Trung Quốc tính kỹ bài toán xóa nợ ở châu Phi

Phạm Nghĩa |

Trung Quốc tuyên bố đã xóa nợ cho 23 nước châu Phi với số tiền khoảng 2,1 tỉ USD.

Dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá châu Phi khiến dòng chảy thương mại và hoạt động kinh tế chưa hồi phục. Ảnh: AP

Dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá châu Phi khiến dòng chảy thương mại và hoạt động kinh tế chưa hồi phục. Ảnh: AP

Khi dịch Covid-19 bắt đầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền kinh tế trên toàn thế giới vào đầu năm ngoái, Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) - bao gồm Trung Quốc - tung ra chương trình cứu trợ nợ để giúp các nước dễ bị tổn thương nhất.

Sáng kiến hoãn nợ (DSSI) ra mắt ngày 1-5-2020 như một chiếc phao cứu sinh tạm thời dành cho hàng chục nước châu Phi. Tổng cộng 5 tỉ USD tiền hỗ trợ được cấp cho 40 nước đủ điều kiện trong khuôn khổ DSSI. Tháng 11 năm ngoái, Trung Quốc xác nhận đã xóa nợ cho 23 nước châu Phi với số tiền khoảng 2,1 tỉ USD.

Dịch Covid-19 tiếp tục tàn phá châu Phi khiến dòng chảy thương mại và hoạt động kinh tế chưa hồi phục. Một số nước từ Angola đến Zambia đang yêu cầu cứu trợ nợ thêm dựa trên thoả thuận khung DSSI mới. Theo đó, nhóm G20 và Trung Quốc sẽ thảo luận để tái cấu trúc các khoản nợ cho 3 nước Angola, Zambia và Ethiopia. Báo South China Morning Post (SCMP) cho biết đây là lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức đàm phán nợ đa phương như vậy.

Trung Quốc là chủ nợ lớn nhất của Ethiopia và Zambia. Bắc Kinh thông báo họ đã ký các thỏa thuận cứu trợ nợ hoặc đạt được sự đồng thuận cứu trợ nợ với 19 nước châu Phi nhưng không nói rõ đó là những nước nào. Giới chức Angola, Kenya và Zambia tuyên bố đã nhận được một số hình thức cứu trợ nợ từ Trung Quốc.

Hồi tháng 6, Bộ trưởng Tài chính Congo nói rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý tái cơ cấu các khoản vay trị giá 2,4 tỉ USD sau khi nhận được yêu cầu từ Tổng thống Congo Denis Sassou Nguesso. Ông Tập còn kêu gọi châu Âu tăng cường hỗ trợ cho châu Phi, giúp châu lục này đối phó với áp lực nợ và phục hồi kinh tế.

Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Lưu Côn hồi năm ngoái tiết lộ Bắc Kinh sẽ khuyến khích Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB) và các chủ nợ thương mại Trung Quốc khác tham gia DSSI. Ông Lưu cũng thúc đẩy các chủ nợ đa phương như Ngân hàng Thế giới (WB) tham gia thỏa thuận của nhóm G20, qua đó hỗ trợ nhiều hơn cho các nước nghèo nhất để giảm bớt gánh nặng nợ nần.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cảnh báo một số nước có thể phải trả nhiều tiền hơn sau khi tái đàm phán nợ với Trung Quốc. Trong một số trường hợp, các ngân hàng Trung Quốc thậm chí sẽ tăng lãi suất đối với các khoản nợ của một nước châu Phi. Chẳng hạn Congo phải trả Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank) sô tiền 1,6 tỉ USD sau khi tái cơ cấu nợ, tăng từ mức 1,3 tỉ USD trước đó.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại