Trung Quốc dùng đòn "đau" trả đũa Úc nhưng thực tế cũng sẽ thiệt hại

Minh Khôi |

Chuyên gia lưu ý, ngành công nghiệp Trung Quốc phụ thuộc khá lớn vào khí đốt tự nhiên và than từ Úc.

Nông dân Úc thiệt hại

100.000 đô la Úc (1,6 tỷ đồng), đó là con số lợi nhuận mà Robert Miolini, một người nông dân ở vùng Wheatbelt, phía bắc nước Úc, ước tính bị mất đi khi Trung Quốc tuyên bố kế hoạch áp mức thuế chống trợ giá lên tới 80% trong vòng 5 năm đối với lúa mạch nhập khẩu từ Úc.

Người chủ của một trang trại gần đó đã trồng số lúa mạch nhiều gấp 200 lần có thể mất toàn bộ tài sản sau bước đi này của Trung Quốc, nước đã mua tới 9/10 số lượng lúa mạch được trồng ở Wheatbelt vào năm ngoái, khu vực có diện tích tương đương Bangladesh.

Rhys Turton, chủ tịch Hiệp hội Nông dân Phía Tây Australia, nói quyết định của Bắc Kinh là "một trò hề", đồng thời khẳng định "người nông dân tại Úc không được trợ cấp ở bất cứ điều gì".

Một dấu hiệu khác cho thấy sự đi xuống của mối quan hệ song phương giữa 2 nước là việc Trung Quốc đưa ra tuyên bố vào cuối tuần trước rằng Cam Gillespie, một công dân Úc đã bị bắt giữ 7 năm trước với cáo buộc buôn ma tuý, đã bị tuyên án tử hình.

Trung Quốc dường như không có bất kỳ động thái nhượng bộ nào khi đẩy mạnh các biện pháp trả đũa.

Bộ Giáo dục Trung Quốc đưa ra cảnh báo về việc học tập tại Úc, khi chỉ ra sự gia tăng về các vụ việc phân biệt chủng tộc nhằm vào người châu Á, một số còn cáo buộc người châu Á là nguyên nhân dẫn đến sự lây lan của Covid-19.

Ngay sau đó, Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc cũng đưa ra một cảnh báo tương tự và khuyến nghị người dân Trung Quốc không nên du lịch tới Úc vào thời điểm này

Giáo dục hiện là nguồn thu ngoại hối lớn thứ 3 của Úc, trong khi các học sinh từ Trung Quốc mang lại 12 tỷ đô la Úc cho nền kinh tế vào năm ngoái. Tuy nhiên, việc Úc hiện tại vẫn đang đóng cửa đối với công dân nước ngoài do lo ngại làn sóng lây nhiễm Covid-19 thứ hai, những khuyến cáo của nhà chức trách Trung Quốc không thực sự có tác dụng ở thời điểm này.

Một lệnh cấm xuất khẩu của Trung Quốc đối với 4 lò mổ lớn tại Úc với cáo buộc dán nhãn không hợp quy chỉ vài ngày sau khi công bố áp thuế đối với lúa mạch đã khiến kim ngạch xuất khẩu của Úc giảm 200 triệu đô la Úc mỗi tháng và gây rủi ro lớn đối với hàng nghìn việc làm.

John Seccombe, chủ tịch Northern Rivers Meat Cooperative, một trong bốn lò mổ nằm trong danh sách cấm, nói rằng quyết định trên đã khiến doanh nghiệp của ông giảm 1/3 doanh thu chỉ sau 1 đêm.

"Trung Quốc mua tới 20 - 30% sản phẩm của chúng tôi với múc giá tốt", Seccombe nói. "Do đó, việc bị cấm xuất khẩu đã ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động của công ty".

Lý do đằng sau việc áp thuế

Lý do chính đằng sau sắc thuế mới này, thực chất là việc người Trung Quốc tức giận trước việc Úc thúc đẩy một cuộc điều tra quốc tế độc lập về việc chính quyền Bắc Kinh đối phó với đại dịch Covid-19 ở thời điểm ban đầu khi mới bùng phát tại thành phố Vũ Hán.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã liên tiếp áp đặt thuế và cấm nhập khẩu thịt bò Úc, cũng như khuyến cáo người dân đến nước này bằng cách viện dẫn cáo buộc phân biệt chủng tộc đối với người châu Á.

Vào tháng 4, Cheng Jingye, Đại sứ Trung Quốc tại Canberra, đã khuyến cáo việc Úc thúc đẩy quá trình điều tra về Covid-19 có thể khiến người Trung Quốc tẩy chay du lịch và học tập tại Úc, cũng như các mặt hàng xuất khẩu chính như thịt bò và rượu.

Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Úc với 26% tổng kim ngạch thương mại, trong đó hàng hóa xuất khẩu từ Úc sang Trung Quốc ước tính đạt 153 tỷ đô la Úc vào năm ngoái.

Bất chấp các tác động tiêu cực đối với tình hình kind doanh, Seccombe từ chối gia nhập làn sóng chỉ trích Trung Quốc đang gây sức ép đối với Úc về việc thúc đẩy điều tra Covid-19. "Chúng tôi nắm được những gì đang xảy ra nhưng không muốn dính líu vào việc này", ông nói.

Tuy nhiên, Warwick Powell, giáo sư về kinh tế tại trường Đại học Kĩ thuật Queensland ở Brisbane, tin rằng những vấn đề mà Trung Quốc đưa ra là hợp lý.

"Việc người mua hàng có quyền đưa ra lựa chọn của họ không có gì là bất thường", Powell nói. "Và rõ ràng, bạn cần đáp ứng các yêu cầu của họ nếu muốn bán được hàng".

Ông Powell cũng là người sáng lập của BeefLedger, một sản phẩm blockchain cho phép người sử dụng ở nước ngoài xác nhận nguồn gốc của bất cứ sản phẩm thịt nào được sản xuất tại Úc, nói rằng những lo ngại về vấn đề an toàn thực phẩm tại Trung Quốc càng trở nên ưu tiên kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát.

Powell cũng cho rằng việc Trung Quốc áp thuế với lúc mạch vào lúc này chỉ là sự trùng hợp.

"Đây là những vấn đề hoàn toàn khác nhưng đã xuất hiện một thời gian dài, và việc này sớm hay muộn cũng sẽ xảy ra", ông nói.

Đây là điều mà ngay cả Miolini và những người nông dân trồng lúa mạch khác, có lẽ sẽ phải chấp nhận.

"Chúng tôi đã biết được rủi ro này trong vòng 18 tháng qua", Miolini nói. Tuy nhiên, một nhà kinh tế học người Mỹ Anthony Graceffo nói rằng chính sách thương mại của Trung Quốc vẫn khá mù mờ.

"Bạn có thể đưa ra hàng loạt lý do chính đáng tại sao Trung Quốc lại than phiền và việc những lời than phiền này có hợp lý hay không. Nhưng chính nước này cũng đã từng áp dụng các biện pháp thương mại khi không hài lòng về một vấn đề nào đó", Graceffo nói.

Trong khi Úc khẳng định họ sẽ đưa vấn đề Trung Quốc áp thuế lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Graceffo cho rằng điều này chỉ tốn thời gian vô ích.

"Trung Quốc thường chiến thắng trong những vấn đề thương mại liên quan đến họ", Graceffo nói thêm. "Ngay cả khi họ thua, WTO có cơ chế giám sát thực thi không mấy hiệu quả, và thời hạn mà họ đưa ra để các nước áp dụng khá là vô lý - có thể kéo dài tới 3 năm".

Trung Quốc cũng bị thiệt

Tuy nhiên, trong khi người tiêu dùng Trung Quốc có thể sống sót mà không cần những sản phẩm thịt bò từ Úc, các công ty sản xuất thép của nước này không thể hoạt động mà không có nguồn quặng sắt từ Úc, vốn chiếm tới 2/3 quặng sắt nhập khẩu của nước này.

"Việc đặt ra giới hạn nhập khẩu quặng sắt từ Úc sẽ ảnh hưởng tới các công ty sản xuất thép trong nước, nhất là khi chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy đầu tư vào xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng", Gavin Thompson, phó chủ tịch Wood Mackenzie ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, một công ty tư vấn về năng lượng có trụ sở ở Singapore, nhận định.

Thompson cũng lưu ý rằng ngành công nghiệp Trung Quốc phụ thuộc khá lớn vào khí đốt tự nhiên từ Úc, và ở mức độ ít hơn, là than từ Úc, và nhập khẩu các nguồn khoáng sản tự nhiên ở quy mô lớn hơn so với thời điểm trước Covid-19.

"Mọi mối quan hệ đều có những thời điểm trục trặc, tuy nhiên, cả 2 phía sẽ đều thiệt hại nếu căng thẳng ngoại giao tiếp tục gia tăng. Đây là thời điểm các bên cần bình tĩnh lại, trong đó ưu tiên đối thoại và các giải pháp thực chất", Thompson nói thêm.

Ở Wheatbelt, Miolini cũng cho thấy quan điểm khá thực tế. "Từ hạn hán, tới lũ lụt, cháy rằng, hay giá hàng hóa tiêu dùng giảm, chúng ta có thể đoàn kết lại và tìm một lối thoát. Ai mà biết được điều gì sẽ xảy ra trong khoảng thời gian từ nay tới thời điểm thu hoạch trong tháng 11?"

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại