Trung Quốc phát triển UAV quân dụng, Mỹ đứng ngồi không yên

Đức Thức |

Máy bay không người lái (UAV) Yi long (Thằn lằn bay) là sản phẩm của Viện nghiên cứu chế tạo máy bay Chendu, Trung Quốc.

Trung Quốc đẩy mạnh phát triển UAV quân dụng

Kế hoạch sản xuất UAV quân dụng ban đầu của Trung Quốc được tiến hành dựa trên cơ sở thiết kế công nghệ của Liên Xô cũ, sau đó được Trung Quốc phát triển với tốc độ nhanh chóng.

Đến năm 2012 trong cuộc diễn tập không quân "Kiếm Hồng", UAV của không quân Trung Quốc đã bay trở về điểm xuất phát an toàn sau khi hoàn thành một loạt các nhiệm vụ trinh sát mục tiêu, chụp ảnh trên cao, truyền phát hình ảnh.

Đây là dấu mốc đánh dấu UAV của không quân Trung Quốc lần đầu tiên được đưa vào hệ thống tác chiến.

Sau đó vào tháng 7/2014, trong cuộc diễn tập chống khủng bố liên hợp "sứ mệnh hòa bình", lực lượng tác chiến UAV của Trung Quốc lần đầu tiên được sử dụng trong phạm vi quốc tế.

Đặc biệt, tại triển lãm hàng không Trung Quốc tháng 11/2016, Trung Quốc đã lần đầu tiên trình làng UAV Thái Hồng-5. Đây là dòng máy bay không người lái quân sự có tính năng kỹ thuật vượt trội.

Thời gian bay tối đa là hơn 40 giờ, lớn hơn 50% so với UAV "Tử Thần" của Mỹ. Bán kính tác chiến lên tới 3.000 km, trọng tại tối đa 1 tấn, có thể mang theo 16 loại vũ khí khác nhau, có thể kiểm soát chuỗi dữ liệu ở khoảng cách 250 km.

Theo các tài liệu công khai, hiện tại Trung Quốc có khoảng 1.300 UAV quân dụng. Dự báo trong vòng 5 năm tới, số lượng UAV của Trung Quốc sẽ tăng lên gấp đôi cả về số lượng và chất lượng.

Mỹ lo sợ Trung Quốc thách thức lợi ích chiến lược

Theo các chuyên gia quân sự, UAV trong lĩnh vực quân sự của Trung Quốc thực sự đã thách thức lợi ích chiến lược của Mỹ và phương Tây.

Sở dĩ Mỹ quan ngại Trung Quốc phát triển UAV quân dụng là vì sợ nước này thách thức các lợi ích chiến lược của Washington trong lĩnh vực xuất khẩu, bảo mật và an ninh.

Với các ưu điểm như tính năng tàng hình mạnh, sử dụng thuận tiện, thao tác từ xa, tính cơ động linh hoạt, giá thành thấp, sử dụng cho nhiều mục đích khác nhau, UAV quân dụng đã trở thành lực lượng tác chiến mô hình mới của cuộc chiến tranh hiện đại.

Đặc biệt vai trò to lớn của UAV trong lĩnh vực quân sự được thể hiện rõ nét trong các cuộc chiến tranh Afghanistan, chiến tranh Iraq và cuộc chiến Kosovo.

Hiện tại khoảng cách công nghệ UAV quân dụng của Trung Quốc đã bắt kịp với các quốc gia tiên tiến trên thế giới. Đặc biệt, trong một số công nghệ, Trung Quốc đã đứng ở vị trí dẫn đầu thế giới, vượt qua Mỹ.

Từ năm 2014-2015, Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu UAV, trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu đối với các nhà sản xuất phương Tây đặc biệt là Mỹ.

Trước đó, dựa vào ưu thế về thiết bị vệ tinh, UAV quân dụng của Mỹ có tính năng vượt trội so với Trung Quốc. Tuy nhiên, với nhiều lý do khác nhau về bí mật công nghệ và an ninh, Mỹ đã từ chối bán số lượng lớn UAV cho các nước.

Tuy nhiên, trước sự phát triển vượt bậc của Trung Quốc cả về số lượng lẫn chất lượng, nhiều quốc gia đã tìm tới Trung Quốc như là một thị trường cung cấp UAV quân dụng lý tưởng.

Chính điều này đã giẫm chân lên lợi ích chiến lược của Mỹ, khiến Nhà Trắng ở vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Như vậy có thể thấy, chính sự phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng UAV quân dụng của Trung Quốc là nguyên nhân chính ảnh hưởng tới chính sách của Mỹ về phát triển máy bay không người lái.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại