Trung Quốc "xóa sổ" các căn cứ Mỹ ở Nhật chỉ với một cuộc tập kích tên lửa bất ngờ?

Trung tá Trịnh Ngọc Tiến - Trường Đại học Chính trị / Bộ Quốc phòng |

Hai sĩ quan cao cấp HQ Mỹ là Shugart và Gonzalez cho rằng một cuộc tấn công tên lửa bất ngờ của TQ trong tương lai có thể diệt hết các lực lượng và căn cứ quân sự của Mỹ ở Nhật.

Điều tồi tệ nhất có thể xảy ra

Đây là kịch bản cho một cuộc tấn công mô phỏng, sử dụng dữ liệu hiện tại của cả Mỹ và Trung Quốc; do hai sĩ quan cao cấp của Hải quân Mỹ là Thomas Shugart và Javier Gonzalez đưa ra trong Hội thảo quân sự về khả năng những nguy cơ tiềm ẩn ở khu vực Đông Á do quân đội Mỹ tổ chức ở Guam gần đây.

Tuy nhiên nếu Mỹ và Đồng minh triển khai thêm nhiều hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD và hệ thống chiến đấu Aegis của hải quân thì sẽ có khả năng bảo vệ hầu hết các mục tiêu phía bắc Okinawa, nơi đóng căn cứ quân sự chính của Mỹ ở Nhật Bản.

Việc các căn cứ quân sự Mỹ và đồng minh được che chắn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa như vậy sẽ làm Bắc Kinh phải tính toán lại chiến lược của mình trước mỗi cuộc khủng hoảng khu vực. Thomas Shugart và Javier Gonzalez đã đưa ra kết luận như vậy trong cuộc Hội thảo.

Kịch bản này không phải là không có tính thực tế; lịch sử và học thuyết quân sự của Trung Quốc từ năm 1949 trở lại đây cho thấy phương châm chiến lược của nước này là hành động bất ngờ.

Như việc họ đưa quân vào Triều Tiên năm 1950, xung đột biên giới với Ấn Độ năm 1962, xâm lược Việt Nam năm 1974 và 1979 là những bằng chứng. Trung Quốc thường ngang nhiên bao biện cho các cuộc tấn công của họ như vậy là một phản ứng tự vệ đối với các hành động đe dọa chủ quyền của họ hoặc những lợi ích thiết yếu.

Trung Quốc xóa sổ các căn cứ Mỹ ở Nhật chỉ với một cuộc tập kích tên lửa bất ngờ? - Ảnh 1.

Tên lửa ICBM Trung Quốc biểu dương lực lượng.

Nhưng những lý lẽ của họ đều rất mơ hồ, hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Trong chiến lược của mình, Trung Quốc đặc biệt đề cao yếu tố bí mật, bất ngờ, giành quyền chủ động trong cuộc chiến; nhất là trong trường hợp xảy ra một cuộc xung đột trong tương lai với đối thủ tiềm năng là quân đội Mỹ.

Kịch bản nào?

Kịch bản đầu tiên: Trong tình huống chiến tranh xảy ra, cả hai đều biết trước về quy mô cũng như hướng tiến công chủ yếu của đối phương. Lúc này các bên đều ở trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất.

Với lực lượng hiện tại, quân đội Mỹ lúc này cũng chỉ sơ tán được lực lượng của mình đến những địa điểm an toàn để tránh được đòn hỏa lực đầu tiên chứ ít có khả năng đánh chặn được làn sóng tấn công bằng tên lửa đạn đạo của Trung Quốc.

Kịch bản thứ hai: Một vụ tấn công bất ngờ, quy mô lớn, mở đầu bằng tên lửa đạn đạo phóng từ các căn cứ trên đất liền; tiếp theo đợt tiến công này là đợt tiến công bằng tên lửa hành trình và các cuộc không kích bằng máy bay có thể làm tê liệt các sân bay trên mặt đất và tàu chiến ở quân cảng, nơi chúng đang neo đậu.

Một kịch bản tấn công thông thường như vậy là mục đích chính của Quân chủng tên lửa Trung Quốc (trước đây là lực lượng Pháo binh thứ hai; được tổ chức lại thành Quân chủng tên lửa trong đợt cải cách quân đội năm 2016).

Trung Quốc xóa sổ các căn cứ Mỹ ở Nhật chỉ với một cuộc tập kích tên lửa bất ngờ? - Ảnh 2.

Quân chủng tên lửa Trung Quốc tham gia duyệt binh.

Những hình ảnh chụp qua vệ tinh của quân đội Mỹ về việc thử tên lửa của Trung Quốc nằm gần sa mạc Gobi cho thấy các mục tiêu giả định là tàu chiến Mỹ với các kích thước phác thảo tương đương, nhất là các tàu sân bay, linh hồn của các cụm tàu chiến đấu của Hải quân Mỹ.

Với việc sử dụng các dữ liệu công khai tại các căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản để tính toán một cuộc chiến tranh tổng lực (nếu xảy ra).

Nhóm nghiên cứu đã đưa ra 500 mục tiêu như sân bay, bến cảng, trung tâm chỉ huy, trung tâm thông tin liên lạc, căn cứ đảm bảo hậu cần cũng như các cơ sở hạ tầng khác phục vụ mục đích quân sự và kết quả cho thấy quân đội Trung Quốc có đủ số tên lửa để tiêu diệt các mục tiêu này.

Hiện nay theo ước tính của cơ quan tình báo Mỹ, Trung Quốc hiện có khoảng 1.200 tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) có thể tấn công đến các căn cứ quân sự của Mỹ ở Okinawa. Những căn cứ quân sự của Mỹ tại đây là những căn cứ lớn nhất tại nước ngoài, cũng là gần nhất với Trung Quốc về khoảng cách địa lý.

Các tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn từ 2.000 đến 3.000 km của Trung Quốc (MRBM) có thể tiếp cận toàn bộ Nhật Bản. Những tên lửa này có thể tiêu diệt mục tiêu của họ trong vòng 15 phút sau khi phóng.

Sau đó, đợt tiến công thứ hai bằng máy bay ném bom cùng với tên lửa hành trình phóng từ mặt đất sẽ tiêu diệt những mục tiêu còn lại.

Các đầu đạn có cấu tạo đặc biệt sẽ xuyên thủng và phá vỡ các hầm kiên cố; trong khi đó, các loại đạn con có thể phá hủy đường băng sân bay, làm tê liệt lực lượng không quân chiến đấu của đối phương cũng như rải mìn phong tỏa các lực lượng trên mặt đất.

Hiện tại quân đội Mỹ và Nhật Bản có một số hệ thống tên lửa phòng thủ tầm thấp như các hệ thống Patriot và các tàu chiến được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis nhưng chủ yếu để đối phó với một cuộc tiến công tiềm năng của Bắc Triều Tiên.

Tuy nhiên nếu dùng lực lượng này để đối phó với một cuộc tiến công bằng tên lửa của Trung Quốc thì lực lượng này sẽ nhanh chóng bị đè bẹp. Ngay cả khi hệ thống phòng thủ của Mỹ và đồng minh hoạt động hoàn hảo thì lực lượng này cũng không đủ sức đương đầu với các loại tên lửa của Trung Quốc.

Trong những năm gần đây, đã có những nghiên cứu đầy hứa hẹn về vũ khí laser, pháo điện từ và có khả năng phòng thủ cao nhưng hiện nay chúng vẫn đang tiếp tục trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm. Vì vậy trong thời điểm hiện tại và tương lai gần; nhóm nghiên cứu chỉ đưa các hệ thống phòng thủ hiện có của Mỹ và Đồng minh vào tưởng định để tính toán.

Như vậy để có thể đánh trả có hiệu quả một cuộc tập kích bằng tên lửa của Trung Quốc vào các căn cứ của Mỹ và Đồng minh trên lãnh thổ Nhật Bản thì quân đội Mỹ phải bố trí thêm so với hiện nay ít nhất là hai hệ thống đánh chặn tên lửa tầm thấp Patriot; năm hệ thống chống tên lửa tầm cao lục quân THAAD và hai tàu chiến trang bị hệ thống chiến đấu Aegis.

Trung Quốc xóa sổ các căn cứ Mỹ ở Nhật chỉ với một cuộc tập kích tên lửa bất ngờ? - Ảnh 3.

Hệ thống chống tên lửa tầm cao lục quân THAAD phóng thử nghiệm.

Trong đó nhiệm vụ của các hệ thống THAAD và hệ thống chiến đấu Aegis sẽ bắn hạ các tên lửa ở tầm cao; khi tên lửa tiến công vượt qua tầm bắn của hệ thống phòng thủ này thì nhiệm vụ ngăn chặn phụ thuộc vào hệ thống Patriot và các loại vũ khí phòng thủ tầm gần khác.

Về hệ thống cảnh báo, Mỹ và Đồng minh phải có ít nhất hai tàu tên lửa trang bị hệ thống Aegis được thường xuyên triển khai trên biển Nhật Bản và vùng gần bán đảo Triều Tiên hoặc chỉ cần một chiếc tàu lớp Burke-III hoặc tàu khu trục lớp Zumwalt là có thể hoàn thành việc cảnh báo sớm tên lửa được phóng từ khu vực duyên hải Trung Quốc cho đến vùng gần Thiểm Tây.

Điều này khiến cho tên lửa đạn đạo được phóng lên từ Đông Bắc Á muốn tránh khỏi phạm vi kiểm soát của hệ thống radar cảnh báo sớm của Mỹ là điều gần như không thể.

Trong trường hợp Mỹ triển khai các biện pháp phòng thủ bổ sung, Okinawa vẫn không an toàn bởi lẽ nó quá gần với Trung Quốc và trong phạm vi tiến công của quá nhiều loại tên lửa. Tuy nhiên qua tính toán cho thấy, thiệt hại đã được giảm bớt; mặt khác, những tên lửa tiến công hướng về lục địa Nhật Bản hầu như bị ngăn chặn.

Với kế hoạch này, để bảo vệ an toàn cần có thêm 5 hệ thống THAAD; trong khi quân đội Mỹ mới chỉ được trang bị có sáu hệ thống và một trong số đó là cam kết bảo vệ đồng minh Hàn Quốc. Điều này sẽ khó thực hiện được, trừ khi Mỹ sẵn sàng dỡ bỏ các biện pháp phòng thủ tên lửa từ các khu vực khác trên thế giới để bảo vệ Nhật Bản.

Tuy nhiên trong trường hợp phải đối phó với mối đe dọa từ Nga và Iran thì buộc Mỹ phải đặt mua thêm các hệ thống THAAD mới. Như vậy sẽ vượt quá khả năng tài chính của ngân sách quốc phòng Mỹ cả trong hiện tại và tương lai.

Bên cạnh đó là giá cả của các tên lửa phòng thủ không bao giờ là rẻ; để bắn chặn được một tên lửa Scud có giá 1 triệu USD, phải dùng ít nhất một tên lửa Patriot giá 3 triệu USD.

Vũ khí laser cũng có thể là một vũ khí phòng thủ hiệu quả với giá thành mỗi lần bắn là tương đối rẻ, nhưng giá trị của mỗi hệ thống này cũng rất lớn và việc các hệ thống này cũng chưa một lần thực chiến cũng gây mối nghi ngại.

Tuy nhiên dù đắt đỏ thế nào thì cũng phải đầu tư, bởi vì những thiệt hại của cuộc tiến công là rất lớn.

Việc đầu tư một vài tỷ USD về phòng thủ tên lửa có thể tiết kiệm được hàng chục tỷ USD về tàu, máy bay, phương tiện và nhân mạng sống và quan trọng hơn là ngăn chặn được những cuộc tiến công tiềm ẩn trong tương lai. Đồng thời nâng cao được khả năng răn đe của Mỹ với đối phương trước mỗi cuộc khủng hoảng trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại