Tờ China Military cho hay, NNS Unity - chiếc tàu tuần tra xa bờ (OPV) P18N thứ 2 do Tập đoàn công nghiệp đóng tàu Wuchang - Trung Quốc đóng cho Hải quân Nigeria đã cập cảng Lagos hôm 4/11.
Trước đó 2 ngày, Thủ tướng Malaysia Najib Razak tuyên bố Hải quân Hoàng gia Malaysia sẽ đặt mua 4 tàu OPV từ Trung Quốc.
Ngoài ra, một chiếc khinh hạm do Trung Quốc tự phát triển để phục vụ xuất khẩu đã được chuyển giao cho khách hàng tại Thượng Hải hôm 12/7/2016.
Theo báo cáo của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV), cho tới nay, Trung Quốc đã xuất khẩu hơn 20 tàu chiến với lượng giãn nước 1.000 tấn trở lên cho nhiều quốc gia như Bangladesh, Thái Lan, Pakistan, Ai Cập, Nigeria và Algeria.
Mô hình tàu tuần tra P18N. Ảnh: Navy Recognition
Truyền thông Nhật Bản nhận định rằng Trung Quốc, thông qua con đường xuất khẩu tàu hải quân, đang tăng cường mối quan hệ với hải quân các nước Đông Nam Á và từ đó xây dựng mối quan hệ quân sự song phương chặt chẽ.
Theo báo chí Nhật, những hợp đồng xuất khẩu này có thể xem là "chiến dịch đặc biệt" của Trung Quốc, chúng sẽ ly gián Mỹ và các quốc gia đã duy trì mối quan hệ quân sự tốt đẹp với Washington bấy lâu nay. Những quốc gia này sẽ bắt đầu ủng hộ Bắc Kinh.
Trước những nhận định trên, Du Wenlong - nhà nghiên cứu tại Học viện Khoa học Quân sự Trung Quốc chỉ trích truyền thông Nhật Bản đang cố tình thổi phồng "mối đe dọa từ Trung Quốc".
Theo ông Du, các hợp đồng xuất khẩu thiết bị hoặc công nghệ quân sự từ Trung Quốc không kèm theo bất cứ điều kiện nào. Mối quan hệ hợp tác công nghệ quân sự giữa Trung Quốc và các nước khác không nhằm mục đích xây dựng "liên minh" như Nhật Bản nói.
Vị chuyên gia khẳng định, quyết định xuất khẩu được dựa trên mối quan tâm và nhu cầu của quốc gia nhập khẩu.
Hiện nay, các loại thiết bị và vũ khí hạng nhẹ của Trung Quốc khá phổ biến tại các nước phát triển ở châu Á và châu Phi. Đối với những nước này, khí tài do phương Tây (VD như Mỹ) sản xuất có giá quá đắt đỏ và không thỏa mãn được nhu cầu của họ.
Ông Du cho biết, Trung Quốc không chỉ cân nhắc tới nhu cầu tác chiến của khách hàng, mà còn đưa ra mức giá phải chăng, phù hợp với ngân sách của mỗi nước.
Vi chuyên gia nhấn mạnh rằng, chính "công nghệ và sự chân thành" của Trung Quốc đã thu hút các quốc gia khách hàng. Bắc Kinh không dùng công nghệ quân sự để ràng buộc bất cứ quốc gia nào.
Theo chuyên gia Du, những tuyên bố của truyền thông Nhật Bản là nhằm khiêu khích Mỹ đối đầu Trung Quốc. Các công nghệ cơ bản và mức độ tương thích vũ khí trên tàu chiến Trung Quốc đã đạt đến mức độ cao, thiết bị và vũ khí do Trung Quốc sản xuất "có tính năng kỹ thuật tuyệt vời và giá cả phải chăng".
Song, cần phải lưu ý rằng, tuyên bố của ông Du có phần đi ngược lại với những gì mà một số quốc gia phản ánh về chất lượng tàu chiến của Trung Quốc.
Tàu hộ vệ C28A do Trung Quốc đóng cho Algeria.
Tháng 7 năm nay, trang mạng warfiles.ru cho biết Algeria đã rất thất vọng với chất lượng đóng tàu của Trung Quốc.
Nước này đặt mua 3 chiếc tàu hộ vệ C28A của Trung Quốc từ năm 2012. Chiếc tàu đầu tiên của dự án trên với tên gọi Adhafer số hiệu 920 được khởi đóng năm 2013, hạ thuỷ vào tháng 8/2014 và sau đó được bàn giao cho Algeria vào tháng 9/2015.
Chiếc tàu thứ hai với tên gọi El Fatih số hiệu 921 được hạ thuỷ vào đầu năm 2015 và bàn giao cho khách hàng vào tháng 1/2016. Chiếc tàu thứ ba được hạ thủy từ giữa năm 2015 nhưng mãi đến năm nay mới được bàn giao.
Theo các điều khoản của hợp đồng, chiếc tàu đầu tiên phải được bàn giao cho phía Algeria trong vòng 38 tháng kể từ ngày ký đơn đặt hàng, các tàu còn lại với biên độ 6 tháng.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã thực hiện đơn hàng này chậm tiến độ trung bình 2-4 tháng/tàu. Trang mạng của Nga cho biết, cũng vì lý do này mà Algeria đã dừng đặt hàng thêm 3 chiếc C28A của Trung Quốc.