Phát biểu tại họp báo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng những lo ngại an ninh của các bên trên Bán đảo Triều Tiên cần phải và chỉ có thể được giải quyết theo hướng đáp ứng lợi ích cho tất cả các bên.
Theo bà, bất kỳ hành động đơn phương nào trên cơ sở tư lợi của một bên đều sẽ không giúp giải quyết những lo ngại an ninh, mà sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình căng thẳng, phức tạp vấn đề và khiến tình hình trở nên khó khăn hơn.
Bà Hoa Xuân Oánh nhấn mạnh Trung Quốc hối thúc mạnh mẽ tất cả các bên phát biểu và hành động một cách cẩn trọng để tránh khiêu khích nước khác.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc lại Bắc Kinh sẽ tiếp tục tham gia các cuộc thảo luận của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, và với tư cách là một ủy viên thường trực trong Hội đồng Bảo an, nước này sẽ tiếp tục thực thi các nghị quyết của hội đồng một cách trọn vẹn.
Trung Quốc sẽ nỗ lực không ngừng với các bên hữu quan để giải quyết những vấn đề liên quan Bán đảo Triều Tiên.
Trong khi đó, Nhật Bản đã nhất trí phối hợp với Canada, Italy và Liên minh châu Âu (EU) để đối phó với Triều Tiên sau khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 5 ngày 9/9 vừa qua.
Trong một diễn biến liên quan, ngày 13/9, Mỹ đã triển khai các máy bay ném bom trên bầu trời Hàn Quốc và tiến hành huấn luyện chung với các máy bay tiêm kích của Nhật Bản và Hàn Quốc tại các vùng phụ cận của những nước này.
Theo Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, Đô đốc Harry Harris, những chuyến bay này thể hiện sự đoàn kết giữa Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản trong việc phòng thủ trước những hành động khiêu khích và gây bất ổn của Triều Tiên, trong đó, ông Harris ám chỉ tới những chuyến bay của 2 máy bay ném bom chiến lược B-1B của không quân Mỹ trên bầu trời Hàn Quốc.
Hai máy bay trên cất cánh từ Guam, ban đầu tiến hành huấn luyện đánh chặn máy bay tiêm kích với 2 máy bay F-2 của Lực lượng phòng vệ trên không Nhật Bản ở Tây Nam Nhật Bản, sau đó bay qua Căn cứ không quân Osan để tới miền Nam Seoul.
Vụ thử hạt nhân ngày 9/9 vừa qua được cho là vụ thử lớn nhất của Triều Tiên từ trước đến nay. Bình Nhưỡng khẳng định đã làm chủ khả năng gắn đầu đạn hạt nhân lên tên lửa đạn đạo và sẽ tiếp tục tăng cường sức mạnh hạt nhân, đồng thời yêu cầu Washington công nhận Triều Tiên là “quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân.”
Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Nga, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)… đã ra tuyên bố lên án vụ thử hạt nhân này của Bình Nhưỡng.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc khẳng định sẽ sớm đưa ra một nghị quyết nhằm đáp trả hành động này của Triều Tiên./.