Cô dâu và các phù dâu trong một đám cưới ở Trung Quốc. (Ảnh: Getty)
Phù dâu chuyên nghiệp ngày càng trở thành điều bình thường đối với các cô gái Trung Quốc khi họ lên kế hoạch cho ngày cưới.
Một công ty cho thuê phù dâu và phù rể ở thành phố Hàng Châu nói với đài CCTV rằng số người đăng ký dịch vụ của họ đã lên đến 50.000 kể từ khi dịch vụ khai trương vào tháng 2. Họ nhận được 10 – 20 đặt hàng mỗi ngày trong tháng 6.
Có thể thuê phù dâu từ dịch vụ đám cưới hoặc những công ty chuyên hoạt động trong ngành này, nhưng dịch vụ cũng được quảng cáo trên các mạng xã hội như Weibo.
Trên TikTok, tên ở Trung Quốc là Douyin, một hashtag dịch ra nghĩa là “thuê phù dâu” gắn nhiều video về chủ đề này, trong đó một video từ dịch vụ cho thuê phù dâu ở Quảng Đông quảng cáo là họ cung cấp phù dâu chuyên nghiệp, giúp khách hàng “đỡ lo lắng và tốn công sức” nhưng “sẽ không lấn át cô dâu”.
Các cô dâu thường có yêu cầu về ngoại hình, cân nặng và tính cách của phù dâu, kể cả bằng cấp. Chiều cao lý tưởng của các phù dâu là từ 1m55 -1m73.
Xie Yuke, một cô gái 22 tuổi, đã đi hơn 140.000km để kiếm sống bằng nghề phù dâu chuyên nghiệp trên khắp đất nước, nói với trang tin Sixth Tone rằng đại dịch COVID-19 giúp ngành công nghiệp phù dâu phát triển.
Dù không bị phong toả, nhiều cô dâu vẫn thuê phù dâu vì bạn của họ không đáp ứng được kỳ vọng trong lễ cưới. Theo Xie, phù dâu phải là người chưa lấy chồng và không được cao hơn cô dâu.
Trung bình, phù dâu chuyên nghiệp được trả công từ 500 – 2.000 tệ (1,7 – 7 triệu đồng), Xie nói với Sixth Tone.
Một ngày làm việc của Xie bắt đầu bằng việc trang điểm từ 4h30 sáng, sau đó là cả ngày chụp ảnh ở đám cưới, tiếp khách và nâng ly cho đến khoảng 8h tối.
Khi làm việc, Xie cho biết cô thường giả vờ là bạn hoặc bạn cùng lớp với cô dâu.
Khóc dở mếu dở
Khi ngành công nghiệp này phát triển nhanh chóng, một số sự việc đáng tiếc đã xảy ra vì chuyện đưa người lạ vào đám cưới.
Yang Hu, nhà nghiên cứu tại cấp cao về xã hội học tại ĐH Essex, cho biết có nhiều vụ việc đáng tiếc liên quan đến thuê phù dâu.
“Theo truyền thống, cô dâu và chú rể phải cạn ly với từng khách mời trong đám cưới, nhưng phù dâu thường phải uống thay, vì thế họ phải uống rất nhiều. Hậu quả là nhiều phù dâu bị ngộ độc rượu, có khi tử vong”, Hu cho biết.
Không chỉ thế, các phù dâu cũng phải đóng vai trò là rào cản cuối cùng trước khi chú rể có thể bước vào phòng tân hôn sau đám cưới, điều này có thể dẫn đến tình huống chú rể và phù rể có hành vi không phù hợp, như lột quần áo, quấy rối hoặc tấn công phù dâu.
Hu cho biết hầu hết các vụ ngộ độc rượu, quấy rối tình dục, lạm dụng phù dâu xảy ra ở các khu vực nông thôn của Trung Quốc.
Cuối năm 2016, một cô gái ở Hải Nam thiệt mạng vì uống quá nhiều tại đám cưới mà cô làm phù dâu.
Hai năm sau, một phù dâu 17 tuổi chết vì ngộ độc rượu sau khi bị ép uống quá nhiều ở đám cưới.
Trang tin China.org.cn viết rằng công việc của các phù dâu không chỉ là tháp tùng cô dâu, mà dần dần họ còn phải châm lửa hút thuốc, tiếp hoa quả, tiếp đãi khách, thậm chí còn cởi cả đồ trước mặt mọi người trong một số trường hợp”.
Đôi khi, đám cưới vui vẻ trở thành vấn đề đau đầu vì những trò chơi nhắm vào phù dâu.
Ở thành phố Hành Thuỷ, tỉnh Hà Bắc, gần đây cũng có xu hướng thuê phù dâu chuyên nghiệp. Phù dâu thường là sinh viên, nhưng đôi khi có thể là gái mại dâm.
Liu Fei, một cô gái ở Hành Thuỷ, nói rằng trong nhiều đám cưới, khách mời sẽ được thông báo trước nếu phù dâu là người được thuê. Khi đó, khách sẽ chơi bạo hơn.
“Đôi khi các trò chơi rất điên rồ, làm phù dâu bị đau. Có lúc họ còn bỏ đi mà không nhận tiền, hoặc đòi giá gấp đôi sau lễ cưới”, Liu nói.
Liu nhớ rất rõ đám cưới của cô. Lúc đó, một nhóm khách nam nắm chân tay 2 phù dâu rồi vứt họ lên giường tân hôn. Liu cũng chứng kiến nhóm khách ở một đám cưới khác đã kéo phù dâu vào phòng ngủ và định xé áo họ. “Nhưng may là họ không làm vì các phù dâu chưa lấy chồng”, Liu kể.
Liu cho biết một trò chơi phổ biến mà khách thường làm với các phù dâu là nhét trứng sống vào phần ngực váy quây của phù dâu rồi đập vỡ nó.