Cơ quan hành pháp của EU đã đề xuất mở rộng các hạn chế thương mại nghiêm ngặt đối với một số công ty Trung Quốc khi EU đang nỗ lực trấn áp các công ty cung cấp hàng hóa và công nghệ bị cấm cho Điện Kremlin nhằm hỗ trợ cho cuộc chiến ở Ukraine.
Khi được hỏi về khả năng bị trừng phạt sau cuộc hội đàm ở Berlin hôm thứ 9-5 với người đồng cấp Đức Annalena Baerbock, Bộ trưởng Ngoại giao Tần Cương cho biết Trung Quốc không cung cấp bất kỳ loại vũ khí nào cho các quốc gia hoặc khu vực khủng hoảng. Ông cảnh báo không nên làm gián đoạn cái mà ông gọi là "sự trao đổi bình thường giữa các công ty Trung Quốc và Nga".
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tần Cương nhấn mạnh: "Chúng tôi phản đối mạnh mẽ bất kỳ biện pháp trừng phạt một chiều nào đối với Trung Quốc. Chúng tôi cũng sẽ bảo vệ các lợi ích chính đáng và hợp pháp của đất nước và các công ty của chúng tôi".
Theo các tài liệu được Bloomberg thu thập, Ủy ban châu Âu cho biết các công ty bị nhắm mục tiêu, bao gồm các doanh nghiệp ở Trung Quốc và Hồng Kông, cũng như các công ty ở Uzbekistan, Armenia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, đang trực tiếp hỗ trợ cho tổ hợp công nghiệp và quân sự của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen hôm 9-5 kêu gọi 27 quốc gia thành viên thực hiện các biện pháp thương mại đối với các quốc gia giúp Điện Kremlin đã lách lệnh trừng phạt của khối này. Trong chuyến thăm Kiev - Ukraine, bà Ursula von der Leyen cho rằng các biện pháp - sẽ tạo tiền lệ mới cho hành động của EU - nên là một phần trong gói trừng phạt mới lên Nga mà các nước thành viên đang thảo luận.
Để gói trừng phạt mới được thông qua, châu Âu cần có sự đồng ý của cả 27 quốc gia thành viên và các cuộc thảo luận dự kiến kéo dài căng thẳng trong nhiều tuần tới. Tuy nhiên, việc EU thảo luận trừng phạt các công ty Trung Quốc vào đúng thời điểm ông Tần Cương có chuyến công du đầu tiên đến châu Âu trong tuần này chắc chắn sẽ khiến quan hệ giữa EU và Trung Quốc thêm căng thẳng.