Trong số ra mới nhất, tạp chí Bình luận Quân sự Kanwa của Canada cho biết hải quân Trung Quốc đang từng bước thành lập khu vực nhận dạng hàng hải (MNIZ) và khu vực nhận dạng âm thanh dưới nước (UAIZ) ở Biển Đông.
Trong đó, MNIZ chủ yếu là hệ thống radar sục sạo mặt biển được bố trí trên các đảo, đá để phát hiện tàu mặt nước của quân đội Mỹ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và các nước ASEAN còn UAIZ là vùng nhận dạng được xây dựng trên cơ sở hệ thống cảm biến âm thanh đáy biển quanh các đảo, đá và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo để phát hiện tàu ngầm của Mỹ, Nhật Bản và các nước ASEAN.
Cả MNIZ và UAIZ đều sử dụng cho mục đích bảo vệ cái gọi là "vùng đặc quyền kinh tế" và "lãnh hải" của Trung Quốc. Nhưng trên thực tế, phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài theo Phụ lục VII Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 đã bác bỏ yêu sách chủ quyền "đường 9 đoạn" của Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo Kanwa, so với Vùng Nhận dạng phòng không (ADIZ), việc Trung Quốc thiết lập MNIZ và UAIZ có ý nghĩa lớn hơn về mặt quân sự bởi nó đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ xây dựng thêm nhiều hệ thống radar sục sạo mặt biển, hệ thống cảm biến âm thanh đáy biển và hệ thống định vị thủy âm dạng kéo theo trên các đảo, đá ở Biển Đông.
Kanwa cho biết thêm hiện nay hải quân Trung Quốc đã bố trí cả 3 tàu ngầm hạt nhân lớp 094 ở đảo Hải Nam. Do đó, ý đồ quân sự của việc thiết lập UAIZ ở đảo Phú Lâm (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, hiện do Trung Quốc chiếm giữ phi pháp và gọi là đảo Vĩnh Hưng) càng mang tính chiến lược.
Trung Quốc có thể tận dụng độ sâu ở Biển Đông để đưa tàu ngầm hạt nhân lớp 094 tuần tra MNIZ và UAIZ giữa đảo Hải Nam và đảo Phú Lâm, khiến hệ thống chống ngầm của Mỹ rất khó có thể tiếp cận khu vực này.
Kanwa nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không công khai việc thành lập MNIZ và UAIZ ở Biển Đông, nhưng các trang, thiết bị phục vụ MNIZ và UAIZ sẽ sớm phán hiện về hoạt động của tàu ngầm Mỹ, Nhật Bản, ngăn chặn chúng lên phía Bắc tiến vào vùng biển Đài Loan.
Trước đó, Kanwa từng đưa tin nội bộ Trung Quốc đã quyết định về phạm vi ADIZ ở Biển Đông, có thể sẽ chính thức công bố vào năm 2017. Nguyên tắc cơ bản phân chia ADIZ ở Biển Đông là lấy giới hạn "vùng đặc quyền kinh tế" 200 hải lý xung quanh đảo Phú Lâm và 7 hòn đảo nhân tạo ở Biển Đông làm tiêu chuẩn.