Mỹ là nước có lực lượng quân sự hùng mạnh nhất thế giới nhưng Trung Quốc cũng chẳng thua kém bao xa. Nếu giữa hai quốc gia này xảy ra chiến tranh, chắc chắn hậu quả mà nó tác động đến thế giới sẽ thật khủng khiếp.
Cả hai đều là những cường quốc hạt nhân, và theo đánh giá thường niên của Global Firepower, Mỹ xếp vị trí số 1 còn Trung Quốc xếp số 3 trong bảng xếp hạng những quân đội mạnh nhất toàn cầu.
Không có dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc và Mỹ sẽ đi đến chiến tranh trong tương lai gần, mặc dù kịch bản này vẫn là chủ đề thường xuyên được đem ra thảo luận giữa các học giả và chuyên gia về chính sách đối ngoại.
Một số nhà phân tích quân sự đánh giá, xác suất xảy ra một cuộc xung đột như vậy sẽ lớn hơn nếu Mỹ tiến hành các hoạt động quân sự chống Triều Tiên, một trong những nước láng giềng và đồng minh thân cận nhất của Bắc Kinh.
Nói như vậy để thấy rằng, bất cứ một phỏng đoán nào về chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc cũng chỉ thuần túy mang tính giả định.
Tuy nhiên, theo Tạp chí Newsweek, nếu xảy ra một cuộc chiến thực sự giữa Mỹ và Trung Quốc thì những vũ khí sau đây rất có thể sẽ được Bắc Kinh đem ra sử dụng.
Tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-5
Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) DF-5 được trang bị đầu đạn hạt nhân có tầm bắn xa nhất so với tất cả các tên lửa hiện có trong kho vũ khí của Trung Quốc.
Tầm bắn của DF-5 ước đạt 12.000 km, khiến nó đủ khả năng tấn công tất cả các mục tiêu trên khắp nước Mỹ cũng như Tây Âu.
Các tên lửa DF-5B được Trung Quốc giới thiệu trong cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 3/9/2015
ICBM di động DF-31AG
Trung Quốc lần đầu tiết lộ DF-31AG, ICBM có khả năng mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân trong cuộc duyệt binh kỷ niệm 90 năm ngày thành lập quân đội.
DF-31AG được gắn trên xe chuyên dụng, có thể hoạt động trên mọi địa hình nên khả năng cơ động rất cao. Tên lửa này được cho là có tầm bắn khoảng 11.000 km, tức có thể đưa toàn bộ nước Mỹ lục địa vào tầm ngắm.
DF-31AG hiện được xem là một trong những loại ICBM chết người nhất thế giới
Tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26
DF-26 có thể được trang bị các đầu đạn hạt nhân và đạt tầm bắn khoảng 4.000 km. DF-26 được gọi bằng biệt danh "Sát thủ diệt Guam" (Guam Killer) bởi nó có thể dễ dàng tấn công vùng lãnh thổ này của Mỹ nếu phóng đi từ Trung Quốc lục địa.
"Sát thủ diệt Guam" DF-26 của Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo siêu âm DF-17
DF-17, tên lửa đạn đạo siêu âm mới của Trung Quốc có khả năng đạt vận tốc lên tới 12.000 km/h. Trung Quốc được cho là đã 2 lần phóng thử tên lửa này vào tháng 11/2017, bay ở khoảng cách 1.400 km và xuyên qua bầu khí quyển Trái Đất với vận tốc nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh.
DF-17 được thiết kế để bay với tốc độ nhanh và ở trần bay thấp nhằm tránh sự phát hiện của hệ thống phòng không đối phương. Các tổ hợp phòng thủ tên lửa của Mỹ có thể sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc xác định vị trí và đánh chặn DF-17.
Theo Tạp chí The Diplomat, tên lửa này có thể mang theo đầu đạn hạt nhân và đạt tầm bắn tối đa khoảng 2.400 km.
Đầu đạn phóng trượt siêu âm (HGV) của tên lửa DF-17
Theo một báo cáo của Quân đội Mỹ, JL-2A là tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm được trang bị đầu đạn hạt nhân và có tầm bắn ước đạt 7.200 km.
Trung Quốc hiện đang triển khai 4 tàu ngầm phóng tên lửa đạn đạo hạt nhân lớp Jin, mỗi chiếc trang bị 12 quả tên lửa JL-2A.
Quân đội Trung Quốc diễn tập phóng tên lửa