Kẻ phạm tội sẽ chống trả rất quyết liệt, tiêu diệt bất cứ ai
Đêm 13/5, trong quá trình truy bắt băng trộm xe máy, nhóm "hiệp sĩ" đường phố quận Tân Bình đã gặp tổn thất nặng nề khi 2 thành viên tử nạn, 3 người khác trọng thương.
Trao đổi với PV, Trung tá, Đào Trung Hiếu, chuyên gia Tội phạm học, hiện đang công tác tại Bộ Công an bày tỏ lòng tiếc thương, và gửi lời chia buồn chân thành tới các "hiệp sĩ" đã tham gia vào quá trình truy bắt tội phạm và ngã xuống vì sự bình yên của người dân.
Từng là một cán bộ điều tra trong Đội điều tra trọng án của Phòng CSHS (CA Hà Nội), ông đánh giá thế nào sau vụ việc trên?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Những người tình nguyện tham gia hỗ trợ cơ quan chức năng, đã lường trước được việc sẽ phải đối diện với hiểm nguy khi bắt giữ các đối tượng, băng nhóm tội phạm.
Trong đời sống hiện nay, chuyện bị tội phạm chống trả, nguy hiểm đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản có thể nhìn thấy trước mắt.
Thế nhưng, các "hiệp sĩ" dám đối mặt, dám bước qua để làm những điều vì cộng đồng, đây là nghĩa cử hết sức cao đẹp mà xã hội cần trân trọng.
Được biết hoàn cảnh gia đình các "hiệp sĩ" đều còn khó khăn nên xã hội cần thể hiện sự tri ân bằng hành động cụ thể, có thể thông qua quyên góp, ủng hộ giúp đỡ gia đình những người bị nạn phần nào vơi bớt khó khăn, đau thương.
Một số ý kiến cho rằng, chúng ta nên cổ vũ tinh thần "hiệp sĩ" để nhân rộng thành các mô hình, phong trào trên cả nước, ông đánh giá thế nào về việc này?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Hoàn toàn cần thiết. Việc bảo vệ an ninh trật tự, sự bình yên trong cuộc sống không thể giao khoán, phó mặc hoặc trông chờ vào một lực lượng mà đây là việc của toàn xã hội.
Với tư cách bài trừ tội phạm, những hiện tượng xã hội tiêu cực cần phải được đặt ra, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, mọi công dân.
Chuyện xây dựng các tổ dân phòng, tự quản, câu lạc bộ phòng chống tội phạm đường phố hết sức cần thiết. Thời gian qua lực lượng tự quản, tự phát của nhiều người dân đã có đóng góp hỗ trợ trong việc đấu tranh, bài trừ tội phạm.
Rất nhiều địa phương chứ không riêng TP Hồ Chí Minh, các tổ chức an ninh cơ sở khi được kiện toàn như dân phòng, tổ xe ôm, săn bắt cướp… hoạt động hiệu quả giúp tình hình an ninh trật tự được đảm bảo.
Hiện trường vụ việc. Ảnh: Minh Toàn.
Sau khi vụ việc các "hiệp sĩ" bị truy sát, đâm chết, đã có nhiều ý kiến trái chiều xung quanh cũng như căn cứ pháp lý đối với việc cho những người dân được tham gia, bắt giữ tội phạm. Ông có thể giải thích rõ về điều này?
Trung tá Đào Trung Hiếu:
Theo quy định tại Điều 111 Bộ luật tố tụng hình sự quy định tại năm 2015, quy định về bắt người phạm tội quả tang thì bất cứ người nào cũng có quyền bắt giữ tội phạm khi đang thực hiện hay vừa thực hiện hành vi phạm tội.
Do đó, người dân tham gia vào tổ chống tội phạm hoàn toàn có quyền.
Ngoài ra, người dân dân tham gia vào câu lạc bộ phòng chống tội phạm như vụ việc vừa xảy ra rất cần thiết.
Có một thực tế, các đối tượng phạm tội thường chuẩn bị hung khí và truy sát lại bị hại nếu bị tấn công, bắt giữ. Là một chuyên gia về tội phạm học, ông có thể lý giải về điều này?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Một đặc điểm tâm lý tội phạm rất phổ biến là những kẻ phạm tội rất sợ bị trừng trị.
Chúng thừa biết hành vi của mình vi phạm pháp luật, chống lại xã hội, đi ngược pháp luật nên sẽ bị trừng trị nếu bị bắt, đồng nghĩa sẽ phải gánh chịu biện pháp pháp lý.
Do đó, bản năng tự vệ sẽ thôi thúc đối tượng phạm tội hành động chống trả để triệt tiêu bất cứ ai đẩy các đối tượng vào khả năng bị bắt.
Trong trường hợp hôm 13/5, nạn nhân là các"hiệp sĩ", người dân nhưng nếu lực lượng chức năng chúng sẽ chống lại.
Ngoài ra, ở sự việc này, không ai nghĩ đối tượng mang theo hung khí, chống trả quyết liệt đến mức đó và thực tế, các "hiệp sĩ" đã bắt rất nhiều vụ trộm cắp nhưng chưa xảy ra sự việc đáng tiếc như vậy.
Lực lượng chức năng tiến hành phong tỏa hiện trường để điều tra.
Nên trang bị công cụ hỗ trợ cho nhóm "hiệp sĩ"
Theo ông, với tình hình an ninh, trật tự như hiện tại, trong thời gian tới, TP Hồ Chí Minh có nên thành lập tổ công tác 141, 142 chuyên trách giống như Hà Nội đã và đang thực hiện không?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Hoàn toàn nên thành lập và lấy kinh nghiệm rút ra từ Hà Nội. Khi công tác tại Công an Hà Nội, tôi trực tiếp tham gia xử lý công việc do tổ 141 hoạt động ngoài đường mang về nên thấy hiệu quả rất tốt.
Các tổ công tác liên ngành Cảnh sát giao thông, Cảnh sát hình sự mật phục, hóa trang… chốt chặt trên các tuyến giao thông hết sức có ý nghĩa trong việc phòng chống tội phạm.
Vì trong quá trình di chuyển, tham gia giao thông, các tổ trinh sát phát hiện có dấu hiệu nghi vấn, tiến hành kiểm tra hành chính, phát hiện trong người có vũ khí sẽ chặn bắt, ngăn chặn sớm được vụ án.
Rất nhiều các băng nhóm dẫn quân đi thanh toán, mâu thuẫn nhưng trên đường gặp tổ 141 bị cản lại.
Chúng tôi cho rằng, tại TP Hồ Chí Minh tình hình an ninh trật tự có những diễn biến phức tạp nên rất cần các tổ công tác 141, 142 tạo thành thế trận đan xen, kịp thời ngăn chặn tội phạm.
Qua vụ việc này, các cơ quan chức năng có nên xem xét trang bị công cụ hỗ trợ cho nhóm "hiệp sĩ" khi tham gia bắt cướp?
Trung tá Đào Trung Hiếu: Hoàn toàn nên trang bị công cụ hỗ trợ cho các thành viên của câu lạc bộ phòng chống tội phạm được thành lập từ phường xã.
Đây là tổ chức được cấp chính quyền cơ sở thành lập ra, câu chuyện mà trang bị công cụ hỗ trợ hết sức cần thiết, thậm chí áo giáp, găng bắt dao, dùi cui, gậy..., trừ vũ khí quân dụng.
Cùng với đó, cần đẩy mạnh huấn luyện các kỹ năng, võ thuật để có thể tiếp cận, đánh, bắt đối tượng, an toàn cho mình, giảm thiệt hại khi tiếp cận đối tượng.
Trung tá, chuyên gia tội phạm Đào Trung Hiếu sinh năm 1974, hiện đang công tác tại Bộ Công an. Ông vốn là lính hình sự, tốt nghiệp năm 1996 và về công tác tại Phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Yên Bái.
Năm 2005, ông được điều chuyển về làm việc tại Phòng CSHS Công an TP Hà Nội (số 7 Thiền Quang).
Ông nguyên Điều tra viên Đội Điều tra trọng án; Phó Đội trưởng Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội.