Việc Anh rời liên minh châu Âu EU (Brexit) đã tạo ra nhiều "kẻ thất bại": Thủ tướng Anh David Cameron, ngành công nghiệp tài chính London, đồng bảng Anh, sự gắn kết của châu Âu.
Tuy nhiên, nhà báo Michael Schuman của tờ Bloomberg đánh giá: "Trong số tất cả các thị trường đang bị xáo trộn và bất ổn sẽ nổi lên ít nhất một kẻ thắng lớn - Đó là Trung Quốc..
Về ngắn hạn, nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn của Trung Quốc có thể hứng chịu "đòn" nặng từ sự bất ổn ở EU - đối tác thương mại lớn thứ hai của nước này.
Ngay cả khi là một châu Âu toàn vẹn - với gánh nặng do khủng hoảng nợ, chi phí cao, quan liêu hống hách và trong một vài trường hợp, là cạnh tranh lẫn nhau, EU đã trả qua giai đoạn khó khăn khi phải ganh đua với Trung Quốc. Giờ đây, khi đã rạn nứt, vai trò đối trọng của EU trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trên trường thế giới bị suy giảm là điều không thể tránh khỏi.
Ông Schuman chỉ ra, một mục tiêu quan trọng của việc hợp nhất các quốc gia châu Âu làm một khối là nhằm tăng cường ảnh hưởng của khu vực trong nền kinh tế toàn cầu.
Các quốc gia ở châu Âu hiểu rằng, họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn nếu tạo lập được một thị trường chung, với các thể chế chung và thậm chí là một đồng tiền chung, hơn là cố gắn cạnh tranh với nhau. Châu Âu hi vọng có thể từ một nhóm các quốc gia giàu có nhưng có nhiều bất đồng, trở thành một khối kinh tế khổng lồ, có thể sánh ngang với Mỹ và gần đây là Trung Quốc.
Thế nhưng, "chủ nghĩa dân tộc dai dẳng đã nhiều lần giới hạn khả năng tạo ra một mặt trận chung về cả chính trị và địa thương mại. Thất bại này thể hiện rõ ràng nhất là trong quan hệ giữa châu Âu với Trung Quốc".
Theo nhà báo của Bloomberg, thay vì sử dụng sức mạnh lớn của mình để buộc Bắc Kinh mở cửa thị trường nước này và "chơi" một cách công bằng, thì các quốc gia châu Âu lại thường xuyên lãng phí lợi thế của mình bằng cách cạnh tranh với nhau để giành được sự đầu tư và ưu đãi của Trung Quốc.
Ông Schuman dẫn chứng, không lâu sau khi Thủ tướng Anh David Cameron tới Bắc Kinh gặp gỡ nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm ngoái, Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng xuất hiện ở quốc gia này, tìm kiếm các thỏa thuận kinh doanh của riêng quốc gia bà.
Và vì thế, "các cơ hội để Trung Quốc chia rẽ và chính phục thị trường này... sẽ ngày càng tăng lên khi mà nền kinh tế lớn thứ hai châu Âu tìm lối đi riêng cho mình".
Ông Schuman cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi nhẽ ra, về chính trị, một EU thống nhất đã có thể cùng nhau xem xét một cách nghiêm túc hành động ngày càng quyết liệt của Trung Quốc, "thách thức các lý tưởng và thể chế của phương Tây".
Thế nhưng, thay vào đó, hồi năm ngoái, khi Mỹ bày tỏ lo ngại về kế hoạch của Trung Quốc nhằm tạo ra một đối thủ của Ngân hàng Thế giới, người châu Âu đã "dẫm lên nhau" để đăng ký, làm suy yếu mọi hi vọng buộc giới lãnh đạo châu Âu phải nhượng bộ.
Schuman nhận định: "Bằng cách chọn ra đi, các cử tri Anh, thật không may, đã cho thấy cái nhìn thiển cận về cách thế giới thay đổi và sự khó khăn mà một quốc gia với tham vọng toàn cầu phải tự "bơi" một mình.
Với Brexit, cả Anh và châu Âu đều đang mất nhiều hơn chỉ là mối quan hệ đối tác. Họ đang mất đi cơ hội tốt nhất để gắn mình vào một trật tự thế giới đang thay đổi rất nhiều".