Các tàu dân quân Trung Quốc tập trung quanh Đảo Thị Tứ (ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) ngày 12/12/2018. Ảnh: CSIS
Trung Quốc đã hoàn thành xây dựng các đảo nhân tạo phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam năm 2016. Nước này cũng đã hoàn thành hầu hết các cơ sở hạ tầng trên những đảo này một năm sau đó. Kể từ đó, trọng tâm của Trung Quốc trên Biển Đông đã dịch chuyển sang việc sử dụng những tiền đồn này để khẳng định quyền kiểm soát thực tế đối với các hoạt động trên Biển Đông. Một nhân tố quan trọng trong sự dịch chuyển này là sự mở rộng lực lượng dân quân biển của Trung Quốc - một lực lượng chủ yếu bao gồm các tàu thuyền bên ngoài thì có vẻ là tham gia các hoạt động đánh bắt cá thương mại nhưng thực chất là phục vụ các mục tiêu chính trị và quân sự của Trung Quốc.
Trung Quốc mở rộng lực lượng dân quân biển trên Biển Đông
Chiến thuật vùng xám của Trung Quốc đã gây ra thách thức nghiêm trọng cho các bên liên quan trong việc ngăn chặn các hành vi cưỡng ép, can thiệp vào trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế hoặc gây ảnh hưởng đến sự quản lý cũng như giải quyết hòa bình các tranh chấp.
Những nỗ lực chưa từng thấy nhằm độc chiếm Biển Đông qua cái gọi là "đường 9 đoạn" trong thập kỷ qua của Trung Quốc đã đi cùng với sự mở rộng tương ứng về quy mô và các hoạt động của lực lượng dân quân biển.
Đặc biệt, dưới thời ông Tập Cận Bình, lực lượng dân quân biển đã trở thành lực lượng tiên phong cho chiến lược ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông. Khả năng triển khai tàu tuần duyên và tàu dân quân tới các đảo nhân tạo của Trung Quốc, cách đảo Hải Nam gần 1.300 km đã thay đổi mạnh mẽ sự cân bằng lực lượng trên Biển Đông. Một nghiên cứu viễn thám trong 6 tháng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) và Sáng kiến Hàng hải Skylight của Vulcan năm 2018 đã tiết lộ, các tàu cá của Trung Quốc, phần lớn trong số đó có thể là lực lượng dân quân biển, đã trở thành nhóm tàu lớn nhất hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Những tàu này đã tập hợp chủ yếu ở Đá Vành Khăn và Đá Subi (ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Năm 2017, trong khi các cơ sở hạ tầng trên những đảo này vẫn đang được xây dựng phi pháp, có khoảng hơn 100 tàu của Trung Quốc hiện diện cùng lúc, tháng 8/2018, con số này đã lên tới 300. Những con tàu này có chiều dài trung bình khoảng 50 mét và nặng khoảng 550 tấn, lớn hơn nhiều so với các tàu cá của những nước láng giềng và là một minh chứng cho thấy tốc độ hiện đại hóa nhanh chóng của Trung Quốc.
Cũng trong năm này, Trung Quốc đã tiến hành đợt triển khai các tàu dân quân lớn chưa từng thấy, cho thấy sự thay đổi quan trọng trong cách triển khai lực lượng dân quân của nước này.
Theo CSIS, các tàu cá của Trung Quốc không tham gia nhiều vào hoạt động đánh bắt cá mà thường tập trung quanh các đảo mà các bên khác tuyên bố chủ quyền ở Trường Sa. Vào tháng 3 và tháng 4/2019, các tàu dân quân biển của Trung Quốc thường xuyên được phát hiện neo đậu gần đảo Loại Ta và Loại Ta Tây (thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Các nghiên cứu của Sáng kiến Minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) cùng với Vulcan cũng cho thấy các tàu dân quân của Trung Quốc thường xuyên tập trung gần các nhóm đảo của Việt Nam, đặc biệt là các đảo trong Cụm Sinh Tồn ở quần đảo Trường Sa.
Những diễn biến gần đây của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã cho thấy một số sự thay đổi nhất định trong quá trình triển khai hoạt động ở quần đảo Trường Sa. Từ cuối năm 2017 - cuối năm 2018, số lượng tàu dân quân biển của Trung Quốc ở Trường Sa đã tăng lên 300, hầu hết trong số này neo đậu nhiều tuần ở Đá Subi và Đá Vành Khăn. Tuy nhiên, những con tàu này bắt đầu phân tán rộng hơn sau tháng 12/2018 với đợt tập trung lớn nhất là quanh đảo Thị Tứ (thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Đầu năm 2020, lực lượng dân quân biển Trung Quốc bắt đầu tập trung với số lượng lớn quanh Cụm Sinh Tồn, đặc biệt là tại đá Ba Đầu (nằm ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam). Số lượng tàu dân quân này vào tháng 5/2020 là 100 trong khi vào cuối năm, con số này đã tăng lên 200 tàu.
Cho tới tháng 4/2021, sự hiện diện của lực lượng dân quân biển ở quần đảo Trường Sa biến động liên tục nhưng không thuyên giảm về số lượng. Vào tháng 4, hầu hết các tàu ở Đá Ba Đầu đã di chuyển tới Đá Tư Nghĩa (thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam) gần đó, nơi mà số lượng tàu đạt đỉnh vượt quá 150. Tháng 5/2021, gần như tất cả tàu từ Đá Tư Nghĩa đã di chuyển tới Cụm Nam Yết (thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam), đưa số lượng tàu tập trung tại đây lên hơn 230. Một tháng sau, hầu hết tàu đã di chuyển trở về Cụm Sinh Tồn, tập trung quanh Đá Tư Nghĩa. Vào giữa tháng 6/2021 có khoảng gần 240 tàu ở Đá Tư Nghĩa và 70 tàu ở Đá Gaven (thuộc quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam).
Thực hiện những mục tiêu về chính trị và an ninh
Báo cáo của CSIS cũng cho biết, lực lượng dân quân biển chuyên nghiệp và các tàu cá thương mại của Trung Quốc được nhận những khoản trợ cấp nhất định để hoạt động trong những vùng biển tranh chấp.
Chúng bao gồm một khoản trợ cấp nhiên liệu đặc biệt cho hoạt động đánh bắt cá ở quần đảo Trường Sa, một khoản tiền thưởng một lần cho những tàu hoạt động trong "những vùng biển được chỉ định đặc biệt" và các khoản trợ cấp khác cho việc xây dựng và tân trang các tàu dân quân chuyên nghiệp, các thiết bị liên lạc và định vị cũng như hoạt động huấn luyện các cựu quân nhân phục vụ trên các con tàu này.
"Các hoạt động của họ được chính phủ Trung Quốc tài trợ thông qua các khoản trợ cấp, khuyến khích các chủ thể địa phương xây dựng các tàu phù hợp với những đặc điểm kỹ thuật quân sự và hoạt động ở những vùng biển tranh chấp, sẵn sàng hỗ trợ lực lượng hải quân của Trung Quốc khi cần thiết", báo cáo của CSIS cho hay.
Những hoạt động này "là minh chứng rõ ràng cho thấy phần lớn tàu cá của Trung Quốc trong những vùng biển tranh chấp ở Biển Đông không hoạt động như một nhân tố thương mại độc lập mà thay vào đó được chính phủ Trung Quốc chi trả để thực hiện những nghĩa vụ nhằm đảm bảo hoàn thành các mục tiêu về chính trị và an ninh quốc gia".
Vi phạm luật pháp quốc tế
Trong thập kỷ qua, lực lượng dân quân biển Trung Quốc là lực lượng tiên phong trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm khẳng định quyền kiểm soát phi pháp các vùng biển tranh chấp trên Biển Đông và cản trở các hoạt động hợp pháp của các nước láng giềng tại Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) của họ. Vì thế, theo CSIS, các tàu dân quân đang hoạt động của Trung Quốc rõ ràng đã vi phạm Luật Biển quốc tế. Các tàu này, cùng với tàu tuần duyên Trung Quốc, đã hoạt động không an toàn và gây ra những rủi ro đụng độ nhằm cưỡng ép các tàu của nước ngoài. Nhiều hoạt động của lực lượng dân quân biển Trung Quốc đã vi phạm rõ ràng Các quy định quốc tế về ngăn chặn va chạm trên biển (COLREGS) năm 1972.
Lực lượng dân quân biển của Trung Quốc cũng thường xuyên can thiệp vào các hoạt động đánh bắt cá, khai thác dưới biển cùng các hoạt động hợp pháp khác của các nước Đông Nam Á trong EEZ và thềm lục địa của họ. Hành vi này đã vi phạm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) cũng như tập quán quốc tế. Đây cũng là hành vi vi phạm các điều khoản trong UNCLOS, quy định trách nhiệm của quốc gia mà tàu mang cờ nhằm đảm bảo các tàu thuyền của họ hoạt động an toàn trên biển và tránh đụng độ.
CSIS nhận định, nếu lực lượng dân quân biển Trung Quốc tiến hành những bước đi vượt quá giới hạn và sử dụng vũ lực nhằm vào các bên khác, cũng như ủng hộ các lực lượng của chính phủ Trung Quốc trong những chiến dịch quân sự trong tương lai, điều này sẽ đặt thêm nhiều câu hỏi về tính hợp pháp của lực lượng này.
Trong một số trường hợp, lực lượng dân quân biển Trung Quốc mặc đồng phục, thi hành sự chỉ đạo trực tiếp từ Hải quân Trung Quốc hoặc lực lượng tuần duyên trong quá trình hoạt động. Tuy nhiên, trong hầu hết trường hợp, lực lượng này thực hiện sự mập mờ có chủ đích giữa vai trò “dân” và “quân” nhằm duy trì “vùng xám hợp pháp”.
Đối phó với chiến thuật “vùng xám”
Với lực lượng dân quân biển này, theo AMTI ước tính - một lực lượng với ít nhất 300 tàu, Trung Quốc sẽ tiết kiệm tương đối chi phí so với các tàu tuần duyên với bất kỳ hoạt động nào trên Biển Đông.
Việc Trung Quốc duy trì sự mập mờ về vai trò của lực lượng dân quân biển cũng khiến các quốc gia khác gặp khó khăn trong việc phản ứng.
"Chiến thuật vùng xám là cách Trung Quốc khẳng định các lợi ích trên biển của mình mà không cần tiến hành chiến tranh. Sự mơ hồ này đã tạo ra cảm giác không chắc chắn cho các bên khác trong cách phản ứng và giúp Trung Quốc củng cố lập trường ở Biển Đông".
Trong thời gian gần đây, các quốc gia đã chuyển sang chiến lược mới trong việc phản ứng với lực lượng dân quân biển của Trung Quốc khi chuyển sang ngoại giao công khai, cũng như công bố các hình ảnh và đoạn băng về các con tàu mà họ cho là lực lượng dân quân biển của Trung Quốc. Những bằng chứng này cho thấy các tàu của Trung Quốc đã neo đậu trong nhiều tháng, rõ ràng là không phải đang câu cá, ông George Poling, giám đốc AMTI tại CSIS cho hay. Điều này đã bác bỏ những thông tin sai lệch mà Trung Quốc và truyền thông nước này đưa ra trong nhiều năm qua khi phủ nhận đó là lực lượng dân quân, đồng thời ít nhất có thể khiến Trung Quốc tạm rời đi./.