Cụ thể, một drone do thám Soar Dragon đã bay giám sát tàu Antietam, thuộc lớp tuần dương hạm Ticonderoga, khi tàu này đi ngang qua eo biển rộng chưa đến 200km ngăn đảo Đài Loan và Trung Quốc đại lục, vào ngày 25/7, Up Media tường thuật.
Drone Soar Dragon, tên Trung Quốc gọi là Tường Long, theo tạp chí National Interest của Mỹ, là câu trả lời đối với drone do thám RQ4-Global Hawk của quân đội Mỹ, cho dù kích thước nhỏ hơn. Tạp chí Popular Science từng mô tả Tường Long là “drone có vẻ ngoài chất nhất Trung Quốc” bởi thiết kế cánh song song.
Máy bay không người lái này có khả năng bay lượn phía trên chiến trường trong thời gian tối đa 10 giờ (đây cũng là khoảng thời gian cần thiết để tàu Antietam đi qua eo biển Đài Loan) ở độ cao 2km. Tường Long được trang bị nhiều thiết bị theo dõi, tương tự như drone RQ4 của Mỹ.
Drone Tường Long
Drone Tường Long được sản xuất từ năm 2016 và mới chỉ được bên ngoài nhìn thấy vài lần khi chúng cất cánh làm nhiệm vụ từ ba căn cứ: căn cứ không quân Linh Thủy trên đảo Hải Nam gần biển Đông; căn cứ không quân Dịch Thuận Đồn gần thành phố Cát Lâm ở đông bắc Trung Quốc và cách Triều Tiên khoảng 300km; căn cứ Nhật Khách Tắc ở Tây Tạng, gần cao nguyên Doklam/Đông Lãng đang có tranh chấp giữa Trung Quốc và Ấn Độ.
RQ-4 Global Hawk
“Thiết kế độc đáo của Tường Long khiến nó phù hợp cho hoạt động kéo dài nhiều giờ ở độ cao lớn. Khi drone được trang bị cho quân đội, nó sẽ thúc đẩy năng lực trinh sát/do thám tầm xa”, Vương Á Nam, tổng biên tập tạp chí Kiến thức không gian nói với Trung Quốc nhật báo năm 2016.
“Hơn nữa, máy bay này là nền tảng tốt cho các hoạt động tác chiến điện tử như thu thập tín hiệu tình báo và phá sóng điện tử”.
Tuy nhiên, theo Up Media, drone Tường Long trong lần hoạt động vừa qua ở vị trí xa so với các chiến đấu cơ có người lái của Trung Quốc cũng được cử đến giám sát con tàu Mỹ để phía Mỹ thấy rằng họ không được chào đón: các tiêm kích J-11 và Su-30 đã cất cánh 10 lần trong suốt thời gian tàu Mỹ đi ngang eo biển Đài Loan.
Tàu Mỹ cũng cho trực thăng MH-60 Seahawk cất cánh trong khi đi ngang qua eo biển. Đây cũng là lần đầu tiên quân đội Trung Quốc được nói là đã cử chiến đấu cơ đi giám sát một chuyến đi ngang eo biển Đài Loan của tàu chiến Mỹ vào ban đêm. Mỹ gọi hoạt động này là “chiến dịch tự do hàng hải” (FONOPS).
Tờ báo có trụ sở ở Đài Loan cũng ghi nhận rằng tuần dương hạm USS Antietam được một máy bay trinh sát/do thám P-8 Poseidon của hải quân Mỹ đi kèm suốt hành trình đi ngang eo biển.
P8-Poseidon là loại may bay chuyên dùng cho nhiệm vụ chống hạm, chống ngầm và tác chiến điện tử, là phiên bản cải tiến cho mục đích quân sự từ loại máy bay dân dụng Boeing 737-800. Trong nhiệm vụ lần này, P-8 Poseidon làm nhiệm vụ cảnh báo sớm cho tuần dương hạm USS Antietam.
Tuần dương USS Antietam được hạ thủy năm 1986, bắt đầu phục vụ trong biên chế Hải quân Mỹ từ năm 1987 và hiện đang đóng tại cảng Yokosuka, Nhật Bản. Nó là tuần dương hạm lớp Ticonderoga thứ 8 của hải quân Mỹ.