Trung Ruồi không phải là cái tên xa lạ với khán giả Việt Nam. Anh từng tham gia diễn xuất trong nhiều lĩnh vực: Phim truyền hình, tiểu phẩm hài, sitcom, đặc biệt là góp mặt trong nhiều số của Táo quân VTV.
Song, nhắc tới Trung ruồi, khán giả sẽ nghĩ ngay đến những vai diễn người dân tộc thiểu số, người lao động chất phác, người nhà quê trong các tiểu phẩm hài, seri sitcom.
"Những người chê trách tôi lại không phải là người dân tộc thiểu số và người dân lao động"
Mới đây nhất, nam diễn viên tiếp tục vào vai anh chàng lái xe taxi láu cá của seri hài có tên Taxi Ruồi. Dành khá nhiều tâm huyết cho vai diễn này, Trung Ruồi tâm sự:
"Tôi vẫn tham gia đóng phim truyền hình và làm các chương trình khác như Táo quân hay chạy show. Nhưng tôi nhận thấy khi được lao tâm khổ tứ vì 1 sản phẩm của chính mình, tôi sẽ được thoải mái thể hiện "chất" của bản thân, được thoải mái làm những gì mình thích thì tôi sẽ làm tốt hơn.
Vậy nên tôi quyết định sẽ làm 1 seri những phim hài theo đúng "chất" của bản thân.
Diễn viên hài Trung Ruồi.
Trong loạt phim hài phát trên Youtube tới đây, tôi chỉ tham gia đúng 1 vai diễn trong seri đầu tiên có tên Taxi Ruồi.
Chúng tôi mất tới nửa năm để cho ra được kịch bản khoảng 20 tập của seri hài này.
Tôi thích lối làm hài của Châu Tình Trì, của Mr Bean, thế nên hài của tôi cũng sẽ đi theo lối đó: Mọi sự việc đều xoay quanh 1 nhân vật chính".
Khi được hỏi vì sao luôn chọn những vai người lao động với vẻ ngoài "quê mùa", không mấy bóng bẩy, nam diễn viên bộc bạch:
"Tuổi thơ tôi lớn lên gần gũi với người lao động. Tôi hiểu cuộc sống, công việc của họ, hiểu cả những lo toan, những tính cách của họ. Gần gũi, thấu hiểu người lao động như thế nên tôi tin mình có thể đảm nhiệm tốt những vai diễn này.
Chứ bây giờ mà cho tôi vào vai 1 công tử nhà giàu, 1 đại gia doanh nhân giàu có thì tôi sợ tôi không làm được. Vì thú thực, tôi chưa từng được trải nghiệm 1 cuộc sống hào nhoáng, xa hoa như thế. Nếu làm các vai này, tôi sẽ mất thời gian để đi tìm hiểu mà chưa chắc sẽ làm tốt được".
Trung Ruồi thường vào vai người dân lao động lam lũ.
Cũng vì thường xuyên khai thác hình ảnh người lao động, người dân tộc thiểu số nên Trung Ruồi từng vướng phải ý kiến trái chiều, cho rằng anh đang "bôi nhọ" họ bằng các nhân vật của mình:
"Sau khi A Lử lên sóng, có một số khán giả chê trách rằng tôi bôi xấu hình ảnh người dân tộc thiểu số và người lao động. Nhưng những người chê trách tôi lại không phải là người dân tộc thiểu số và người lao động.
Bằng chứng là ngay sau đó, tôi đi diễn ở Yên Bái, rất nhiều khán giả của tôi là người lao động, người dân tộc thiểu số đã gặp tôi và bày tỏ sự yêu thích đối với nhân vật A Lử.
Hơn nữa, tôi là người làm nghệ thuật, bản thân tôi sẽ biết cân nhắc, điều tiết để những sản phẩm của mình không bao giờ trở thành nhảm nhí, phản cảm và thiếu văn hóa".
"Cho tôi vào vai 1 công tử nhà giàu, 1 đại gia doanh nhân giàu có thì tôi sợ tôi không làm được".
"Mẹ vừa gặp tôi đã mắng: Nửa tháng nay tao không thấy mặt mày!"
Để được theo đuổi đam mê riêng, được thể hiện đúng "chất" của mình trong các seri hài, Trung Ruồi cho hay anh đã phải "đặt cược" rất nhiều thứ vào các dự án này:
"Tập 1 của seri hài Taxi Ruồi đã được phát trên kênh Youtube được mấy ngày nay và hiện đang nằm trong top 2 thịnh hành rồi. Để sản xuất tập 1 này, tính riêng chi phí sản xuất, tôi và phía công ty quản lý đã chi vào đó hơn 200 triệu đồng. Mà seri này dự kiến sẽ kéo dài từ 15 - 20 tập phim.
Bây giờ tôi có hẳn 1 công ty hỗ trợ từ kịch bản cho tới sản xuất cho loạt seri phim hài của mình. Nhưng nói chung cũng khá vất vả. Chúng tôi phải tự lo chi phí sản xuất bằng cách dùng tiền túi hoặc kêu gọi tài trợ.
Tạo hình của Trung Ruồi trong Taxi Ruồi.
Các diễn viên trong loạt seri này, nòng cốt tôi vẫn giữ nguyên những anh em đã từng tham gia với tôi từ những ngày đầu như Thương Cin, Minh Tít... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng mời thêm một số khách mời để tạo màu sắc mới cho mỗi tập phim.
Ngoài sản xuất phim hài riêng, tôi cũng vẫn làm nhiều việc khác như chạy show, đóng phim truyền hình. Thú thực, có dự án phim hài bị lỗ, rồi cũng có khi vừa chạy show vừa sản xuất, tôi gần như không có thời gian riêng cho bản thân.
Thậm chí, có đợt, mẹ vừa gặp tôi đã mắng: Nửa tháng nay tao không thấy mặt mày! Những lúc như vậy, tôi cũng rất áy náy. Vì 2 mẹ con chẳng ở xa nhau đâu, nhưng cũng chẳng có thời gian để gặp hay hỏi han mẹ".