Trung Quốc huấn luyện quân sự ngư dân, xua xuống Biển Đông

An Nhiên |

Trung Quốc trả tiền cho ngư dân tham gia các khóa huấn luyện quân sự kéo dài 4 tháng nhằm phát triển lực lượng dân quân biển.

Theo hãng tin Reuters, Trung Quốc đang huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam để trở thành "dân quân" rồi xua xuống biển Đông, mang danh tàu đánh cá.

Một số ngư dân tại Hải Nam khẳng định nhiều tàu cá tại đây được trang bị vũ khí hạng nhẹ.

Để phát triển lực lượng dân quân biển, Trung Quốc đã đưa Lực lượng vũ trang nhân dân đến đảo Hải Nam để huấn luyện quân sự cho ngư dân.

Hãng tin Reuters cho biết những ngư dân tham dự khóa học kéo dài bốn tháng, từ tháng 5 đến tháng 8, và đều được trả tiền.

Trong khi trả lời phỏng vấn với Reuters, các quan chức chính phủ, giám đốc các công ty đánh cá... của Trung Quốc còn cho biết ngư dân được huấn luyện các bài tập trên biển cũng như khả năng thu thập thông tin của tàu nước khác.

Ngoài việc huấn luyện quân sự cơ bản, Trung Quốc còn trợ giá để ngư dân đóng tàu thép, đồng thời trang bị thiết bị Định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) cho 50.000 tàu cá để dễ liên lạc với Hải cảnh Trung Quốc với mục đích đối phó tàu nước ngoài.

Giới chức Trung Quốc từng xác nhận Bắc Kinh khuyến khích ngư dân liều lĩnh đi vào các vùng tranh chấp trên Biển Đông bằng cách trợ cấp và huấn luyện an ninh cho các ngư dân.

Mưu đồ dài hơi

Hồi đầu tháng 3/2016, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc dẫn lời Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Hải Nam La Bảo Minh cho biết chính phủ nước này sẽ tài trợ và huấn luyện kỹ thuật quốc phòng cho lực lượng ngư dân để đưa ra Biển Đông.

Tại phiên họp thường niên Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc ở Bắc Kinh, ông La cho biết Hải Nam có hơn 100.000 ngư dân và với số lượng này thì việc giúp sức cho lực lượng hải quân tuần tra biển, giành lấy ngư trường truyền thống của ngư dân nước khác là chuyện “không khó”!

Vụ việc tàu cá Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Indonesia hồi tháng 3/2016 là một ví dụ cho thấy chính quyền Trung Quốc đứng sau các hoạt động của ngư dân nước này tại các vùng biển tranh chấp.

Luật đánh cá của Trung Quốc ngang ngược xác định khu vực đánh cá ở Trường Sa bao gồm toàn bộ vùng biển bên trong “đường chín đoạn” và các cơ quan chính quyền cấp giấy phép và hỗ trợ ngư dân đánh cá trong khu vực này. Một phần của “đường chín đoạn” lấn vào vùng đặc quyền kinh tế của Indonesia.

Bắc Kinh đã đẩy các ngư dân đến đánh bắt tại khu vực vùng biển Natuna của Indonesia để chứng minh đây là “vùng đánh cá truyền thống” của mình.

Trong khi đó, các tàu tuần duyên cũng có mặt để thực hiện hai nhiệm vụ chính: bảo vệ các ngư dân và khẳng định quyền kiểm soát của Bắc Kinh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại