Seoul đã phản ứng trước ý định của Trung Quốc, được cho là "gài" Hàn Quốc vào thế ủng hộ lập trường của Bắc Kinh trong các vấn đề về Hồng Kông và Tân Cương.
Theo thông tin của Bộ ngoại giao Trung Quốc, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In - trong cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 23/12 tại Bắc Kinh - "đã chỉ ra rằng, bất kể là sự vụ của Hồng Kông hay của Tân Cương đều là công việc nội bộ của Trung Quốc".
Tuy nhiên, theo tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), cách diễn đạt này không thể tìm thấy trong thông cáo do chính phủ Hàn Quốc cung cấp. Sau đó, phát ngôn viên Nhà Xanh Ko Min Jung ngày 24 đã đính chính.
"Chủ tịch Tập giải thích rằng các vấn đề về Hồng Kông và Tân Cương là nội chính của Trung Quốc. Tổng thống Moon đáp lại là ông đã 'ghi nhận'," ông Ko cho biết.
Đáp lại câu hỏi về việc Hàn Quốc phủ nhận cách diễn đạt của Bắc Kinh liên quan đến phát ngôn của ông Moon Jae In, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng ngày 24/12 tái khẳng định "giới thiệu của chúng tôi về tình hình cuộc hội kiến đã được thể hiện đầy đủ trong tin tức báo cáo".
Theo Bộ ngoại giao Nhật Bản, thủ tướng Shinzo Abe nói với ông Tập trong cuộc gặp song phương rằng Hồng Kông nên "tiếp tục tự do và cởi mở", đồng thời thúc giục Bắc Kinh "kiềm chế" trong cách thức xử lý các cuộc biểu tình ở thành phố này, và mong muốn "sớm có giải pháp cho tình hình [Hồng Kông]". SCMP cho hay, thông điệp của ông Abe không được Bộ ngoại giao Trung Quốc đề cập trong thông cáo báo chí.
Giáo sư Pang Zhongying, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Nhân dân Trung Quốc, nhận xét rằng không khó lý giải khi vấn đề Hồng Kông và Tân Cương được thảo luận trong cuộc gặp của lãnh đạo Trung Quốc với nước ngoài, và không có gì ngạc nhiên khi Bắc Kinh và Seoul đưa ra diễn giải khác nhau bởi mỗi chính phủ đều cần biểu đạt thông tin đến dư luận trong nước của họ.
"Bắc Kinh muốn giải thích cho người dân Trung Quốc về cách thức mà lập trường của họ được giới thiệu và được tiếp nhận bởi các lãnh đạo nước ngoài," Pang nói. "Ngay cả khi điều này không được nêu trong một số thông cáo với một số nước xác định, thì không có nghĩa là vấn đề đó không được thảo luận."
"Thông thường, Bắc Kinh cố gắng thể hiện sự thân cận với các nước khác thông qua ngôn ngữ ngoại giao trong các thông cáo chính thức. Trong tình huống này, Bắc Kinh rõ ràng vẫn cảm thấy hài lòng với Seoul hơn là Tokyo, bởi Nhật Bản là một đồng minh thân cận với Mỹ trong các vấn đề nói trên nhiều hơn là Hàn Quốc."
Từ cuối tháng 11, các diễn đạt tương tự về Hồng Kông và Tân Cương đã được nêu trong thông cáo chính thức của Trung Quốc sau những cuộc gặp của ông Tập Cận Bình với các lãnh đạo của Micronesia và Suriname.
Liu Weidong, chuyên gia về Hoa Kỳ tại Viện khoa học xã hội Trung Quốc, cho rằng hành động của Bắc Kinh là phản ứng với những bước đi của Mỹ.