Trung Quốc tham vọng trở thành "cường quốc hàng không toàn cầu"

Thiên Minh |

Có vẻ Trung Quốc đang coi việc phát triển máy bay cỡ lớn là một bước đi cần thiết để tăng cường vị thế quốc tế.

Giới lãnh đạo Trung Quốc coi việc đầu tư vào năng lực hàng không nội địa (cả trong lĩnh vực dân sự và quân sự) là một trong những ưu tiên hàng đầu của đất nước, với hy vọng rằng điều này sẽ giúp Bắc Kinh cải thiện ngành công nghiệp sản xuất, tăng cường đổi mới và nâng cao năng lực quốc phòng.

Geng Ruguang, Phó Giám đốc điều hành Tập đoàn Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (AVIC) đã mô tả ngành công nghiệp hàng không nước này là ngành sản xuất "đáng giá nhất" và khẳng định Trung Quốc có tiềm năng trở thành "cường quốc hàng không toàn cầu".

AVIC là doanh nghiệp quốc phòng và hàng không vũ trụ hàng đầu của Trung Quốc "đứng sau" một số dự án lớn nhất của nước này như thủy phi cơ TA-600, máy bay vận tải Y-20 và máy bay dân dụng Comac C919.

Trung Quốc tham vọng trở thành cường quốc hàng không toàn cầu - Ảnh 1.

Một phần thân của thủy phi cơ TA-600 (hay AG-600).

TA-600, hay AG-600, được cho là thủy phi cơ lớn nhất trên thế giới và dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên vào cuối năm nay. TA-600 được thiết kế để hỗ trợ công tác chữa cháy rừng và thực hiện các nhiệm vụ cứu hộ trên biển.

Năm ngoái, Trung Quốc đã ra mắt mẫu máy bay chở khách Comac C919 để cạnh tranh với các hãng Airbus và Boeing. Mẫu máy bay này sẽ thực hiện chuyến bay đầu tiên trong năm tới và trải qua các cuộc thử nghiệm bay trong 3 năm tiếp theo.

Trung Quốc tham vọng trở thành cường quốc hàng không toàn cầu - Ảnh 2.

Máy bay chở khách Comac C919.

Trong khi đó, máy bay vận tải cỡ lớn Tây An Y-20 đã được Không quân Trung Quốc (PLAAF) đưa vào biên chế từ ngày 6/7/2016 (Tây An là công ty con của AVIC).

Có vẻ Trung Quốc đang coi việc phát triển máy bay cỡ lớn là một bước đi cần thiết để tăng cường vị thế quốc tế.

Bên cạnh đó, nước này còn nỗ lực sản xuất động cơ nội địa. Hôm 28/8, Bắc Kinh đã thành lập Tập đoàn Động cơ Hàng không Trung Quốc (AECC), có nhiệm vụ phát triển "trái tim" (tức "động cơ", theo cách gọi hình tượng của Trung Quốc) cho các chiến đấu cơ nội địa.

AECC dự kiến sẽ ra mắt một số mẫu động cơ trong Triển lãm Hàng không Vũ trụ Quốc tế sắp tới (từ 1/11-6/11) tại Châu Hải, Quảng Đông. Tuy nhiên, một số ý kiến vẫn nghi ngờ khả năng Trung Quốc có thể nhanh chóng thu hẹp khoảng cách công nghệ với các đối thủ nước ngoài như Nga, Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại