Nhưng ở Trung Quốc, cơ quan vũ trụ nước này im lặng suốt nhiều ngày, dù hứng nhiều chỉ trích rằng việc để cho một tên lửa lớn như vậy rơi tự do xuống Trái đất là vô trách nhiệm và gây nguy hiểm cho nhiều quốc gia.
Cuối cùng, đến sáng 9/5, Văn phòng kỹ thuật vũ trụ có người lái của Trung Quốc phá vỡ im lặng, xác nhận rằng xác tên lửa đã rơi xuống Ấn Độ Dương, gần Maldives, sau khi đã bị cháy nhiều trong quá trình tái nhập khí quyển.
Với nhiều người, thông tin này giúp họ thở phào nhẹ nhõm. Nhưng ở Trung Quốc, sự kiện này không phải minh chứng cho thiếu sót của tên lửa, mà truyền thông nhà nước Trung Quốc cho rằng sự chú ý lớn của thế giới đối với việc tên lửa rơi xuống chỉ là một nỗ lực của phương Tây nhằm gây mất uy tín cho chương trình vũ trụ Trung Quốc và phủ nhận tiến bộ của chương trình này.
“Sự cường điệu và bôi nhọ của họ không mang lại kết quả”, Thời báo Hoàn cầu viết trong bài xã luận đăng ngày 9/5. Bài viết cáo buộc các nhà khoa học Mỹ và NASA “làm trái với lương tâm” và “phản tri thức”.
“Có một số người ghen tị trước những tiến bộ nhanh chóng trong công nghệ vũ trụ của Trung Quốc. Một số người thậm chí còn gây ồn ào để cản trở và can thiệp vào việc Trung Quốc thực hiện chương trình xây dựng trạm vũ trụ quốc tế trong tương lai”, Thời báo Hoàn cầu viết.
Bắc Kinh lâu nay vẫn cáo buộc các chính phủ và báo chí phương Tây áp tiêu chuẩn khác với Trung Quốc. Các quan chức Trung Quốc cũng quyết liệt đáp trả những chỉ trích, gọi đó là nỗ lực nhằm “bôi nhọ Trung Quốc”.
Sự phòng thủ quyết liệt đó được thể hiện rõ ràng hơn cả trong chương trình vũ trụ, một trong những niềm tự hào quốc gia đối với cả các lãnh đạo và dư luận Trung Quốc.
Trung Quốc là nước đến muộn trong chương trình khám phá vũ trụ. Nước này phóng vệ tinh đầu tiên vào năm 1970, tức 13 năm sau Liên Xô và 12 năm sau Mỹ. Nhưng trong những thập kỷ gần đây, Trung Quốc nhanh chóng vượt lên trong cuộc đua vũ trụ, trở thành nước đầu tiên đưa robot lên nửa tối của Mặt trăng năm 2019 và đưa thành công đá Mặt trăng về Trái đất hồi năm ngoái.
Việc đáp trả phương Tây, nhất là Mỹ, một phần xuất phát từ điều mà Bắc Kinh coi là hành động thù địch của Washington nhằm ngăn cản những tiến bộ của Trung Quốc ngoài khí quyển Trái đất.
Từ năm 1999, Mỹ đã áp quy định hạn chế xuất khẩu công nghệ vệ tinh cho Trung Quốc. Năm 2011, Quốc hội Mỹ thông qua luật hạn chế NASA tiếp xúc với Trung Quốc.
Kết quả là các phi công Trung Quốc bị cấm vào Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS) – trạm vũ trụ duy nhất trên quy đạo hiện nay và là sản phẩm hợp tác giữa Mỹ, Nga, châu Âu, Nhật Bản và Canada.
Điều đó khiến Trung Quốc tự chế tạo trạm vũ trụ của riêng mình, mang tên Thiên Cung. Tháng trước, nước này phóng thành công mô-đun đầu tiên bằng tên lửa Trường Chinh 5B, tức tên lửa vừa rơi xuống mấy hôm trước.
Dù cáo buộc phương Tây thực hiện “chiến dịch bôi nhọ”, báo chí nhà nước và các chuyên gia vũ trụ Trung Quốc đã bỏ qua việc giải thích vì sao tên lửa Trường Chinh 5B lại khiến các nhà khoa học trên khắp thế giới lo lắng đến thế.
Các phần của tên lửa thường rơi ra trước khi chúng lên đến quỹ đạo, và điều này có thể dự đoán được trước khi phóng. Và khi được thiết kế để lên quỹ đạo, tên lửa thường được gắn các thiết bị để kiểm soát quá trình rơi trở lại Trái đất. Hoặc chúng sẽ bị bỏ lại trên những quỹ đạo “nghĩa địa” để trở thành rác vũ trụ trong nhiều thập kỷ.
Tên lửa Trường Chinh 5B nặng khoảng 20 tấn, là vật thể vũ trụ lớn nhất rơi lại Trái đất một cách không có kiểm soát trong gần 3 thập kỷ qua.
Giới khoa học lo lắng vì đã có tiền lệ xấu. Năm 1979, trạm vũ trụ Skylab của Mỹ rơi xuống Ấn Độ Dương và các mảnh vỡ rơi xuống miền tây nước Úc. Gần đây hơn, một mảnh tên lửa SpaceX Falcon 9 rơi xuống một trang trại ở bang Washington, sau khi một phần tên lửa vỡ ra trong quá trình tái nhập khí quyển.