Báo cáo mới công bố của Viện Chính sách Chiến lược Úc (ASPI), một tổ chức nghiên cứu phi đảng phái được chính phủ Úc tài trợ một phần kinh phí, cho rằng các chính phủ và trường đại học phương Tây dường như thiếu cảnh giác đối với chiến dịch sử dụng công nghệ nước ngoài để tăng cường sức mạnh cho quân đội Trung Quốc.
Đài CNN dẫn báo cáo của ASPI cho biết kể từ năm 2007, hơn 2.500 nhà khoa học có liên hệ với Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) đã đến Mỹ, Úc, Anh và một số quốc gia khác để làm việc.
Báo cáo nêu rằng: "Họ hoạt động trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược và mới nổi như vật lý lượng tử, xử lý tín hiệu, mật mã, công nghệ điều hướng và thiết bị tự động".
Số nhà khoa học Trung Quốc này đến từ các đơn vị như Học viện Tàu ngầm Hải quân, Trường Đại học Cơ khí Lực lượng Tên lửa... ASPI tiết lộ nhiều người sử dụng "vỏ bọc" để che đậy các mối liên hệ với PLA.
Theo báo Washington Times, mục tiêu chính của Bắc Kinh là những trường đại học nằm ở 5 quốc gia thuộc liên minh chia sẻ tình báo Five Eyes (Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand). Tờ nhật báo Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc thậm chí mô tả những hoạt động này là "hái hoa từ đất nước ngoài" để tạo nên mật ngọt ở Trung Quốc".
Trả lời đài CNN, Bộ Ngoại giao Trung Quốc gọi báo cáo của ASPI là "ngớ ngẩn, vô căn cứ, vô trách nhiệm và không đáng bác bỏ".
Nhiều trường đại học ở Úc cũng phản pháo mạnh mẽ. Họ khẳng định đã đánh giá hồ sơ của sinh viên từ tất cả các nước một cách cẩn trọng và liên hệ với các cơ quan quốc phòng, an ninh trong trường hợp cần thiết.
Báo cáo của ASPI được công bố chỉ một ngày sau khi ông Christopher Ashley Ford, trợ lý Cục trưởng Cục An ninh quốc tế và không phổ biến vũ khí hạt nhân, khẳng định trấn áp hoạt động chuyển giao công nghệ cho Trung Quốc là ưu tiên của Mỹ.
Trong ngày 30-10, Bộ Tư pháp Mỹ đã truy tố 10 "gián điệp Trung Quốc" - bao gồm 2 quan chức tình báo thuộc bộ phận ở tỉnh Giang Tô của Bộ An ninh quốc gia (MSS), 6 tin tặc và 2 nhân viên làm việc cho một công ty Pháp - vì tìm cách đánh cắp công nghệ hàng không từ các công ty Mỹ.