Theo thông tin từ Trung tâm đổi mới Trùng Khánh của Đại học Công nghệ Bắc Kinh, hệ thống radar không gian sâu này có tên “Phục nhãn” (China Fuyan, facetted eye), bao gồm các radar nằm rải rác với hơn 20 ăng ten, mỗi ăng ten có đường kính từ 25 - 30 mét.
Dự án dự kiến có khoảng cách hoạt động 150 triệu km. Đây sẽ là radar có khoảng cách quan sát xa nhất thế giới, cũng là radar không gian sâu đầu tiên trên thế giới có khả năng giám sát động và ghi lại hình ảnh ba chiều.
Nó có thể quan sát các tiểu hành tinh gần Trái Đất hoặc ở vành đai chính, tàu vũ trụ, các hành tinh như Mặt Trăng, sao Kim và sao Hỏa, cũng như các mục tiêu không gian sâu như vệ tinh của sao Mộc với độ phân giải cao, đáp ứng các nhu cầu quốc gia như phòng thủ tiểu hành tinh gần Trái Đất và nhận biết tình huống không gian.
Viện sĩ Long Đằng (Long Teng), Hiệu trưởng Đại học Công nghệ Bắc Kinh, cho biết hệ thống này bao gồm nhiều ăng ten, giống như mắt của côn trùng, do vậy mang tên Phục Nhãn, đồng thời cũng mang ý nghĩa “con mắt phục hưng của Trung Quốc”. Khác với “Thiên Nhãn” – kính viễn vọng FAST lớn nhất thế giới của nước này, “Phục Nhãn” có tính năng tự thu nhận sóng điện từ, tức phát ra sóng điện từ và nhận tiếng vọng của sóng điện từ do tiểu hành tinh phát ra nên có thể quan sát được tiểu hành tinh.
Chương trình Phục Nhãn được đưa ra sau thông báo vào tháng 4 của Trung Quốc về kế hoạch xây dựng một hệ thống giám sát và phòng thủ tiểu hành tinh gần Trái Đất để đối phó với mối đe dọa từ các tiểu hành tinh.
Cơ sở radar mới ở Trùng Khánh cũng sẽ hỗ trợ các nhiệm vụ của nước này trong việc thăm dò lãnh thổ giữa Trái Đất và Mặt Trăng, bao gồm tìm kiếm mục tiêu hạ cánh thích hợp cho sứ mệnh thăm dò Thiên Vấn-2 (Tianwen-2), dự kiến sẽ được phóng vào năm 2025, tiếp theo sứ mệnh thăm dò sao Hỏa Thiên Vấn-1 (Tianwen-1).
Hệ thống radar Phục Nhãn được chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 1, 4 bộ radar đường kính 16 mét sẽ được thiết lập để xác minh tính khả thi của hệ thống và thu được hình ảnh 3D của Mặt Trăng. Hiện tại, 2 trong số 4 radar đã được chế tạo ở Trùng Khánh, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 9 tới.
Giai đoạn 2 sẽ tăng số lượng ăng ten lên 25 - 36 và hình thành một hệ thống radar rải rác độ nét cao, cho phép Trung Quốc thăm dò và ghi lại hình ảnh tiểu hành tinh cách xa hàng chục triệu km và xác minh các công nghệ liên quan.
Giai đoạn 3 sẽ hiện thực hóa khả năng quan sát 150 triệu km và trở thành radar không gian sâu đầu tiên trên thế giới có khả năng thực hiện hình ảnh 3D và giám sát động cũng như quan sát chủ động các thiên thể trong toàn bộ hệ mặt trời. Hiện lịch trình và quy mô của giai đoạn này vẫn chưa được xác định, vì sẽ được đưa ra dựa trên kết quả và các nghiên cứu thực hiện trong các giai đoạn trước.