiến thống nhất Đài Loan là trận chiến đầu tiên cũng là trận chiến cuối cùng" của ông Mã Anh Cửu.
Ông này nhận định, nếu Đại lục đã quyết định dùng vũ lực để thống nhất Đài Loan thì mọi chuyện sẽ nhanh chóng được giải quyết. "Điều này tương đương với việc Đại lục trưng bày thành quả huấn luyện quân sự của quân đội Trung Quốc (PLA) mấy chục năm qua trước mắt người dân. PLA sẽ không cho phép xuất hiện tình huống thất bại ngay trong trận chiến đầu tiên", ông nói.
Cựu quan chức Đài Loan cho rằng, khả năng "thống nhất bằng phương thức hòa bình" đang giảm đi rất nhiều bởi những yếu tố từ lịch sử đến thực tiễn.
Nếu chiến tranh, Đại lục sẽ tấn công vào đâu?
Cùng tán thành với quan điểm "trận chiến thống nhất Đài Loan là trận chiến đầu tiên cũng là trận chiến cuối cùng" của ông Mã Anh Cửu còn có cựu Trung tướng Đài Loan Cam Khắc Cường.
Theo Taihainet (Trung Quốc), trong một cuộc phỏng vấn gần đây, ông Cam - người có kinh nghiệm nghiên cứu nhiều năm về PLA nhận định, sức mạnh quân sự thực tế giữa hai bờ eo biển hiện nay đã quá rõ ràng và nguy cơ về một cuộc chiến ở eo biển Đài Loan không hề thấp.
Ông này nói, các hạm đội tham chiến đều rất rõ ràng: Bình thường Mỹ sẽ cử một hoặc hai nhóm tác chiến tàu sân bay xuất hiện ở khu vực để phô diễn "cơ bắp" nhưng nếu chiến tranh thực sự xảy ra, Mỹ sẽ "không dám" bố trí các nhóm tác chiến tàu sân bay quá gần, bởi lo ngại hạm đội sẽ phân tán. Còn nếu hạm đội Mỹ cùng tập trung tại một chỗ vậy thì chỉ cần phóng tên lửa, tàu Mỹ sẽ tan tành.
Cựu Trung tướng Đài Loan giải thích rằng, nhóm tác chiến tàu sân bay của Mỹ về cơ bản có 4 nhiệm vụ chính: "răn đe chiến lược", "phô trương sức mạnh", "thực hiện chiến tranh vượt đại dương" và "tấn công sâu". Tuy nhiên, theo ông, Mỹ không thể đạt được khả năng "răn đe chiến lược" đối với Trung Quốc đại lục vì mặt trận chi viện quá xa và Mỹ cũng sẽ không dễ dàng can dự vào khu vực tác chiến eo biển Đài Loan vì PLA đã có sẵn nhiều phương pháp chống can thiệp.
Ông này nhấn mạnh, nếu PLA tấn công Đài Loan, thì Bành Hồ và Đông Sa có khả năng bị chiếm đóng đầu tiên. Bành Hồ chỉ cách Trung Quốc đại lục 150 km. Một khi giành được Bành Hồ, PLA có thể bố trí tên lửa ở Bành Hồ. Khi đó, toàn bộ đảo Đài Loan sẽ nằm trong tầm bắn.