Vũ khí TQ chỉ bán được cho nước nghèo? Phương Tây đã nhầm, thực tế đáng sợ hơn thế!

Linh Lâm |

Lâu nay, TQ theo tiêu chí "không can thiệp vào các giao dịch vũ khí", gạt 3 yếu tố chính trị, quân sự và hồ sơ về nhân quyền của quốc gia khách hàng ra ngoài các thỏa thuận.

Chiến lược xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc thực sự là một thành công? Câu hỏi đầu tiên được đưa ra là liệu có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc, giống như sự thành công của ngành xuất khẩu thương mại, với quy mô lớn hơn, của nước này?

Mặc dù bức tranh vẫn còn chưa rõ nét nhưng đã có những dấu hiệu cho thấy có điều gì đó đang thực sự diễn ra.

Dưới đây là phân tích của chuyên gia Ron Matthews tại Trung tâm lãnh đạo & quản lý quốc phòng, Đại học Cranfield, cùng chuyên gia nghiên cứu Xiaojuan Ping tại Viện Đông Á, Đại học quốc gia Singapore về tình hình, chiến lược xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc:

Xuất khẩu vũ khí Trung Quốc gia tăng

Sản lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đang tăng lên, chiếm 6,2% sản lượng xuất khẩu vũ khí toàn cầu trong giai đoạn 2012-2016, và tăng lên con số ấn tượng 7,4% trong giai đoạn 2007-2011.

Trong giai đoạn 2012-2016, sản lượng xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc thậm chí còn vượt trước Đức, Pháp và Anh, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia xuất khẩu vũ khí lớn thứ 3 thế giới (sau Mỹ và Nga).

Đây không phải là đột biến trong ngắn hạn, mà là chiều hướng gia tăng trong dài hạn. Từ 2000-2015, xuất khẩu vũ khí Trung Quốc đã tăng lên 6,5 lần. Năm 2016, Trung Quốc đã chuyển giao 2,1 tỷ USD vũ khí, chỉ thấp hơn Pháp một chút (2,2 tỷ USD) nhưng vượt xa Anh (1,4 tỷ USD).

Mặc dù thị phần năm 2016 của Trung Quốc kém xa Mỹ (33%) nhưng khoảng cách này đang dần được thu hẹp với Nga (23%) và đang dần biến mất với Pháp (6%), Đức (5,6%), cũng như Anh (4,6%).

Vũ khí TQ chỉ bán được cho nước nghèo? Phương Tây đã nhầm, thực tế đáng sợ hơn thế! - Ảnh 1.

Trung Quốc tham gia triển lãm vũ khí IDEX 2017 tại Abu Dhabi (UAE)

Ngành xuất khẩu vũ khí Trung Quốc bị chê bai là thiếu sức hút toàn cầu do 72% sản lượng xuất khẩu trong 5 năm trở lại đây chỉ tập trung ở 3 nước: Pakistan, Bangladesh và Myanmar. Tuy nhiên, sự phê phán này không công bằng, bởi nhiều quốc gia xuất khẩu vũ khí lâu năm vẫn phụ thuộc vào một số khách hàng "ruột".

Nga là nhà xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới trong giai đoạn 2012-2016 nhưng vẫn phụ thuộc vào 4 khách hàng chính - Ấn Độ, Việt Nam, Trung Quốc và Algeria - chiếm 70% sản lượng xuất khẩu. Tương tự, 71% sản lượng xuất khẩu vũ khí của Anh tập trung vào Ấn Độ, Mỹ và Saudi Arabia (riêng nước này đã chiếm một nửa sản lượng xuất khẩu vũ khí của Anh trong giai đoạn 2010-2015).

Những người chê bai thì cho rằng vũ khí Trung Quốc chỉ hấp dẫn được các nước nghèo hơn, vì vũ khí cũ thường rẻ hơn. Mặc dù cũng có phần đúng nhưng nhận định này cần được làm rõ. Trung Quốc đã thành công trong việc đa dạng hóa nguồn khách hàng và hiện nước này đang xuất khẩu vũ khí tới 55 quốc gia trên thế giới, trải từ châu Á, Trung Đông, châu Phi, cho tới Mỹ Latin.

Nhiều khách hàng trong số này là các quốc gia đang phát triển. Chẳng hạn, 2/3 số quốc gia ở châu Phi - lục địa nghèo nhất trên thế giới - đang mua các hệ thống vũ khí từ Trung Quốc, phần nhiều là các thiết bị quân sự cơ bản.

Tuy nhiên, thời thế đang thay đổi. Vũ khí Trung Quốc không còn là những di sản từ thời Liên Xô.

Quân đội Trung Quốc (PLA) đang thay thế các hệ thống vũ khí cũ của Liên Xô bằng các mẫu vũ khí "nội địa" cải tiến và đang xuất khẩu các khí tài được hiện đại hóa, trong đó có xe tăng chiến đấu chủ lực Type 99, máy bay chiến đấu J-10, các tàu ngầm lớp Yuan cho Thái Lan, Myanmar, Bangladesh và Pakistan.

Vũ khí TQ chỉ bán được cho nước nghèo? Phương Tây đã nhầm, thực tế đáng sợ hơn thế! - Ảnh 2.

Gian hàng của Trung Quốc tại một triển lãm quân sự ở Pakistan.

Trung Quốc đã điều chỉnh, đổi mới và tham gia tích hợp các hệ thống để tiến lên trên nấc thang công nghệ, phát triển các phương tiện bay không người lái (UAV) có độ tin cậy và tính cạnh tranh, cùng các loại tên lửa hành trình chống tàu.

Mức độ tinh vi của công nghệ tăng lên, kết hợp với giá thành tương đối thấp đã dẫn tới các giao dịch vũ khí mang lại hiệu quả chi phí gia tăng.

Sức hút của chúng đối với các khách hàng "thông thái" đã được ghi nhận khi 25% khách hàng của Trung Quốc hiện nay thuộc nhóm các quốc gia có thu nhập cao như Thổ Nhĩ Kỳ, Saudi Arabia và UAE.

Chiến lược của Bắc Kinh

Có điều gì khác và đặc biệt để phân biệt chiến lược xuất khẩu vũ khí Trung Quốc với các đối tác phương Tây hay không? Câu trả lời là "Có".

Đầu tiên, các nhà chiến lược phương Tây không nên có bất cứ ảo tưởng nào rằng doanh thu xuất khẩu là mục tiêu chính của Bắc Kinh. Trên thực tế, mục đích cuối cùng của Trung Quốc là sức ảnh hưởng lâu dài về chiến lược và địa chính trị.

Tìm kiếm ảnh hưởng trong khu vực và trên toàn cầu là mục tiêu quan trọng trong ngoại giao kinh tế của Trung Quốc. Nó phản ánh khía cạnh được tập trung tỉ mỉ hơn trong khuôn khổ quyền lực mềm của Bắc Kinh, bao gồm viện trợ nước ngoài, đầu tư trực tiếp nước ngoài, các chương trình giáo dục ở nước ngoài và quan trọng hơn là bán vũ khí.

Lâu nay, Trung Quốc theo tiêu chí "không can thiệp vào các giao dịch vũ khí", gạt 3 yếu tố chính trị, quân sự và hồ sơ về nhân quyền của quốc gia khách hàng ra ngoài các thỏa thuận.

Chính sách "không đặt câu hỏi" của Trung Quốc khiến nhiều nước phương Tây phản đối nhưng không thể tranh cãi hiệu quả của nó trong việc giúp Bắc Kinh bán vũ khí và đảm bảo sức ảnh hưởng.

Chính sách này đặc biệt thu hút các quốc gia đang phải chịu sự phụ thuộc quá mức vào vũ khí Nga và Mỹ. Trung Quốc mang lại cho các nước nghèo cơ hội để đa dạng hóa nguồn cung, giảm tổn thất chiến lược đối với các lệnh cấm vận vũ khí.

Mô hình xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc có một số điểm đáng lưu ý khác. Từ quan điểm chiến lược của Trung Quốc, nó thúc đẩy mối quan hệ giữa Bắc Kinh với các quốc gia khách hàng và thúc đẩy quá trình tăng cường sự ảnh hưởng của Bắc Kinh, đặc biệt là đối với các quốc gia láng giềng.

Không phải ngẫu nhiên mà các giao dịch vũ khí của Trung Quốc tới Pakistan, Sri Lanka, Bangladesh và Myanmar đều gián tiếp làm giảm mối đe dọa tiềm tàng từ phía một siêu cường khác của châu Á - Ấn Độ.

Vũ khí Trung Quốc cũng mang tính cạnh tranh cao, bởi giá của chúng thấp hơn so với phương Tây. Chẳng hạn, các máy bay không người lái chỉ có giá thành bằng 10-20% một mẫu máy bay gần tương tự của Mỹ.

Cuối cùng, Trung Quốc sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho quốc gia khách hàng thông qua các thỏa thuận bù đắp, hỗ trợ khách hàng bảo dưỡng, sửa chữa và nâng cấp các khí tài, thậm chí sản xuất linh kiện tại đất nước của họ.

Mặc dù chưa giữ vị thế thống trị nhưng chiến lược xuất khẩu vũ khí của Trung Quốc đã chứng minh được hiệu quả trong việc giành thị phần với các quốc gia cạnh tranh khác.

Trung Quốc còn bắt đầu lấn sang các thị trường có thu nhập cao hơn nhưng không đòi hỏi độ tinh vi về công nghệ. Đây là một chiến lược lâu dài, được thúc đẩy bởi các mục tiêu ngoại giao và địa chính trị, thay vì lợi nhuận thương mại.

***Bài viết thể hiện quan điểm riêng của hai chuyên gia Ron Matthews và Xiaojuan Ping.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại