Tờ Lowy Interpreter Australia ngày 15/5 đã đăng bài viết "Kế hoạch thiết lập các căn cứ quân sự ở phía đông Ấn Độ Dương của Trung Quốc" của tác giả David Brewster.
Theo bài viết, Trung Quốc sẽ xây dựng một loạt căn cứ hải quân và không quân ở Ấn Độ Dương để hỗ trợ cho nhu cầu chiến lược ngày càng tăng của họ tại khu vực này. Trong đó, rất có thể bao gồm xây dựng căn cứ tại vùng biển áp sát Australia ở phía đông Ấn Độ Dương. Australia không thể khoanh tay đứng nhìn đối với những động thái này.
Tháng 7/2017, căn cứ quân sự nước ngoài đầu tiên của Trung Quốc ở Djibouti đã đưa vào sử dụng, Bắc Kinh hiện đang đàm phán với Pakistan để tìm cách thiết lập một căn cứ ở cảng Gwadar trên biển Ả rập hoặc khu vực lân cận.
Nhưng đối với Trung Quốc, chỉ có khả năng ở phía tây bắc Ấn Độ Dương cách xa Australia là không đủ. Nhu cầu chiến lược của Trung Quốc và khoảng cách giữa Ấn Độ Dương với lãnh thổ Trung Quốc có nghĩa là Bắc Kinh có thể cho rằng cần phải xây dựng một loạt cơ sở quân sự khác nhau ở toàn bộ Ấn Độ Dương, bao gồm khu trung tâm và phía đông.
Trung Quốc muốn hình thành khả năng bảo vệ đối với toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương từ phía đông đến phía tây thì cần phải có những căn cứ này. Ngoài ra, về chính trị, Bắc Kinh cũng cho rằng cần phải bảo vệ lượng lớn công dân và tài sản Trung Quốc ở khu vực này.
Sự hiện diện hải quân của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương có thể từ 4 - 5 tàu chiến mặt nước và tàu ngầm hiện nay tăng lên khoảng 20 chiếc, thậm chí nhiều hơn.
Điều này bao gồm một loạt cơ sở hậu cần hải quân trong đó có những cơ sở hỗ trợ cho tàu ngầm. Đặc biệt là Trung Quốc nếu muốn tiến hành chiến lược kiểm soát hoặc ngăn chặn trên biển có hiệu quả ở phía bắc Ấn Độ Dương thì càng cần những cơ sở này.
Tàu ngầm hạt nhân tấn công Type 093 hải quân Trung Quốc đến Ấn Độ Dương. Ảnh: Sina.
Chỉ có các căn cứ hải quân là chưa đủ. Trung Quốc cần có các căn cứ không quân ở ít nhất 3/4 khu vực của Ấn Độ Dương (tây bắc, đông bắc và tây nam), cung cấp bảo vệ trên không đầy đủ cho Hạm đội Ấn Độ Dương của nước này.
Máy bay trinh sát biển tầm xa của không quân Trung Quốc không thể tiến hành bảo vệ đầy đủ từ phía nam hoặc phía tây Trung Quốc. Triển khai tàu sân bay ở Ấn Độ Dương hoặc sử dụng máy bay tiếp dầu trên không cất cánh từ Trung Quốc cũng không thể đáp ứng được những nhu cầu này.
"Thế trận" của Trung Quốc ở phía đông Ấn Độ Dương đã vận hành được một thời gian, Bắc Kinh đang tiến hành chuẩn bị ở Maldives, Sri Lanka và Myanmar.
Đây là một trò chơi tỷ lệ phần trăm. Trung Quốc còn chưa có khả năng bảo đảm thực hiện mục tiêu của họ, những kế hoạch này có thể gặp trở ngại ở các mức độ khác nhau, lực cản có thể đến từ chính phủ nước sở tại, cũng có thể đến từ phương diện khác.
Cạnh tranh sức ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở những nước này rất giống với tranh giành vai trò ảnh hưởng giữa Mỹ và Liên Xô thời kỳ Chiến tranh Lạnh, hơn nữa xung đột trong tương lai có thể ngày càng nhiều.
Mấy chục năm qua, Australia đã đầu tư rất nhiều nguồn lực quốc phòng ở phía tây Ấn Độ Dương , bao gồm đầu tư rất nhiều lực lượng hải quân để tấn công cướp biển và buôn bán ma túy. Nhưng những thách thức mới đã tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng hơn cho Australia.
Tàu sân bay tự chế đầu tiên Trung Quốc chạy thử trên biển từ ngày 13/5/2018. Ảnh: Xinhuanet.
Bắt đầu từ bây giờ, Australia cần phải theo dõi chặt chẽ hơn môi trường chiến lược ở phía đông Ấn Độ Dương, khu vực áp sát duyên hải của Australia. Tin xấu là điều này đòi hỏi Australia phải đầu tư nhiều nguồn lực quốc phòng, ngoại giao và kinh tế hơn cho các nước trong khu vực này.