Gần đây, trong chương trình Focus Today của đài truyền hình CCTV (Trung Quốc) đã xuất hiện hình ảnh về ý tưởng thiết kế máy bay ném bom chiến lược thế hệ mới H-20 của Trung Quốc.
Chương trình này dẫn phân tích của chuyên gia quân sự cho rằng tầm bay của H-20 khoảng 13.000km, bán kính tác chiến hơn 5.000km, tải trọng có thể đạt 30 - 40 tấn.
Ngoài ra, theo chuyên viên nghiên cứu quân sự của Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Bộ quốc phòng Mỹ, Trung Quốc có kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Micronesia (một tiểu vùng của châu Đại Dương, gồm hàng ngàn đảo nhỏ ở tây Thái Bình Dương), đây có thể là căn cứ chiến lược.
Trong thời gian gần đây cũng liên tục có suy đoán rằng H-20 sẽ có chuyến bay thử lần đầu tiên, bởi trong loạt máy bay đuôi "-20" của Trung Quốc, Y-20, J-20 và Z-20 đã hoàn thành chuyến bay đầu tiên, thậm chí Y-20 và J-20 đã bắt đầu phục vụ.
J-20 trình diễn tại triển lãm hàng không Zhuhai 2016
Một số báo cáo cho biết H-20 được đặt mục tiêu chính là tấn công Bắc Mỹ, tuy nhiên số liệu cơ bản của máy bay này không được lý tưởng. Chẳng hạn, có phương tiện truyền thông cho rằng, với tầm bay 13.000km và bán kính tác chiến 5.000km, nếu tấn công Bắc Mỹ thì H-20 chỉ có khả năng "một đi không trở lại".
Bên cạnh đó, nếu H-20 thực sự đạt đến tải trọng 30-40 tấn thì điều này có thể sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tầm bay tác chiến của nó, cũng có nghĩa là H-20 khó có thể đạt tầm bay 13.000km.
Trong 3 loại máy bay ném bom chiến lược B-52H, B-1B và B-2A chủ lực của Mỹ, tầm bay lớn nhất của B-52H cũng chỉ có 16.000km, khoảng cách này không đủ để hỗ trợ nó bay từ lãnh thổ Mỹ đến Tây Thái Bình Dương để hoàn thành nhiệm vụ tác chiến và bay về.
Tuy quân đội Mỹ hiện có thể thực hiện được điều này nhờ sự hỗ trợ của máy bay tiếp dầu nhưng trong thời chiến thì không dễ dàng như vậy. Vì thế, quân đội Mỹ mới triển khai căn cứ máy bay ném bom chiến lược tại đảo Guam.
B-52H, B-1B và B-2A thường xuyên triển khai tại đây, có thể dễ dàng bao phủ tất cả mục tiêu tại châu Á-Thái Bình Dương. Vì vậy, Trung Quốc cũng học theo cách làm của quân đội Mỹ - tìm một chỗ đứng tại Thái Bình Dương.
Máy bay ném bom chiến lược Mỹ tại đảo Guam
Nếu Trung Quốc có thể thiết lập căn cứ giống như đảo Guam trên quốc đảo ở Nam Thái Bình Dương thì họ có thể:
Một là, phá vỡ sự phong toả chuỗi đảo của Mỹ, vũ khí không-hải nào của Trung Quốc tại đây cũng đều có thể khiến quân Mỹ bị bao vây tứ phía, lúc đó Châu Á - Thái Bình Dương không còn là nơi an toan cho Mỹ;
Hai là đáp ứng yêu cầu tác chiến của H-20, lấy đây làm cơ sở để giúp Trung Quốc rút ngắn khoảng cách với Mỹ từ khoảng 10.000km xuống còn 6.000 - 8.000km, thích hợp với hoạt động tác chiến của H-20;
Ba là căn cứ cho tàu ngầm hạt nhân Type 094 để bất cứ lúc nào cũng có thể tấn công lục địa Mỹ;
Bốn là triển khai máy bay tiếp dầu trên không Y-20 tại đây để hỗ trợ Trung Quốc tiến hành bất kỳ hoạt động quân sự tầm xa nào ở khu vực này.
Trong bối cảnh Trung Quốc đang chịu sức ép chiến lược từ Mỹ, những điều được giới quan sát trong và ngoài nước quan tâm nhất là: Khi nào H-20 ra đời? Bán kinh tác chiến là bao nhiêu?
Báo cáo của Mỹ cho thấy, Trung Quốc đang tiến hành công tác chuẩn bị thiết lập căn cứ quân sự tại Micronesia nên sau khi H-20 đưa vào sử dụng, căn cứ này cũng có thể đã được bào giao. Khi đó, Trung Quốc không còn chịu sự phong tỏa của chuỗi đảo.
Bên cạnh đó, một khi máy bay ném bom chiến lược và tàu ngầm hạt nhân chiến lược của nước này giải quyết được tình trạng "tiến thoái lưỡng nan" về phạm vi tấn công, thì không chỉ khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà ngay cả cán cân chiến lược toàn cầu cũng sẽ bị phá vỡ.