Theo đó, công trình đặc biệt này được gọi là Thổ lâu (hay tòa nhà xây bằng đất). Đây là những tòa nhà đặc biệt được xây dựng ở vùng đông nam của tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Chúng được ví như những "pháo đài" kiên cố cứu giúp hàng trăm người dân.
Vậy, công trình này có đặc điểm gì?
Theo các chuyên gia, khi nhìn từ trên cao, Thổ lâu trông giống như bệ phóng tên lửa. Tuy nhiên, khi nhìn chính diện, chúng lại giống những pháo đài khổng lồ. Câu hỏi đặt ra rằng, ai là người đã xây dựng nên Thổ lâu? Đặc biệt, vì sao những tòa nhà khổng lồ bằng đất này lại được xây dựng ngay giữa rừng núi?
Thổ lâu là tòa nhà lớn do người Khách gia xây dựng.
Hóa ra "kiến trúc sư" của những công trình này là người Khách gia, những người Hán có tổ tiên được cho là gốc gác tại khu vực các tỉnh Hà Nam và Sơn Tây, thuộc miền Bắc Trung Quốc cách đây khoảng 2.700 năm. Cụ thể, những người này đã xây Thổ lâu sau khi họ di cư tới vùng đông nam của tỉnh Phúc Kiến vào cuối thời Tây Tấn (266 – 420). Thổ lâu chính là một ví dụ xuất sắc về kiến trúc xây dựng nhà ở thời phong kiến và được ca ngợi như "quốc bảo".
Các chuyên gia cho biết, Thổ lâu rất cao so với nhà thời xưa và chúng thường có từ 3 – 4 tầng, với chiều cao có thể lên tới 12 – 13 m. Công trình này được xây dựng rất đặc biệt, với phần ngoài là bức tường đất nện dày 1 - 2 m rất rắn chắc. Chính vì có cấu trúc kín cổng cao tường nên Thổ lâu trông giống với các pháo đài.
Vì sao người xưa xây Thổ lâu giữa rừng núi?
Thổ lâu được xây dựng kiên cố với chiều cao có thể tới 12 - 13 m.
Sở dĩ người Khách gia xây dựng Thổ lâu vì nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, Phúc Kiến là tỉnh nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa châu Á. Vì vậy, người Khách gia thường xuyên phải đối mặt với tình trạng lũ lụt và dã thú. Do đó, họ đã tiến hành xây lớp đá cuội nằm ở chân tường cao hơn so với mực nước lũ để ngăn ngừa tường đất bị lũ cuốn trôi. Mặt khác, để ngăn dã thú vào bên trong, người Khách gia đã làm cổng dày 20 cm với chốt cửa thô, dày.
Thổ lâu được xây dựng chắc chắn với thiết kế đặc biệt.
Thứ hai, bên cạnh công năng phòng ngừa dã thú, Thổ lâu còn giúp ngăn ngừa thổ phỉ. Chức năng này thể hiện qua thiết kế cửa sổ của tòa nhà này. Cụ thể, cửa sổ tầng một thường nhỏ hẹp và được gia cố bằng song sắt. Trong khi đó, cửa sổ tầng hai rộng hơn. Tương tự, cửa sổ tầng ba, tầng bốn lại tiếp tục được mở rộng để đón nhiều ánh sáng hơn.
Ngoài ra, để ngăn thổ phỉ đốt cổng gỗ, người Khách gia còn thiết kế các lỗ thông siêu nhỏ để nối với tầng trên của cổng. Như vậy, chỉ cần đổ nước vào cửa lỗ thì sẽ dập được lửa ở cổng.
Rõ ràng, trong hoàn cảnh sinh sống khắc nghiệt, người Khách gia đã khắc phục khó khăn để tạo ra những ngôi nhà độc nhất vô nhị ở vùng rừng núi. Đây quả là điều đáng khâm phục.
Người Khách gia thực chất là ai?
Thổ lâu là công trình nhà ở đặc biệt được người Khách gia xây dựng trong quá trình di cư.
Khách gia có nghĩa là "những người khách" từ nơi khác đến. Vậy, câu hỏi đặt ra rằng người Khách gia vốn ở đâu và vì sao họ lại phải đi "làm khách" ở những vùng đất khác?
Theo đó, thời xưa, những người di cư ở Trung Quốc được gọi là Khách gia. Vào thời Đông Chu, người Khách gia đã phát triển và sinh sống tại nhiều địa phương thuộc lưu vực sông Hoàng Hà. Đến thế kỷ thứ 3, những người Khách gia đã sinh sống tập trung tại hai tỉnh Sơn Tây và Hà Nam (Trung Quốc). Tuy nhiên, do biến loạn nên họ có 5 đợt di cư lớn và dần chuyển dịch xuống miền Trung và cuối cùng sinh sống tại miền Nam Trung Quốc.
Bên trong tòa nhà Thổ lâu của người Khách gia.
Cụ thể, thứ nhất, vào năm 311 thời Tây Tấn, do tỵ nạn Ngũ Hồ chiến loạn, nên người Khách gia bắt đầu di cư xuống miền Nam Trung Quốc. Nơi tập trung nhiều nhất của họ là ở hai tỉnh An Huy và Giang Tây. Đặc biệt, ở Giang Tây, người Khách gia đã tiến hành dung hợp được nền văn hóa cổ của họ ở phương Bắc với nơi đây để hình thành một nét văn đặc thù trong lòng dân tộc Hán.
Thứ hai, cuối thời nhà Đường, vì cuộc nổi loạn của An Lộc Sơn, Sử Tư Minh và Hoàng Sào nên người Khách gia lại tiếp tục di chuyển xuống miền Nam. Đến lúc này, những người Khách gia còn đang sinh sống ở Hà Nam cùng với những người ở An Huy dời về miền Trung và Nam của tỉnh Giang Tây. Trong khi đó, những người còn ở Giang Tây lại chuyển về sinh sống ở vùng đất phía Tây của tỉnh Phúc Kiến.
Người Khách gia di cư đến nhiều nơi ở Trung Quốc và nhiều quốc gia trên thế giới.
Thứ ba, đợt di cư tiếp theo của người Khách gia là vào thời Nam Tống. Cụ thể, do sự xâm nhập của quân Kim và quân Nguyên, nhiều người Khách gia lại tiếp tục tràn xuống miền Nam của tỉnh Phúc Kiến và vùng đất phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh Quảng Đông.
Thứ tư, khi triều đại nhà Thanh được thành lập, người Khách gia lại tiếp tục di cư. Một số trở lại cư trú ở vùng Hồ Nam, Hồ Bắc và Tứ Xuyên. Một số khác lại sang các quốc gia lân cận để sinh sống.
Thứ năm, đây là đợt di cư cuối cùng của người Khách gia, diễn ra vào thời kỳ Đồng Trị Đế của nhà Thanh. Trong lần di cư thứ năm này, nhiều người Khách gia đã lựa chọn phương thức xuất ngoại. Họ lựa chọn đến sống ở nhiều quốc gia ở các châu lục khác nhau. Đây cũng là thời kỳ xuất ngoại lớn nhất của người Khách gia ở Trung Quốc.
Bài viết tham khảo nguồn: Baidu, Sogou, Sohu