Ngày 27/2, tờ Bloomberg dẫn lại báo cáo của công ty dữ liệu Kpler cho biết, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu dầu thô và dầu mazut trong tháng 1/2023. Số liệu của Kpler cho thấy con số này lên đến 1,66 triệu thùng, vượt cả mức kỷ lục được thiết lập vào tháng 4/2020.
Dữ liệu của Kpler cho thấy Trung Quốc đã mua toàn bộ lượng dầu ESPO của Nga hàng tháng thông qua đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương (ESPO).
Trung Quốc đang cạnh tranh với Ấn Độ với tư cách là người mua dầu thô lớn nhất của Nga sau cuộc xung đột ở Ukraine. Các lệnh trừng phạt của phương Tây đã buộc Moskva phải tìm khách hàng mới bằng cách giảm giá bán và tăng triết khấu.
Sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ năng lượng ở nước này tăng cao. (Ảnh: Getty Images)
Liên minh châu Âu (EU) và Anh đã cấm nhập khẩu dầu thô của Nga từ tháng 12/2022, đồng thời EU và các nước G7 áp đặt trần giá đối với dầu thô vận chuyển bằng đường biển của Nga.
Trung Quốc đang tăng cường mua nhiên liệu thô trong bối cảnh nền kinh tế nước này đang dần phục hồi sau khi dỡ bỏ các hạn chế COVID-19 vào cuối năm 2022. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), sự phục hồi của thị trường Trung Quốc sẽ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm nay, dự kiến sẽ tăng lên 101,9 triệu thùng mỗi ngày.
Sức hấp dẫn chính của dầu mỏ Nga hiện nay là giá tương đối thấp. Các loại dầu hàng đầu của Nga đang được giao dịch thấp hơn nhiều so với dầu Brent hoặc các loại tương tự của Tây Phi. Ví dụ, dầu Ural trung bình 49,48 USD/thùng trong tháng 1, so với 82 USD/thùng đối với dầu Brent.
Theo IEA, tổng xuất khẩu dầu của Nga trong tháng 1 đạt trung bình 8,2 triệu thùng/ngày, tăng so với tháng 12/2022.