Trung Quốc xuất hiện dấu hiệu "căn bệnh Nhật Bản", chuyên gia cảnh báo giá đắt nếu không rút được bài học

Minh Khôi |

Theo tờ SCMP, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể vấp phải một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, tương tự cái gọi là thập kỷ mất mát của Nhật Bản.

Trung Quốc xuất hiện dấu hiệu căn bệnh Nhật Bản, chuyên gia cảnh báo giá đắt nếu không rút được bài học - Ảnh 1.

"Căn bệnh Nhật Bản"

Theo tờ Nikkei (Nhật Bản), nền kinh tế Trung Quốc đang có dấu hiệu rơi vào tình trạng suy thoái tương tự như nước Nhật sau khi kết thúc thời kỳ phát triển bong bóng, với hoạt động kinh doanh và nhu cầu chi tiêu suy giảm trong khi bước vào thời kỳ dân số già.

"Khách hàng đã thắt chặt hầu bao kể từ khi kết thúc kỳ nghỉ Lễ Lao động hồi tháng 5", một chủ nhà hàng ở Bắc Kinh cho biết.

Chi tiêu cho mỗi khách hàng đã giảm từ khoảng 400 nhân dân tệ vào mùa xuân xuống dưới 300 nhân dân tệ.

Nhu cầu yếu dẫn đến lạm phát thấp có những điểm tương đồng với tình trạng trì trệ kéo dài nhiều năm của Nhật Bản kể từ năm 1990.

Tăng trưởng của Nhật Bản chậm lại đáng kể sau khi bong bóng giá tài sản vỡ vào cuối năm 1989, với việc các công ty và hộ gia đình muốn trả hết các khoản nợ hơn là chi tiền cho hàng hóa và dịch vụ.

Ông Yin Jianfeng, phó tổng giám đốc của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia, cơ quan tư vấn trực thuộc nhà nước Trung Quốc, cho biết nước này đang cho thấy các tín hiệu của "căn bệnh Nhật Bản".

Bắc Kinh đã bác bỏ nguy cơ giảm phát. Nhưng Yin nói Trung Quốc hiện đang trong tình trạng giảm phát, dựa trên xu hướng chỉ số CPI cao hơn lạm phát thực tế.

Richard Koo, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Nomura, cho biết đã có những dấu hiệu cho thấy các công ty và hộ gia đình Trung Quốc không muốn vay ngay cả sau khi ngân hàng trung ương Trung Quốc cắt giảm lãi suất vào tháng 6 nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

"Đó là một dấu hiệu rất xấu về mặt kinh tế vĩ mô. Về mặt cá nhân, họ có thể đang làm những điều đúng đắn, nhưng về mặt tập thể, họ có thể đang giết chết nền kinh tế”, Koo nói với Bloomberg hồi đầu tháng này.

Cảnh báo về giá phải trả nếu không rút được bài học từ Nhật Bản

Người dân Trung Quốc đang bày tỏ lo ngại về hướng đi của nền kinh tế.

"Sự lo lắng về tương lai đã ăn sâu vào tâm trí nhiều người", một nhân viên nhà hàng từng trải qua đợt phong tỏa chống dịch Covid-19 ở Thượng Hải vào mùa xuân năm 2022 cho biết.

Người tiêu dùng không muốn thực hiện các giao dịch mua lớn như nhà cửa và hàng hóa lâu bền. Những người trẻ tuổi thậm chí còn thắt lưng buộc bụng hơn khi tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên vượt quá 20%.

Tiền đang nằm yên trong các ngân hàng, giống như ở Nhật Bản thời kỳ hậu bong bóng. Tại Nhật Bản, tâm lý ưa thích tiết kiệm hơn chi tiêu đã tạo ra một cái bẫy thanh khoản khiến chính sách tiền tệ kém hiệu quả hơn trong việc kích thích nền kinh tế.

Tỷ lệ sinh giảm nhanh của Trung Quốc cũng giống như "Nhật Bản hóa". Một số ước tính dự báo sẽ có ít hơn 8 triệu ca sinh trong năm nay, và có thể sẽ dẫn đến tình trạng thiếu lao động nghiêm trọng và thị trường tiêu dùng bị thu hẹp.

Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã nghiên cứu rất kỹ Nhật Bản thời kỳ hậu bong bóng. Yasunari Ueno, nhà kinh tế trưởng thị trường tại Mizuho Securities, đánh giá: “Họ đã tập trung vào việc tránh vỡ bong bóng quá mức và duy trì sự ổn định kinh tế và tài chính”.

“Nhưng cái giá phải trả nếu không học được bài học từ Nhật Bản về vấn đề dân số là rất lớn”, Ueno nói thêm.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại