Trung Quốc nhận tin sét đánh: Nga vừa có động thái gì trong thỏa thuận S-400 Ấn Độ?

QS |

Trước đó, Nga đã quyết định đình chỉ "vô thời hạn" các đợt chuyển giao S-400 tiếp theo cho Trung Quốc.

Mặc dù đã bàn giao lô tên lửa S-400 đầu tiên cho Trung Quốc vào năm 2018 nhưng cách đây không lâu, Nga đã gây bất ngờ khi tuyên bố đình chỉ chuyển giao "vô thời hạn" các lô hàng tiếp theo trong thỏa thuận với Bắc Kinh.

Theo truyền thông Trung Quốc, lý do là bởi Moscow lo ngại đợt chuyển giao mới có thể gây trở ngại cho nỗ lực chống đại dịch COVID-19 của quân đội Trung Quốc (PLA).

Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định, đây có thể là điềm báo cho thấy những dấu hiệu căng thẳng ban đầu trong mối quan hệ chiến lược giữa hai phía.

Suy đoán này có vẻ càng có cơ sở hơn khi Ấn Độ cũng đặt mua hệ thống phòng không S-400 từ Nga và cũng đang phải gồng mình đối phó với đại dịch COVID-19. Thế nhưng, quá trình chuyển giao các tên lửa S-400 cho New Delhi vẫn được xúc tiến theo đúng kế hoạch đã định.

Theo tờ EurAsian Times, Đại sứ Ấn Độ tại Nga Venkatesh Varma đã dập tắt mọi tin đồn liên quan tới một đợt đình chỉ chuyển giao tương tự như trường hợp của Trung Quốc đối với thỏa thuận trị giá 5,43 tỷ USD mà New Delhi đã ký kết với Nga tại Hội nghị thượng đỉnh song phương thường niên thứ 19 giữa Nga-Ấn năm 2018. Trong đó, Ấn Độ đã đặt mua 5 hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 để phục vụ nhu cầu an ninh dài hạn.

"S-400 sẽ được chuyển giao như kế hoạch. COVID-19 sẽ không ảnh hưởng tới quá trình chuyển giao tên lửa" – ông Varma tuyên bố.

S-400 là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất của Nga, có thể tiêu diệt mục tiêu cách xa 400km và ở độ cao lên tới 30km. Thời hạn chuyển giao S-400 được đánh giá là sẽ mang lại cho Không quân Ấn Độ lợi thế lớn so với Trung Quốc và Pakistan.

Trước đó, Tham mưu trưởng Không quân Ấn Độ BS Dhanoa (đã về hưu) nhấn mạnh rằng, tên lửa S-400 kết hợp với các máy bay chiến đấu Rafale mua từ Pháp sẽ mang lại cho Ấn Độ lợi thế chiến lược lớn khi không chiến với Trung Quốc tại Tây Tạng và có thể đe dọa máy bay Pakistan ngay trong lãnh thổ của nước này, chứ không phải chỉ khi chúng xâm phạm không phận Ấn Độ.

"Các máy bay chiến đấu Rafale cùng với hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 sẽ mang lại cho Không quân Ấn Độ (IAF) lợi thế chiến đấu lớn trong toàn khu vực, và các đối thủ của New Delhi sẽ phải suy nghĩ kỹ trước khi muốn gây chiến" – ông Dhanoa nói.

Cũng theo Đại sứ Varma, hợp tác công nghiệp quốc phòng là một trong những lĩnh vực quan trọng sẽ được đề cập tại hội nghị thượng đỉnh song phương Nga-Ấn sắp tới, bên cạnh các vấn đề chính trị, kinh tế, thương mại và năng lượng.

Theo ông Varma, kho vũ khí của Ấn Độ có thể còn được tăng cường hơn nữa nếu nước này đạt được thỏa thuận với Nga về việc sản xuất các trực thăng Kamov Ka-26 trong tương lai, có thể là vào ngay năm tới.

"Hiện vẫn còn một số cuộc thảo luận về kỹ thuật liên quan tới việc sản xuất tại Ấn Độ các trực thăng Kamov 226. Chúng tôi hy vọng những cuộc thảo luận này sẽ sớm thành công, để chúng tôi tiến tới giai đoạn tiếp theo nhằm ký hợp đồng sản xuất mẫu trực thăng này"- ông Varma cho hay.

Năm 2018, bất chấp những áp lực và đe dọa trừng phạt từ phía Mỹ, Ấn Độ vẫn quyết định xúc tiến thỏa thuận mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga. EurAsian Times cho biết, S-400 có khả năng ngang ngửa với Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ, nhưng phần lớn chuyên gia vẫn đánh giá nó là hệ thống phòng không tốt nhất thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại