Trung Quốc lần đầu phô trương Su-35 trên Biển Đông, đáp trả Mỹ "gây hấn"

Anh Tuấn |

Sputnik đưa tin, Không quân Trung Quốc tuyên bố vào ngày 7/2 rằng các phi cơ Su-35 mà nước này mua từ Nga đã được triển khai để diễn tập ở ngoài Biển Đông.

Theo tuyên bố của các quan chức Trung Quốc, máy bay Su-35 được triển khai với mục đích thực hiện các bài tập tác chiến.

Hoạt động này cũng nhằm nâng cao khả năng của phi công lái máy bay "trong trường hợp thực hiện các nhiệm vụ đường dài và bay vào các vùng hải phận quốc tế". Họ không tiết lộ số lượng chính xác các phi cơ tham gia vào cuộc tập trận này.

Trả lời báo Global Times, ông Xu Guangyu, một thiếu tướng đã nghỉ hưu và là cố vấn của Hiệp hội Kiểm soát và Giải giáp Vũ khí Trung Quốc nhận định rằng quá trình huấn luyện phi công vận hành loại máy bay mới đang diễn tiến rất nhanh.

"Ngoại trừ máy bay J-20, phi cơ chiến đấu thế hệ thứ tư do Trung Quốc sản xuất, Su-35 là loại máy bay chiến đấu tiên tiến hơn hẳn tất cả các loại máy bay khác của Trung Quốc vào thời điểm hiện tại", ông Xu nói. "Máy bay này mới chỉ được nhập về từ Nga vào năm ngoái, nhưng nay chúng ta đã có thể triển khai chúng để thực hiện nhiệm vụ quân sự ở Biển Đông".

Ông Xu cũng tin rằng, việc Trung Quốc sử dụng Su-35 "cũng chứng minh mối quan hệ hợp tác quân sự Trung – Nga rất bền vững, đôi bên cùng có lợi và đáng tin cậy".

Trung Quốc và Nga đã đạt được thỏa thuận mua 24 máy bay chiến đấu Su-35 với tổng trị giá lên đến 2 tỉ USD vào tháng 11/2015. 4 chiếc phi cơ đầu tiên đã được cung cấp vào cuối năm 2016, 10 chiếc khác được bàn giao vào năm 2017. Dự kiến 10 chiếc còn lại sẽ sớm được giao cho Trung Quốc trong năm nay.

Ông Xu cũng nói rằng việc triển khai Su-35 rất có thể là nhằm đáp trả tàu chiến Hải quân Mỹ đã áp sát một hòn đảo tranh chấp giữa Trung Quốc và Philippines vào tháng 1/2018. "Sự xuất hiện của máy bay chiến đấu hiện đại, có khả năng tập kích tàu chiến trong khu vực của Trung Quốc có thể coi là phản ứng trước hành động gây hấn của Mỹ", ông Xu nói.

Tàu chiến USS Hopper của Mỹ đã xuất hiện cách Bãi cạn Scarborough, nơi Trung Quốc và Philippines khẳng định là một phần lãnh thổ của họ, chỉ 12 hải lý.

Sau vụ việc này, Trung Quốc đã chỉ trích Mỹ "vô cớ gây ra xáo trộn" trong khu vực. Đáp lại, Mỹ nói rằng họ có quyền thực hiện các hoạt động tuần tra trên vùng biển quốc tế để đảm bảo tự do đi lại của các tàu bè trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại