Theo Nhân dân nhật báo (Trung Quốc), tháng 12/1949, Mao Trạch Đông lên đường sang Liên Xô tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật 70 của lãnh tụ Liên Xô Joseph Stalin. Khoảng thời gian này, đặc vụ của Mỹ và Tưởng Giới Thạch cử đi ám sát Mao Trạch Đông cũng nỗ lực tìm cách tiếp cận nhà lãnh đạo Trung Quốc.
Cụ thể, đầu tháng 12/1949, thông tin Mao Trạch Đông dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang thăm Liên Xô vừa được công bố chưa đầy hai giờ đồng hồ, điệp viên của Quốc dân đảng tại Bắc Kinh đã lập tức đánh điện báo bằng mật mã gửi về Đài Loan.
Tuy nhiên, bức điện báo này đã nhanh chóng bị cơ quan phản gián của Bộ Công an Trung Quốc khi đó thu giữ. Một chuyên án được thành lập ngay sau đó nhằm ngăn chặn kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông.
Lĩnh hội manh mối từ trong sách
Mao Trạch Đông trên đường thăm Liên Xô năm 1949. Ảnh: 360doc
Tào Thuần Chi là một trinh sát dày dặn kinh nghiệm được cử tham gia vụ án này. Trước khi đi ngủ, Tào thường có thói quen đọc sách. Tối đó, Tào thuận tay rút ra cuốn sách Kinh tế chính trị học từ giá sách đầu giường.
Ông bất ngờ nghĩ rằng, làm đặc vụ, nhất định phải dùng đến sinh hoạt phí. Quốc dân đảng khi đó đương nhiên không thể trực tiếp gửi tiền cho họ nên sẽ thông qua các địa điểm khác như Hồng Kông để chuyển khoản.
Tào liền bật dậy, vội vã chạy sang gõ cửa phòng đội phó đội trinh sát Thành Nhuận Chi ở kế bên và giục giã: "Mau gọi các đồng chí khác dậy, lập tực phân chia nhiệm vụ, tối nay cần hành động ngay. Chúng ta cần bí mật điều tra tất cả các ngân hàng, bưu điện ở Bắc Kinh".
Tuy nhiên, cuộc điều tra trên không phát hiện ra bất cứ cá nhân, tổ chức nào khả nghi khiến Tào vô cùng thất vọng. Kết quả sau đó vẫn được báo lên cấp trên là Dương Kỳ Thanh. Dương sau khi nghe xong sự việc đã chỉ thị cho Tào đến Thiên Tân. Bởi ông cho rằng, để tránh bị lộ, Quốc dân đảng có thể gửi tiền đến Thiên Tân.
Quả nhiên, nhóm của Tào sau đó phát hiện, qua ngân hàng ở Thiên Tân, một tài khoản từ Hồng Kông đã gửi cho cô gái mang tên Kế Thái Nam làm việc tại Công ty thương mại Tân Kiều, Bắc KInh 1.500 đô la Hồng Kông. Cô gái hiện có 2.500 đô la Hồng Kông trong tài khoản.
Về đến Bắc Kinh, Tào Thuần Chi tìm gặp Thành Nhuận Chi. Sau hồi suy nghĩ, Thành quyết định cử Phùng Thiết Hùng thâm nhập vào công ty Tân Kiều để tìm ra người đứng sau Kế Thái Nam.
Mấy ngày sau, Phùng Thiết Hùng thông qua các mối quan hệ ở Bắc Kinh, nhanh chóng trở thành đại cổ đông của công ty Tân Kiều và nắm giữ vị trí Thư ký đối ngoại của công ty.
Sau ngày đầu tiên đi làm, Phùng Thiết Hùng đã điều tra ra thân phận và các mối quan hệ của Kế Thái Nam, phát hiện cô gái này có quan hệ tình cảm với đại cổ đông khác là Lý Siêu Sơn.
Nhận được báo cáo, ngày thứ hai, Tào Thuần Chi đóng giả là Chủ tịch hội đồng quản trị một công ty tại Bắc Kinh, cùng Phùng Thiết Hùng đến thẳng tư dinh của Lý Siêu Sơn.
Tại nhà họ Lý, Tào bất ngờ phát hiện ra số điện thoại của em trai Kế Thái Nam - Kế Húc (tên thật là Kế Diệu Tường - điệp viên của Quốc dân đảng) và bức điện với thông tin, gặp nhau tại nhà hàng Y Lan Bắc Hải 10 giờ sáng hôm sau.
Sáng sớm trước buổi hẹn, Dương Kỳ Thanh gọi Tào Thuần Chi đến nhà riêng, tiết lộ thêm thông tin về hai chị em Kế Thái Nam cũng như việc Quốc dân đảng đang cố gắng phá hỏng chuyến thăm Liên Xô của Mao Trạch Đông.
Tào ngay lập tức cử điệp viên bí mật theo dõi mọi động tĩnh chị em họ Kế.
Mao Trạch Đông và đoàn lãnh đạo Liên Xô. Ảnh: Sina
Kế hoạch ám sát Mao của Mỹ-Tưởng bị vỡ lở
Trưa 6/12, Mao Trạch Đông và đoàn đại biểu Trung Quốc bắt đầu lên đường sang Liên Xô. Lúc này, đặc vụ của Quốc dân đảng là Mao Nhân Phụng và cố vấn Mỹ tại Đài Loan được biết dưới tên Bright cũng đồng thời tiến hành hoạt động ám sát Mao nhằm phục vụ cho kế hoạch phản công đại lục của Tưởng Giới Thạch.
Biết được chuyến tàu của Mao đã khởi hành, Cố vấn Mỹ liền nói: "Đây là cơ hội tốt nhất để ám sát Mao Trạch Đông. Chiến tranh Triều Tiên đang bùng phát dữ dội nên chuyến thăm Liên Xô này của Mao đều không có lợi cho Mỹ, Đài Loan và chiến tranh Triều Tiên".
Theo báo đảng Trung Quốc, khi đó, Bright đã lập tức yêu cầu phía Mao Nhân Phụng phải tiến hành ám sát thành công Mao Trạch Đông.
Mao Nhân Phụng ra chỉ thị yêu cầu các điệp viên đang hoạt động tại đại lục đến đúng địa điểm chỉ định. Theo đó, ngoài việc phá hỏng tuyến đường sắt số 14 Trường Thanh, nhóm này cần đặt mìn dưới trạm tàu Cáp Nhĩ Tân. Đồng thời, theo dõi chặt chẽ thời gian và lịch trình làm việc tại Liên Xô cũng như về nước của Mao.
Lại nói về nhóm của Tào Thuần Chi, qua quá trình theo dõi và điều tra, nhóm của Tào đã thu thập đủ chứng cứ và xin lệnh bắt Kế Húc.
Ngày 18/2/1950, Thành Nhuận Chi, Tào Thuần Chi dẫn người đến nhà riêng của Kế Húc, thực hiện lệnh bắt.
Tại nhà của Kế, nhóm Tào phát hiện vật khả nghi từ bức tranh mẫu đơn lớn được gắn trên trần nhà. Phá tranh, thu được một chiếc đài catse, một khẩu súng lục do Mỹ chế tạo và một quyển sách ghi các mật mã.
Dù Kế Húc bị bắt nhưng Mao Nhân Phụng vẫn quyết định tiến hành kế hoạch tiếp theo.
Một ngày tháng 2, chiếc máy bay không số hiệu bay vài vòng quanh khu rừng già gần Cáp Nhĩ Tân. Một lúc sau, "hai bóng đen" nhảy dù từ máy bay xuống cùng một địa điểm cạnh khu rừng.
Hình ảnh được cho là nhóm Giải phóng quân Trung Quốc bắt giữ Trương Đại Bình và Vu Quán Quần. (Ảnh: Sina)
Lúc này, nhóm trinh sát của Thành Nhuận Chi đã bao vây phục kích sẵn trong khu rừng già nên nhanh chóng tóm gọn "hai bóng đen" vừa nhảy dù xuống.
Hóa ra, "hai bóng đen" này là Trương Đại Bình và Vu Quán Quần, đều là thân tín của Mao Nhân Phụng được cử đến Cáp Nhĩ Tân để chi viện cho đội điệp viên Đông Bắc của Tưởng Giới Thạch. Theo kế hoạch, hai nhóm sẽ gặp nhau tại khách sạn Tùng Hoa Giang ở Cáp Nhĩ Tân.
Ngày hôm sau, Thành Nhuận Chi được hóa trang thành Trương Đại Bình đến khách sạn Tùng Hoa Giang gặp nhóm điệp viên Đông Bắc để "thảo luận kế hoạch".
Do hai bên chưa từng gặp mặt, nhóm điệp viên Đông Bắc không mảy may nghi ngờ việc Thành Nhuận Chi đóng giả làm người của Quốc dân đảng.
"Theo chỉ thị, chuyến tàu của Mao Trạch Đông 8 giờ sáng mai sẽ về đến Cáp Nhĩ Tân. Chúng tôi đã triển khai ba hướng hành động ở Mãn Châu Lý, Cáp Nhĩ Tân và Trường Xuân.
Một nhóm tấn công trực diện, một nhóm tấn công phía sau, chặn đường lui, một nhóm khác ngăn chặn quân tiếp viện từ Bắc Kinh. Sau khi thành công sẽ tỏa về khu núi Trường Bạch, xây dựng các căn cứ vũ trang du kích. Chỉ đợi Thế chiến thứ ba nổ ra sẽ nghênh đón quân đội từ Đài Loan", Tư lệnh Mã Nại - người đứng đầu nhóm điệp viên Đông Bắc tiết lộ.
Mãi Nại tiết lộ thêm, nhóm này còn gài mìn trên tuyến đường sắt ở ngoại ô Cáp Nhĩ Tân nhằm hủy nát chuyến tàu chở Mao Trạch Đông. Sau cùng, Mã Nại giao cho Thành Nhuận Chi một bảng danh sách các thành viên nhóm điệp viên Đông Bắc lên tới 170 người.
"Mã Tư lệnh, đồng chí không phải muốn nhận được giấy ủy nhiệm sao? Tôi sẽ giao nó ngay cho đồng chí", Thành Nhuận Chi mỉm cười, kêu người đưa công văn cho Mã.
Mã Nại mặt biến sắc khi cầm trên tay không phải là giấy ủy nhiệm mà là lệnh bắt giữ. Lúc này, Thành Nhuận Chi mới từ từ bỏ kính đen và tháo râu giả trước mặt Mã.
Kế hoạch ám sát Mao Trạch Đông của Mỹ - Tưởng do đó bị hủy bỏ, tất cả 170 điệp viên trong bảng danh sách trên đều bị bắt. Ba ngày sau, Mao Trạch Đông thuận lợi về đến Bắc Kinh.