Ảnh minh họa
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 3/2023 Việt Nam xuất khẩu 7.746 tấn chè, đạt 12,58 triệu USD, giảm 5,3% về lượng và 5,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung cả quý 1/2023, Việt Nam xuất khẩu 21.323 tấn chè, đạt 35,21 triệu USD, giảm 7,1% về lượng và giảm 4,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù trong tháng 3 và trong quý 1/2023, xuất khẩu chè ghi nhận sụt giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên xuất khẩu mặt hàng này sang Trung Quốc vẫn ghi nhận tín hiệu tích cực. Cụ thể, thị trường tỷ dân là thị trường ghi nhận mức tăng trưởng lớn nhất về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2022, đạt 735 tấn, tương đương 2,15 triệu USD, tăng mạnh 430% về trị giá và 154% về lượng.
Mức tăng vọt về trị giá này là bởi giá xuất khẩu chè sang thị trường này đã tăng đến 108%, đạt 2.930 USD/tấn. Trung Quốc cũng là thị trường ghi nhận giá xuất khẩu cao nhất đối với chè Việt Nam.
Tính chung trong quý 1/2023, hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 11,92 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu hàng hóa giảm 14%, còn đạt 23,63 tỷ USD.
Theo số liệu từ Cục xuất nhập khẩu, trong năm 2022, Trung Quốc chi 17.997.785 USD để nhập khẩu chè từ Việt Nam với 10.354 tấn, tăng 15,58% về lượng và 27% về trị giá so với năm 2021. Trung Quốc là nhà nhập khẩu chè lớn thứ 3 của Việt Nam trong năm 2022, chiếm 7,09% tỷ trọng xuất khẩu.
Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Trung Quốc, quốc gia này sở hữu hơn 2.000.000 ha đất trồng chè, phân bố chủ yếu ở tỉnh Vân Nam, Phúc Kiến, Hồ Bắc, Tứ Xuyên và tỉnh Hồ Nam. Những vùng này rất lý tưởng cho các trang trại trồng chè cao. Trồng và sản xuất chè ở Trung Quốc là một phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế của quốc gia tỷ dân này.
Còn tại Việt Nam, cả nước hiện đang có khoảng 140.000 ha đất trồng chè. Diện tích chè đang cho thu hoạch là 130.000 ha, năng suất bình quân đạt 8 tấn búp tươi/1ha. Trong khi tổng sản lượng chè của Việt Nam chỉ đạt 185.000 - 200.000 tấn chè khô/năm, nhưng tổng công suất các nhà máy chế biến từ búp chè tươi lại lớn hơn gấp hai, ba lần. Như vậy để so sánh, diện tích trồng của Trung Quốc đang lớn gấp 14 lần so với Việt Nam.
Sở dĩ điều này xuất phát từ văn hóa trà đạo của người Trung Quốc. Quốc gia này là nơi khai sinh ra trà và văn hóa uống trà. Nước này cũng chiếm vị trí số 1 về sản xuất và cung cấp chè trong nhiều thập kỷ.
Các thị trường xuất khẩu chè của Trung Quốc bao gồm châu Âu, châu Mỹ và châu Á. Mặc dù diện tích trồng cây chè tại Trung Quốc là rất lớn, tuy nhiên do các yếu tố như thời tiết, đất đai,...năng suất thu hoạch lại không cao trong khi nhu cầu từ người dân là rất lớn. Bởi vậy quốc gia này vẫn phải tăng cường nhập khẩu chè từ các thị trường khác, bao gồm cả Việt Nam.