Trung Quốc tính dùng sức mạnh truyền thống để cứu nền kinh tế, các thị trường lo sợ bị "xâm chiếm"

Minh Khôi |

Trung Quốc đang cân nhắc xem có triển khai sức mạnh của mình với tư cách là một nhà xuất khẩu để ổn định nền kinh tế.

Trung Quốc tính dùng sức mạnh truyền thống để cứu nền kinh tế, các thị trường lo sợ bị xâm chiếm - Ảnh 1.

Phương thức truyền thống cứu nền kinh tế

Trung Quốc đang thống trị doanh số bán các tấm pin mặt trời trên toàn cầu và đã bắt kịp Nhật Bản để trở thành nhà xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới. Quốc gia này thậm chí còn đang dẫn đầu toàn cầu về xuất khẩu các sản phẩm công nghệ thấp như giày dép.

Hiện Bắc Kinh đang cân nhắc xem có nên triển khai sức mạnh đáng kể của mình với tư cách là một nhà xuất khẩu để ổn định nền kinh tế đang phải đối mặt với những vấn đề nội tại như cuộc khủng hoảng bất động sản và chi tiêu sụt giảm của người tiêu dùng.

Các nhà kinh tế cho biết kinh nghiệm của các quốc gia có vấn đề về sức chi tiêu của người tiêu dùng cho thấy làn sóng xuất khẩu của Trung Quốc có khả năng sớm xảy ra.

Dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng kinh tế là một công thức đã được thử nghiệm và kiểm chứng đối với Trung Quốc. Và Bắc Kinh có một đòn bẩy mạnh mẽ đối với đồng tiền của mình, khi đồng nhân dân tệ đã giảm khoảng 7% so với đồng đô la kể từ giữa tháng 1.

Điều đó làm cho chi phí tương đối của hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn đối với người mua ở các nước khác.

Brad Setser, cựu nhà hoạch định chính sách kinh tế quốc tế dưới chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama và Joe Biden, hiện đang làm việc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: "Cách thông thường để một quốc gia thoát khỏi tình trạng bất động sản sụt giảm là đẩy mạnh xuất khẩu hàng hoá".

Thái Lan và các quốc gia Đông Nam Á khác đã xuất khẩu để thoát khỏi khó khăn kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 và 1998.

Ireland và Tây Ban Nha cũng làm như vậy sau sự sụp đổ của hệ thống ngân hàng toàn cầu năm 2008 và 2009. Hy Lạp làm điều tương tự sau những rắc rối tài chính của châu Âu trong những năm sau đó.

Tuy nhiên, quyết định này có thể gây tác động mạnh tới nền kinh tế toàn cầu và gây ra phản ứng dữ dội giữa các đối tác thương mại vốn đang chịu sức ép trước hàng xuất khẩu của Trung Quốc.

Eswar Prasad, nhà kinh tế tại Đại học Cornell cho biết: "Việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới dựa vào phần còn lại của thế giới để thúc đẩy tăng trưởng sẽ không phải là một điềm báo tốt cho triển vọng kinh tế toàn cầu".

Lo lắng từ thị trường

Các quan chức hàng đầu của chính phủ Trung Quốc cho biết họ có kế hoạch đầu tư vào việc nâng cấp các ngành công nghiệp và thúc đẩy thương mại trong nước nhiều hơn, chứ không chỉ "xâm chiếm" thị trường nước ngoài với hàng hóa sản xuất như xe điện.

Tuy nhiên, Trung Quốc có thể đối mặt với các phản ứng chính trị tiêu cực từ những quốc gia lo lắng rằng làn sóng xuất khẩu có thể làm xói mòn nền kinh tế của chính họ, khiến người lao động mất việc làm và mất thị phần của các công ty nội địa.

Tại châu Âu, một thị trường trọng điểm của Trung Quốc đối với nhiều loại hàng hóa, các quan chức và lãnh đạo doanh nghiệp đã phát đi tín hiệu rằng họ cảnh giác với thặng dư thương mại ngày càng tăng của Trung Quốc, vốn trước đó đang phải vật lộn để đối phó với làn sóng ô tô Trung Quốc tràn vào.

Trong khi đó, mối quan hệ đối tác chặt chẽ của Trung Quốc với Nga, đã khiến châu Âu báo động về sự phụ thuộc của lục địa này vào Trung Quốc.

Deborah Elms, giám đốc điều hành của Trung tâm Thương mại Châu Á, một công ty tư vấn thương mại tại Singapore, cho biết Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất khẩu sang Đông Nam Á, nơi tiếp tục chế tác những hàng hóa này và gửi chúng đến châu Âu và phương Tây.

Nhưng cũng có một thách thức thực tế đối với Trung Quốc: Thặng dư thương mại của nước này đối với hàng hóa sản xuất quá lớn - theo tính toán của ông Setser, bằng 1/10 toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc - nên khó có thể mở rộng hơn nữa.

Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, Trung Quốc chiếm gần 1/3 sản lượng sản xuất của toàn thế giới.

Tăng trưởng hơn nữa có thể đặc biệt khó khăn hiện nay vì một số thị trường xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc đang có dấu hiệu suy yếu sau khi tăng lãi suất để chống lạm phát.

Zhou Shaopeng, giám đốc bán hàng tại một công ty sản xuất ống nhựa ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc, cho biết nhu cầu đã yếu hơn nhiều so với năm ngoái.

Mặt hàng khả quan mới

Các chuyên gia cho biết, trong khi việc tăng xuất khẩu gây ra rủi ro chính trị, có một lĩnh vực mà Trung Quốc có thể mở rộng doanh số bán hàng ra nước ngoài: công nghệ mới.

Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần xuất khẩu ô tô chỉ trong 2 năm, lên hơn 6 tỷ đô la mỗi tháng, nhờ đầu tư vào xe điện. Giá trị xuất khẩu ô tô của nước này lần đầu tiên vượt qua xuất khẩu điện thoại thông minh vào tháng trước.

Hai thập kỷ đầu tư mạnh vào ô tô điện và những đổi mới khác đang giúp tăng doanh thu và tăng việc làm, như có thể thấy tại các nhà máy ở ngoại ô phía đông Thượng Hải.

Một trong những công ty đó, Kunyi Electronics Technology, chuyên sản xuất các công cụ chuyên dụng cho các nhà nghiên cứu làm việc trên ô tô tự lái, đã đầu tư 45% doanh thu vào năm ngoái vào nghiên cứu và phát triển, Chen Zhongming, giám đốc điều hành của công ty cho biết. Công ty này đã tăng gấp 3 lần đội ngũ lao động trong ba năm qua, lên 450 người.

SinoFuelCell, công ty ở Thượng Hải chuyên sản xuất các hệ thống đẩy chủ yếu dựa trên hydro cho xe tải chở hàng, đã tập trung vào việc giảm chi phí để làm cho pin nhiên liệu cạnh tranh hơn với động cơ đốt trong.

Năng lượng xanh là một lĩnh vực khác mà Trung Quốc đang phát triển mạnh. Xuất khẩu tấm pin mặt trời của nước này đã tăng gấp ba lần trong ba năm qua, lên gần 5 tỷ USD mỗi tháng.

Yan Qin, nhà phân tích năng lượng tại London Stock Exchange Group, cho biết mặc dù các quốc gia ở Liên minh châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác đang tăng cường sản xuất, nhưng xuất khẩu của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục tăng.

Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang đổ tiền vào các khoản đầu tư, bao gồm mạng lưới đường bộ, đường sắt cũng như rất nhiều nhà máy.

"Đầu tư tạo ra việc làm", ông Zhan Yubo - giám đốc Phòng nghiên cứu kinh tế phương Tây thuộc Viện Khoa học Xã hội Thượng Hải, cơ quan cố vấn của chính phủ Trung Quốc - khẳng định.

"Việc làm tạo ra thu nhập và tiền lương, thu nhập và tiền lương sẽ tạo ra tiêu dùng."

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại