Những kẻ bị bỏ lại
Chen Lulu, một công nhân ngoại tỉnh cùng con trai 3 tuổi tới sống và làm việc tại thành phố Thâm Quyến, phía Nam Trung Quốc. Cô biết rõ website bán hàng trực tuyến Pinduoduo là nơi có thể mua được những mặt hàng giá rẻ, từ cuộn giấy vệ sinh trở đi. Ở các siêu thị nơi thủ phủ công nghệ này, những mặt hàng thiết yếu tương tự nằm ngoài khả năng chi trả của Chen vì giá quá đắt đỏ.
Lớn lên từ một ngôi làng nghèo ở tỉnh An Huy, Chen làm việc tại một salon làm móng nhỏ ở trung tâm thành phố từ năm 2015. Mỗi tháng, riêng tiền thuê nhà của cô gái 27 tuổi đã là 3.000 nhân dân tệ, gần như chiếm trọn thu nhập ít ỏi hàng tháng chỉ dao động quanh mức 4.000-5.000 nhân dân tệ.
"Sinh hoạt phí ở Thâm Quyến ngày càng tăng cao nhưng kiếm tiền ngày càng khó", Chen nói.
Một thập kỷ trước, Trung Quốc bước vào giai đoạn bùng nổ internet, và sản sinh ra hàng loạt tỷ phú. Một trong số đó là ông chủ website hàng giá rẻ Pinduoduo, ông Colin Huang. Hiện tài sản của Colin ước tính khoảng 9,89 tỷ USD, phần lớn đến từ những khách hàng nghèo như Chen.
Thế hệ giàu có ít ỏi từ làn sóng bùng nổ internet này lại làm được rất ít để nâng cao đời sống cho những người nghèo ở Trung Quốc. Ngược lại, nhiều người bị mắc kẹt với những triển vọng công việc khắc nghiệt trong một nền kinh tế chậm chạp đang bị đe dọa bởi cuộc chiến thương mại với Mỹ ngày càng leo thang.
Trong trường hợp của Chen, khi tiền thuê nhà tăng gần gấp đôi so với cách đó 3 năm, thu nhập của cô chỉ tăng có vài trăm nhân dân tệ. Một phần nguyên nhân là do các salon làm nail bị buộc phải cạnh tranh ác liệt khi giá dịch vụ ngày càng giảm, bởi khách hàng sử dụng dịch vụ của họ được giảm giá khi đăng ký qua các website.
Hệ số Gini của Trung Quốc chỉ rõ sự mất cân bằng xã hội tại quốc gia này. Hệ số này, đo mức độ giàu có và phân phối thu nhập, từng tăng trưởng mạnh từ năm 2018 đến 2015, nhưng sụt giảm nhanh trông thấy trong hai năm trở lại đây. Nếu hệ số trên 0,4 được cho là dấu hiệu cảnh báo sự mất cân bằng nghiêm trọng, cùng với đó là tăng nguy cơ bất ổn về chính trị xã hội, thì năm ngoái, Cục Thống kê Quốc gia chỉ ra con này ở Trung Quốc chạm mốc 0,467.
Nhiều người cho rằng con số thực còn cao hơn những gì mà Cục Thống kê Quốc gia đưa ra.
Xem xét kỹ các con số, bạn sẽ thấy một bức tranh đáng lo ngại hơn. Số liệu của Trường đại học Bắc Kinh năm 2016 cho thấy, 1% dân số ở top đầu Trung Quốc nắm giữ 1/3 tài sản của đất nước này trong khi đó 25% dân số nghèo nắm chưa tới 1% tài sản.
Trong khi dân đại lục Trung Quốc tiêu hơn 115 tỉ USD trong hơn 130 triệu chuyến du lịch nước ngoài vào năm ngoái thì hơn 300 triệu người tiêu dùng phải đi săn hàng giảm giá ở Pinduoduo.
Những người dân nghèo này đã bị bỏ ra ngoài khỏi cuộc chuyển mình kinh tế nhanh chóng ở Trung Quốc. Và theo các chuyên gia thì cuộc chuyển mình này đa phần chỉ có lợi cho tầng lớp trung lưu.
1% dân số ở top đầu Trung Quốc nắm giữ 1/3 tài sản của đất nước này trong khi đó 25% dân số nghèo nắm chưa tới 1% tài sản.
Hàng hóa giá rẻ, sức người còn rẻ hơn nữa
Sự phát triển nhanh chóng và mạnh mẽ của nền kinh tế Trung Quốc đã giúp hàng triệu người thoát khỏi cảnh nghèo đói nhưng gần đây khi nền kinh tế chuyển từ sản xuất thông thường sang các ngành công nghiệp có giá trị gia tăng thì khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo ngày càng rộng.
Đơn cử như khi được thưởng thì các CEO và kỹ sư ở các công ty được những khoản rất lớn ngược lại những nhân viên giao hàng ở công ty thì chỉ nhận được số tiền thưởng ít ỏi.
"Sự bùng nổ trong ngành dịch vụ dựa trên nền tảng công nghệ ở Trung Quốc được xây dựng nên trên sự khai thác lao động giá rẻ", Ling Minhua, phó giáo sư Trường Đại học Trung Quốc ở Hong Kong cho biết.
Ba công ty giao hàng thực phẩm hàng đầu của Trung Quốc, được hậu thuẫn bởi những người khổng lồ công nghệ như Tencent, Alibaba, Baidu... đã thuê tổng cộng hơn 1 triệu người giao hàng bằng xe máy vào cuối năm 2017. Didi Chuxing, ứng dụng thuê xe lớn nhất Trung Quốc, có hơn 21 triệu lái xe đăng ký sử dụng.
Chen Jihui là một trong những nhân viên giao hàng như vậy. Mỗi ngày Chen rong ruổi 10 tiếng trên chiếc xe máy, giao hàng thực phẩm cho Meituan Dianping, công ty giao thức ăn theo yêu cầu lớn nhất Trung Quốc. Mỗi tháng anh kiếm được 7.000 nhân dân tệ, nhiều hơn số tiền khi anh còn làm công nhân nhà máy, nhưng anh lại không thấy vui.
"Làm công việc giao hàng này áp lực hơn nhiều so với việc làm công nhân. Chúng tôi không được phép muộn phút nào". Chàng thanh niên 21 tuổi cho Nikkei Asian Review biết anh thường xuyên phải vượt đèn đỏ hoặc đi trái đường để đến được nơi giao hàng đúng giờ.
Nếu làm đổ thức ăn trên đường đi hoặc tới muộn, anh sẽ phải trả tiền cho món hàng đó. Nhưng điều khiến anh không hài lòng vì công việc này là Chen không có cơ hội tìm kiếm một công việc có triển vọng hơn bởi công việc giao hàng này không cho anh thêm kỹ năng gì mới nên anh cũng chẳng thể làm được việc gì khác tại công ty.
Andy Xie, một nhà kinh tế độc lập ở Thượng Hải, cựu trưởng nhóm các nhà kinh tế châu Á-Thái Bình Dương của Morgan Stanley cho rằng những dịch vụ dựa trên nền tảng internet chỉ thay đổi dạng thức chứ không cải tiến gì công nghệ lõi.
"Đối với tôi, thanh toán di động về cơ bản không khác biệt so với thanh toán bằng thẻ theo cách truyền thống", ông Andy nói.
Trung Quốc giàu nhất hay Trung Quốc trong cuộc chiến đói nghèo?
Bắc Kinh quyết tâm đánh bại đói nghèo. Năm 2015 Chủ tịch Tập Cận Bình, tuyên bố năm vào năm 2020, Trung Quốc sẽ không còn đói nghèo. Điều đó có nghĩa không người dân Trung quốc sẽ sống với mức thu nhập dưới 2.300 nhân dân tệ/năm. Trong thực tế, vào cuối năm 2017 khoảng 30 triệu người Trung Quốc vẫn sống dưới mức nghèo khổ.
Mục đích của ông Tập Cận Bình như một cú sút xa khi ông xem xét tới nguy cơ thất nghiệp hàng loạt trong lĩnh vực sản xuất khi cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ ngày càng tăng cao. Con số của Bộ Lao động cho hay, vào năm ngoái, hơn 30% trong số 287 triệu người Trung Quốc di cư làm việc trong lĩnh vực xuất khẩu.
Hậu quả của cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ này có thể sẽ gây choáng váng. JPMorgan dự đoán Trung Quốc sẽ mất 700.000 chỗ làm nếu Mỹ áp đặt mức thuế 25% với số lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD của Trung Quốc. Điều này dựa trên giả định rằng Trung Quốc sẽ giảm giá tiền tệ của mình xuống 5% và đánh thuế ngược lại hàng hóa của Mỹ. Số lượng người mất việc làm sẽ tăng thêm 3 triệu người nếu Trung Quốc quyết định không trả đũa.
Li Shi, một giáo sư kinh tế tại Trường Đại học Bắc Kinh cho rằng khoảng cách giàu nghèo giữa thành phố và nông thôn đã thu hẹp lại nhờ số tiền kiếm được của những người di cư. Nếu công nhân không thể tăng thu nhập hoặc mất việc, khoảng cách thành thị - nông thôn càng rộng hơn và hệ số Gini càng tệ hơn.
"Tình huống nguy hiểm nhất là chỉ người có thu nhập cao giàu lên còn thu nhập cho người nghèo thì dậm chân tại chỗ hoặc thậm chí giảm hơn", ông Li nhận xét.
Trong khi đó gói hỗ trợ tài chính 60 tỉ USD của chính phủ Trung quốc cho các nước châu Phi đã dấy lên một làn sóng phản đối dữ dội trên các phương tiện truyền thông vào đầu tháng 9 vừa qua. Những người chỉ trích cho rằng số tiền đó nên chi tiêu trong nước, cải thiện đời sống nhân dân khi nền kinh tế tăng trưởng chậm.
"Trung Quốc thực sự không phải là một đất nước giàu", Willy Lam, một nhà bình luận chính trị và là một giáo sự tại Trường Đại học Trung Quốc ở Hong Kong đưa ra nhận xét. Nhiều người nghèo thấy điều kiện sống của họ ngày càng tệ hơn do chi phí nhà và y tế đắt đỏ.
Bên cạnh những rủi ro xã hội, khoảng cách thu nhập ngày càng rộng sẽ cản trở nỗ lực của Bắc Kinh trong việc xây dựng một nền kinh tế định hướng tiêu dùng khiến Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn trong cuộc chiến thương mại với Mỹ do sự phụ thuộc vào xuất khẩu và đầu tư.
Theo Chen Xingdong, một nhà kinh tế tại BNP Paribas nhiều người tiêu dùng Trung Quốc đã cắt giảm chi tiêu hàng ngày khi thấy nền kinh tế không bền vững. "Vấn đề với Trung Quốc là đa số người dân đang có mức thu nhập thấp. Họ không phải là những người trung lưu (về sức mua)".