Vào giữa tháng 10/2022, truyền hình nhà nước Trung Quốc thông báo rằng quân đội nước này sẽ sớm giới thiệu xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT) thế hệ thứ tư. Tin tức ít nhiều trùng hợp với thời điểm Mỹ công bố chiếc AbramsX.
Bởi vì không có thông tin về đặc điểm của phương tiện tác chiến mới nên giới phân tích chỉ có thể nhận định ít nhiều. Theo họ, kíp chiến đấu của chiến xa chỉ cần 2 người. MBT tương lai của Trung Quốc được cho là sử dụng hệ thống điều khiển lấy mạng chiến trường làm trung tâm.
Điều này có nghĩa là tất cả thông tin thu thập sẽ được truyền ngay đến kíp chiến đấu, ví dụ như vị trí của kẻ thù, tình hình thực tế, vũ khí đối phương đang sử dụng, lời khuyên về loại đạn cần thiết...
Giới quan sát cũng cho rằng xe tăng mới của Trung Quốc sẽ được trang bị hệ thống trao đổi dữ liệu tiên tiến nhất, kết hợp với hệ thống quản lý lấy mạng chiến trường làm trung tâm, chúng nhận kỳ vọng sẽ tăng cường đáng kể năng lực chiến đấu. Kíp điều khiển sẽ nhận dữ liệu nhanh hơn nhiều, do đó họ có thể tấn công chính xác hơn.
Không có thông tin về động cơ, hệ thống truyền động, khung gầm, vỏ giáp hoặc vũ khí chính và phụ của xe tăng mới. Tuy vậy nếu các cuộc thử nghiệm đã bắt đầu thì việc đưa vào sản xuất hàng loạt sẽ diễn ra vào năm tới hoặc cuối năm nay. Nếu điều này xảy ra, Bắc Kinh sẽ có được lợi thế khá lớn trong việc phát triển năng lực trên bộ của mình.
Quân đội Trung Quốc hiện chủ yếu sử dụng xe tăng Type 99 và Type 96. Loại thứ nhất được coi là tương đương với M1 Abrams của Mỹ và Leopard 2 của Đức, trong khi loại thứ hai ngang hàng T-80 của Nga.
Biến thể Type 99A được coi là tiên tiến nhất trong Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA). Bắc Kinh đã sản xuất 650 chiếc và chúng chính thức đi vào hoạt động từ năm 2011.
Trên thực tế, đây là chiếc xe tăng được phát triển cuối cùng của PLA. Trung Quốc hiện có khoảng 550 xe tăng Type 99 và 2.500 chiếc Type 96.
Xe tăng thế hệ mới của Trung Quốc sẽ mạnh hơn đáng kể so với Type 96/99.
Hiện có 3 xe tăng thế hệ thứ tư đang được sản xuất trên thế giới, dẫn đầu là T-14 Armata của Nga. Tuy nhiên Moskva ngay cả trước khi bắt đầu cuộc chiến với Ukraine đã gặp vấn đề về tài chính khi thực hiện dự án.
Cho đến nay, các nguồn tin cho rằng chỉ có 20 - 25 chiếc T-14 xuất xưởng. Cuộc chiến Ukraine sẽ hút năng lực tài chính của Liên bang Nga vào việc sản xuất các thiết bị quân sự hiện có, chẳng hạn như xe tăng T-90, thay vì tiếp tục phát triển hoặc chế tạo Armata.
Nhật Bản cũng thúc đẩy quá trình phát triển xe tăng thế hệ thứ tư. Đó là chiếc Type 10 được đưa vào sản xuất hàng loạt cách đây gần 10 năm và đã có hơn 100 chiếc xuất xưởng.
K2 Black Panther của Hàn Quốc cũng được phân loại là xe tăng thế hệ thứ 4 và tính đến nay đã có 260 chiếc được sản xuất. Con số sẽ tăng mạnh trong những năm tới, khi Ba Lan cuối năm 2022 đã quyết định mua 1.000 chiếc K2.
Tám mẫu xe tăng thế hệ thứ tư khác hiện đang được phát triển trên khắp thế giới. Một số đã thu được tiến bộ trong quá trình nghiên cứu, số khác vẫn chưa bắt kịp. Bên cạnh đó, nhiều nước sẽ nâng cấp xe tăng thế hệ thứ ba của họ lên cấp độ tiếp theo.
Đầu tiên, M2020 được cho là xe tăng thế hệ thứ 4 của Triều Tiên nhưng chưa có thông tin xác thực về nó, dẫn tới nhận xét đây chỉ "đòn gió" của Bình Nhưỡng.
Pháp đang tham gia vào hai dự án rất đáng chú ý - sản xuất hoặc nâng cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leclerc lên cấp độ XLR, và dự án Hệ thống Chiến đấu Mặt đất Chủ đạo, đây là chương trình hợp tác với Đức và Ý. Theo kế hoạch, vào năm 2035, các xe tăng loại này sẽ được đưa vào sử dụng.
Không thể bỏ qua xe tăng AbramsX vừa được Mỹ giới thiệu, nó sẽ mạnh hơn đáng kể so với M1A2C hiện nay.
Anh sẽ đặt cược vào chiếc Challenger của mình, dự kiến phiên bản Challenger 3 sẽ ra mắt vào khoảng năm 2027. Giới phân tích cho rằng xe tăng này sẽ có tháp pháo mới với phần thân được cải tiến, pháo chính nòng xoắn L30A1 120 mm sẽ được thay thế bằng pháo nòng trơn Rheinmetall L55A1 120 mm tiêu chuẩn NATO.
Đức đã chọn xe tăng thế hệ thứ tư của mình là Panther KF51, chính thức ra mắt vào năm ngoái và hiện đang được phát triển thêm với các thử nghiệm sắp tới.
Ngoài ra Thổ Nhĩ Kỳ cuối cùng sẽ nhận được xe tăng chiến đấu chủ lực nội địa thế hệ thứ tư. Altay là một dự án được chờ đợi từ lâu của Ankara, nó dựa trên nguyên mẫu K2 Black Panther của Hàn Quốc.
Ban đầu, Ankara dự định tiến hành sản xuất trong năm nay hoặc năm sau nhưng gần đây họ thông báo rằng năm 2025 là thời điểm xe tăng đi vào dây chuyền sản xuất hàng loạt.
Và chiếc xe tăng thế hệ thứ tư cuối cùng sẽ đến từ Ấn Độ. FMBT hay Arjun là xe tăng thế hệ thứ ba phục vụ trong Quân đội Ấn Độ. Tuy nhiên đến năm 2025, New Delhi có kế hoạch nâng cấp nó lên tiêu chuẩn thế hệ thứ tư.
Theo Bulgarian Military