Việc trang mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook có kế hoạch phát hành đồng tiền ảo Libra đang buộc Trung Quốc phải có động thái đối phó với thực trạng bùng nổ công nghệ Blockchain cũng như tiền ảo.
Trong quá khứ, chính quyền Bắc Kinh đã từng cấm những đồng tiền ảo như Bitcoin, coi đó là mối nguy hiểm cho sự ổn định của hệ thống tài chính. Trung Quốc cũng đã cố gắng phát triển một đồng tiền ảo của riêng họ nhưng không thành công.
Bởi vậy đồng Libra được dự kiến sẽ phát hành vào năm 2020 đang tạo áp lực cực lớn cho Trung Quốc khi chúng sẽ ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá, hệ thống thanh toán và tài chính truyền thống.
Mặc dù Facebook vẫn bị cấm ở Trung Quốc nhưng người dân vẫn có những ứng dụng vượt tường lửa để truy cập trang mạng xã hội này dễ dàng. Dẫu vậy Facebook vẫn không phổ biến tại đây bằng các trang mạng xã hội nội địa lâu đời như Weibo, QQ…
Ngân hàng nhân dân Trung Quốc (PBOC)
Bất chấp điều đó, tình hình có thể thay đổi khi Facebook có khả năng giúp người Trung Quốc chuyển tiền ra nước ngoài dễ dàng, giải quyết được tình trạng kiểm soát chặt dòng vốn hiện nay cũng như căng thẳng thương mại Mỹ-Trung ngày một tăng.
Đồng Libra của Facebook được 2 hãng phát hành thẻ tín dụng lớn của thế giới là Visa và Master bảo lãnh, đồng nghĩa với việc chúng sẽ tiếp cận được với lượng lớn người dùng thẻ tín dụng hiện nay cũng như được đảm bảo hơn so với các đồng tiền số khác.
Ngoài ra, Facebook hiện có hơn 2 tỷ người sử dụng và đây là nguồn khách hàng cực kỳ tiềm năng.
Trước thực trạng này, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải rất đau đầu trong việc kiểm soát nguồn tiền chảy ra nước ngoài.
Tệ hơn, những cố gắng biến đồng Nhân dân tệ thành đồng tiền quốc tế và dùng để kiểm soát chính sách, tác động đến nền kinh tế sẽ bị xói mòn khi người dân có phương tiện thanh toán dễ dàng hơn.
Không đồng tình quan điểm trên, chuyên gia Wei Tek Tsai của hãng nghiên cứu blockchain Tiande Technologies cho rằng đồng Libra không những gây hại mà còn hỗ trợ hệ thống tiền tệ của Trung Quốc.
Trong quá khứ, một quốc gia hạ giá đồng nội tệ có thể kích thích một cuộc chiến tiền tệ trên thế giới. Tuy nhiên ngày nay, các nhà đầu tư có thể sử dụng những đồng tiền ảo để thâm nhập và bình ổn thị trường.
Với tốc độ xử lý nhanh, không giới hạn về thời gian làm việc cũng như sự kiểm soát chặt chẽ của chính phủ, những đồng tiền ảo này sẽ làm xói mòn các cố gắng kiểm soát thị trường tiền tệ của chính phủ, thúc đẩy lưu thông tự do cũng như các hoạt động thương mại.
Trung Quốc nằm ngoài cuộc chơi
Hiện Facebook chưa đưa ra nhiều thông tin về đồng tiền Libra này nhưng hãng tự tin rằng chúng sẽ được công nhận ở nhiều nước trên thế giới.
Chủ tịch Jerome Powell của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED) cho biết Facebook đã liên lạc với họ trong quá trình phát triển đồng Libra và ông kỳ vọng rất lớn vào đồng tiền "an toàn và lành mạnh" này.
Theo chuyên gia Tsai, nhiều người lầm tưởng Libra chỉ là đồng tiền ảo do một công ty nào đó phát hành mà quên mất sự hậu thuẫn từ ngân hàng trung ương Châu Âu và FED. Kể từ đây, Libra hoàn toàn có thể trở thành một đồng tiền quốc tế mới hỗ trợ cho đồng USD.
Đây là một tín hiệu mà chính quyền Bắc Kinh không thể phớt lờ, nhất là khi Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Trung Quốc thao túng tỷ giá và gây thâm hụt thương mại.
Dù phía ngân hàng trung ương Trung Quốc chưa có tuyên bố công khai nào nhưng những cuộc tranh luận về đồng Libra đang dần nóng lên.
Nhà sáng lập Pony Ma của tập đoàn Tencent cho biết công nghệ đằng sau những đồng tiền số như Libra là không khó, cái chính là liệu đồng tiền này có được các ngân hàng trung ương ủng hộ hay không.
Đồng quan điểm, nhà sáng lập Wang Xing của ứng dụng Meituan cho biết đồng Libra là một thiết kế thông minh và ông kỳ vọng chúng sẽ thay thế được những đồng nội tệ của các "nước yếu".
Theo tờ SCMP của Trung Quốc, một cố vấn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) nhận định chính quyền Bắc Kinh từng coi những đồng tiền ảo chẳng thể tác động nổi đến hệ thống tiền tệ và tiền thật nhưng giờ đây họ đã phải nghĩ lại trước sự thay đổi của thế giới.
Tệ hơn, hàng loạt những đồng tiền ảo dùng công nghệ blockchain được sáng tạo thời gian gần đây lại chẳng có liên quan mấy đến đồng Nhân dân tệ cũng như có sự tham gia chủ đạo của Trung Quốc, khiến nước này nằm ở thế yếu trong trào lưu tiền ảo.
Đầu tháng 6, trang CoinDesk cho biết đã có 14 ngân hàng trên thế giới đầu tư phát triển tiền ảo nhằm hỗ trợ cho việc chuyển khoản 5 đồng tiền phổ biến hiện nay là đồng USD, Canada Dollar, Bảng Anh, Yên và đồng Euro.
Trước đó, hãng JP Morgan Chaser cho biết đã phát triển một đồng tiền ảo neo tỷ giá với đồng USD dùng cho thanh toán trong nội bộ khách hàng của công ty.
Trước thực trạng này, chính quyền Bắc Kinh đã không thể làm ngơ. Từ cuối năm 2017, Trung Quốc đã cấm tất cả các loại tiền ảo cũng như hoạt động gọi vốn liên quan đến mảng này nhưng gần đây họ lại đang thúc đẩy phát triển công nghệ trên trở lại.
PBOC đã bắt đầu nghiên cứu phát hành tiền ảo từ năm 2014 và xây dựng những trung tâm phân tích công nghệ này từ năm 2017
Trong khi đó, FED và Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) không có dự định phát hành tiền ảo riêng. Ngân hàng trung ương Anh (BOE) thì từ bỏ dự án này từ năm 2018 để chuyển giao chúng cho các công ty công nghệ tham gia.
Chuyên gia tiền ảo Garrick Hileman của London School of Economics cho biết nguyên nhân chính khiến nhiều ngân hàng trung ương không hứng thú phát hành tiền ảo mà chuyển cho khu vực tư nhân là do rủi ro tài chính.
Theo lý thuyết, nếu ngân hàng trung ương phát hành tiền ảo thì người dân có thể mở tài khoản tại đó. Khi có khủng hoảng xảy ra, người dân sẽ chuyển tiền sang các tài khoản tiền ảo ở ngân hàng trung ương và tạo nên sự mất ổn định nghiêm trọng trong hệ thống ngân hàng thương mại.
Bởi vậy, việc ngân hàng trung ương phát hành tiền ảo là khó xảy ra, trong khi chính sách hỗ trợ đồng tiền này vẫn là một câu hỏi chưa rõ ràng.