Theo bài đăng trên phiên bản điện tử của tờ Nhân dân Nhật báo (Trung Quốc) ngày 17/10, lúa khổng lồ mới có sản lượng nhiều hơn 50% so với những loại lúa thường.
Những cây lúa khổng lồ cao gần 2 m.
Tân Hoa Xã đưa tin đội ngũ các nhà nghiên cứu tại Viện Nông nghiệp Cận Nhiệt đới thuộc Viện Hàn lâm Trung Quốc đã trồng và thu hoạch lúa khổng lồ trên các cánh đồng thí nghiệm.
Họ đã dành 10 năm để nuôi cấy loại lúa mới này và đến ngày 16/10 chính thức công bố thành quả nghiên cứu của mình.
Giống lúa mới đạt chiều cao trung bình 1,8m trong khi một số cây thậm chí vươn tới 2m. Chúng được trồng thử nghiệm tại tỉnh Hồ Nam ở miền Trung nước này.
Nhà nghiên cứu Xia Xinjie tham gia dự án này cho biết sản lượng của lúa khổng lồ có thể vượt mức 11,5 tấn/ha. Ông Xia bổ sung rằng các nhà nghiên cứu đã thu được hơn 500 hạt gạo từ một bông lúa.
Các nhà nghiên cứu Trung Quốc đã sử dụng hàng loạt công nghệ mới để trồng cấy loại lúa khổng lồ này, trong đó bao gồm biện pháp đột biến quy nạp và lai giống giữa các cây lúa mọc hoang dã.
Trung Quốc hiện đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực ngành nông nghiệp trong khi dân số đang tăng dần do vậy lúa khổng lồ được coi là giải pháp cần thiết.
Trong cuộc trả lời tờ Nhân dân Nhật báo vào tháng 9, nhà khoa học nông nghiệp Yuan Longping (87 tuổi) từng nói: “So với năm 1995, đến năm 2030 số gạo cần sản xuất sẽ tăng thêm 60%”.
“Hiện tại, một hecta lúa cung cấp đủ nhu cầu lương thực của 27 người. Nhưng đến năm 2050, một hecta sẽ đáp ứng được cho 43 người”, ông Yuan đánh giá.
Người dân thu hoạch lúa lai Xiangliangyou 900.
Trong tháng 9, ông Yuan Longping công bố nhóm nghiên cứu của ông đã gặt hái thành công trong việc cấy trồng loại “lúa biển” có thể trồng được trên đất mặn kiềm.
Trung Quốc có tới 100 triệu hecta đất mặt kiềm, nhưng trong số này chỉ có 18,7 triệu hecta có thể được sử dụng để trồng lúa. Do vậy giống "lúa biển" đã trở thành lời giải cho bài toán tận dụng đất trồng lúa.
Trong tháng 10, ông Yuan đồng thời công bố về loại lúa lai mới có sản lượng ấn tượng. Loại lúa này có tên Xiangliangyou 900, được trồng thử nghiệm tại Hàm Đan tỉnh Hà Bắc. Sản lượng thu hoạch giống lúa Xiangliangyou 900 trong ngày 15/10 đạt mức trung bình 17,2 tấn/ha.
Theo Bloomberg (Mỹ), tổng lượng ngũ cốc dự trữ của Trung Quốc trong năm 2016 ước tính được hơn 600 triệu tấn, đủ cho nước này tiêu thụ trong hơn một năm. Tuy nhiên một nửa trong số này là ngô, loại lương thực chính phủ Trung Quốc đang cố bán trước khi chúng bị hỏng.
Theo đánh giá của Tổ chức nông lương Liên hợp quốc (FAO), trong khoảng thời gian từ 1997 đến 2008, Trung Quốc đã mất 6,2% đất nông nghiệp.
Trong khi đó, chính quyền địa phương tại nước này lại đang lấn thêm nhiều đất nông nghiệp để dành cho phát triển bất động sản nhiều lợi nhuận. Bộ Nông nghiệp Trung Quốc chưa phản hồi câu hỏi của Bloomberg liên quan tới vấn đề này.